05/12/2015 09:06 GMT+7

Hết yêu là hết nghĩa!

MINH PHƯỢNG (minhphuong@tuoitre.com.vn)
MINH PHƯỢNG (minhphuong@tuoitre.com.vn)

TT - Họ quyết định chia tay nhau. Tình đã hết, nghĩa cũng chẳng còn. Họ cũng không thể coi nhau như người dưng vì còn đắng chát hận thù.

Minh họa: Ngọc Thuần
Minh họa: Ngọc Thuần

Chị nghĩ quãng đời còn lại, chị không thể quên giây phút chiếc xe hơi gây tai nạn cho mình. Đắng lòng, chua chát hơn khi người lái xe đó là chồng, ngồi cạnh là một cô gái. Họ bỏ mặc...

Cạn nghĩa

Chị ngồi đó với đôi mắt đẹp, hàng mi cong vút nhưng trĩu nặng nỗi buồn. Mái tóc cạo sát tới lớp da. Chị gượng cười bảo qua được tai nạn ấy, chị xuống tóc, ăn chay một tháng. Chị đã nhúc nhắc đi lại được, nhưng từ nay không thể lao động nặng sau tai nạn.

Hơn một tháng nằm viện điều trị vì cơ quan nội tạng bị dập, tổn thương, chị xuất viện về nhà mẹ ruột (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Phần tiện cho anh chị em chăm sóc, phần chị không muốn nhìn thấy người chồng cạn tình cạn nghĩa ấy.

Nhắc đến chồng, đôi mắt chị đỏ hoe, chị lấy tay lau nước mắt mấy lần. Chị kể từ hôm tai nạn đến giờ, chồng không một lần vào bệnh viện hay đến nhà thăm chị. Chị gượng cười, chua chát nghĩ về một thời mặn nồng đầu ấp tay gối. Như bao cặp đôi khác, họ có một thời gian dài yêu, rồi cưới nhau.

Trước đó, họ là bạn học với nhau. Anh dịu dàng với chị và chu đáo với gia đình. Gia đình bé nhỏ hạnh phúc với những thiên thần nhỏ ra đời. Cuộc sống dễ chịu, vợ chồng chịu khó làm ăn nên cũng có của ăn của để. Tiếng cười tràn ngập khi cả hai cùng nhìn về một hướng, cùng phấn đấu vì những đứa con.

Chị nghĩ đàn ông ai cũng có những lúc trăng hoa, chán cơm thèm phở, nhưng vẫn về với vợ con. Khi phát hiện chồng có người khác, chị sụp đổ. Là phụ nữ, chị không tránh khỏi những cơn ghen tuông, giận dữ, ngọt nhạt...

Gia đình nhỏ yên ấm cứ thế nguội lạnh dần. Hạnh phúc xa dần vì những trận cãi vã, dằn vặt nhau. Chị nói nếu không còn yêu chị thì anh hãy vì những đứa con. Nhưng anh vẫn bất chấp, thậm chí công khai người yêu. Lúc ấy, cậu con trai út mới mấy tháng tuổi.

Rồi họ không buồn cãi vã, nói chuyện với nhau cũng ngại. Họ ly thân. Cần mua sữa cho con hay con cần quần áo mới, cần đóng học phí, chị đều nói đứa lớn sang nói với ba. Con cái là người truyền tin giữa hai vợ chồng. Hai năm qua, vợ chồng như người dưng. Đỉnh điểm sau ngày xảy ra tai nạn thì người dưng cũng không còn...

Tổn thương con trẻ

Cô con gái đầu học lớp 7 của anh chị đã đủ lớn để hiểu mọi chuyện xảy ra giữa cha mẹ. Chị cũng không giấu giếm gì vì “tụi nó biết cả”. Từ căn nhà mẹ con chị ở (sát nhà nội), mấy đứa con vẫn thường “méc” mẹ: “Ba đi với cô kia rồi!”.

Hôm chị bị tai nạn là ngày sinh nhật của đứa lớn. Sáng ấy, chị chở con đi mua bánh kem. Tấp xe cho con vào trụ ATM để rút tiền, vừa lúc đó chiếc xe hơi lướt qua, chị kịp thấy chồng và một cô gái trong xe. Bỏ con đó, chị đuổi xe theo và đã xảy ra va quẹt, chị nằm sõng soài trên đường. Con bé chứng kiến cảnh tượng bất nhẫn ấy: ba gây tai nạn cho mẹ và đã bỏ đi, mẹ cận kề giữa làn ranh sinh tử.

Đứa bé 13 tuổi có buồn về tình nghĩa của cha mẹ nó? Tính khí con bé trở nên cáu bẳn, cục cằn, gọi cha mình là “ổng” với sự bực dọc, nói chuyện với mẹ không vừa ý thi thoảng lại lớn tiếng. Người cha kêu con gái về sống với bên nội cùng hai đứa em nhưng con bé không chịu. Cô bé về nhà ngoại ở với mẹ. Đứa trẻ mang trong người sự thù ghét, rồi em sẽ lớn lên thế nào, khi tuổi 13 hồn nhiên của em đã thật sự không còn?

Chị nói đã xin ly hôn. Khỏe rồi, chị kiếm công việc buôn bán và muốn giành quyền nuôi ba đứa con. Dù nhà chồng có đền bù cho chị nhưng chị nói cứ để cho pháp luật xử, vì tình hết, nghĩa cũng không còn...

MINH PHƯỢNG (minhphuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên