10/08/2015 07:59 GMT+7

HLV Henrique Calisto: Hãy trẻ mãi nhé Tuổi Trẻ!

 HENRIQUE CALISTO (HUY ĐĂNG dịch)
HENRIQUE CALISTO (HUY ĐĂNG dịch)

TT - Mười năm với hơn 3.000 ngày ở VN là quãng thời gian không ngắn, cũng khá dài để tôi vẫn lưu lại mãi trong lòng những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp.

Vợ chồng huấn luyện viên Calisto thăm bệnh nhi ung thư  dịp tết âm lịch 2009Ảnh: SĨ HUYÊN
Vợ chồng huấn luyện viên Calisto thăm bệnh nhi ung thư dịp tết âm lịch 2009 - Ảnh: SĨ HUYÊN

Trong đó, báo Tuổi Trẻ đã để lại trong tôi dấu ấn khá lớn về một tờ báo có sức thu hút sâu đậm với người đọc qua các bài viết về chính trị, xã hội, văn hóa và tất nhiên là với thể thao.

Những trang báo, những bài viết hoặc phỏng vấn trên Tuổi Trẻ đã đưa tôi và người hâm mộ bóng đá đến gần nhau hơn, cảm thông cho nhau nhiều hơn. Nhờ vậy tôi có thêm nhiều người bạn chân tình. Trong những năm tháng làm việc tại Việt Nam, tôi có hai kỷ niệm đáng nhớ với Tuổi Trẻ...

Đau đớn vì bệnh tật nhưng các bệnh nhi vẫn luôn hướng ánh mắt về màn hình tivi mỗi khi đội tuyển VN thi đấu. Các bạn khi thi đấu hãy luôn nhớ đến những ánh mắt ấy

HENRIQUE CALISTO

 

1 “Học nghề” cùng Tuổi Trẻ

Mùa hè năm 2004 dẫu rất bận rộn trong việc dẫn dắt Đồng Tâm Long An chơi ở V-League, nhưng khi Tuổi Trẻ đề nghị đến tòa soạn làm trực tuyến vào giữa khuya về vòng chung kết Euro trên quê hương mình, tôi vui vẻ nhận lời.

Thù lao thì không đáng kể nhưng tôi thích thú công việc “tay trái” này với mong muốn giúp người đọc và các nhà báo thể thao hiểu sâu thêm về triết lý bóng đá, về chiến thuật các đội bóng vào vòng chung kết, đặc biệt là muốn giới thiệu với mọi người biết thêm đôi nét về đất nước và đội tuyển Bồ Đào Nha.

Có thể nói đó là lần đầu tiên trong đời tôi trực tiếp tham gia làm bình luận trên online. Và thật sự mệt! Các bạn thử tưởng tượng: công việc huấn luyện kéo dài đến chiều, xong phóng xe chạy lên TP.HCM, ăn vội bữa tối rồi đến thẳng tòa soạn Tuổi Trẻ và “chiến đấu” đến tận 4 giờ sáng hôm sau, rồi lại lên xe tranh thủ chợp mắt để về Long An tiếp tục huấn luyện hai buổi/ngày cho cầu thủ.

Nhưng tôi cũng có những cái được là có thêm bạn bè, mọi người hiểu nhau hơn và gắn bó nhau nhiều hơn. Chưa kể những đêm làm bình luận như vậy giúp tôi tích lũy thêm được những bài học kinh nghiệm của nghề bình luận thể thao - một việc rất phổ biến với các huấn luyện viên, cựu cầu thủ. Và đó chính là hành trang ban đầu đưa tôi đến với vai trò bình luận viên bóng đá cho các đài truyền hình và báo chí thể thao ở Bồ Đào Nha từ cuối năm 2014 đến nay.

Nói không quá lời, Tuổi Trẻ trở thành nơi “học việc” đầu tiên đưa tôi đến với nghề bình luận bóng đá!

2 vết cứa vào tim tôi

Kỷ niệm thứ nhì, sâu sắc hơn với Tuổi Trẻ chính là cuộc giao lưu do báo tổ chức giữa đội tuyển bóng đá VN với bệnh nhi ung thư trên sân Thành Long (TP.HCM) vào một tháng trước lúc tuyển VN tham dự AFF Suzuki Cup 2008.

Thoạt tiên khi Tuổi Trẻ đưa ra lời đề nghị, tôi dù rất thích vì nghĩ rằng đó là cơ hội cho cầu thủ của mình hiểu hơn về cuộc sống, nhưng cũng có phần e dè vì thời điểm ấy có khá nhiều đề nghị các hoạt động liên quan đến đội tuyển. Tuy nhiên, cảm nhận được sự chân thành của Tuổi Trẻ, tôi đồng ý. Nhận lời giao lưu nhưng thật lòng mà nói tôi và các học trò không biết mình sẽ làm gì với các em, ngoài việc tặng những quả bóng và một chút quà lưu niệm cho các bệnh nhi.

Tuy nhiên chiều hôm ấy, khi bước ra sân tôi và tất cả tuyển thủ đều lặng người đi khi bắt gặp những gương mặt hồn nhiên, đáng yêu của các em. Thậm chí cho đến giờ này tôi vẫn không thể nào quên được gương mặt đẹp như một thiên thần của cô bé Như Ý. Khi ấy lòng tôi chùng xuống và tự hỏi rằng: “Tại sao các em tuyệt vời như vậy mà lại vướng vào căn bệnh quái ác đến thế? Những câu hỏi tại sao, tại sao cứ vang mãi trong lòng mà tôi không thể tìm ra được câu trả lời thỏa đáng...”.

Sau cuộc gặp ấy, vào dịp tết 2009 của người Việt Nam nhân chuyến sang thăm VN của Maniella - vợ tôi, tôi đưa cô ấy đến Bệnh viện Ung bướu để thăm và mừng tuổi các em. Bước chân vào những phòng bệnh dành riêng cho trẻ em, tôi và Maniella không khỏi sửng sốt khi nhìn căn phòng nhỏ lại chứa đầy bệnh nhi. Nước mắt đã lăn dài trên gương mặt Maniella khi nhìn thấy cảnh nhiều em phải nằm dưới gầm giường vì phòng bệnh có quá đông người. Hình ảnh các em bệnh tật, đau đớn và thiếu thốn nhiều thứ như cứa vào tim tôi và Maniella.

Cảm ơn Tuổi Trẻ đã đem lại cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ như vậy. Nhân dịp Tuổi Trẻ 40 tuổi, hãy nhận nơi đây lòng kỳ vọng của tôi - một công dân nước ngoài có quãng thời gian gắn bó với VN - rằng: Hãy luôn trẻ mãi nhé Tuổi Trẻ. Bởi vì chất trẻ trong mỗi con người luôn nung nấu, thôi thúc chúng ta hướng đến những suy nghĩ táo bạo, luôn dệt những ước mơ cháy bỏng, luôn đặt niềm tin vào tương lai, biết cống hiến và tận tâm với cộng đồng!

Hãy luôn nhớ những ánh mắt ấy

Sau buổi giao lưu với các bệnh nhi đó, trong các buổi tập của đội tuyển tôi thường khuyên học trò rằng: “So với nhiều người khác trong xã hội, các bạn đã và đang có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ về mọi mặt và nhất là may mắn hơn thật nhiều người khác. Tôi khuyên và mong các bạn hãy luôn nhìn xuống để thấy và chia sẻ với những hoàn cảnh không may.

Đau đớn vì bệnh tật nhưng các bệnh nhi vẫn lạc quan, yêu đời và luôn hướng ánh mắt về màn hình tivi mỗi khi đội tuyển VN thi đấu. Các bạn khi thi đấu hãy luôn nhớ đến những ánh mắt ấy”.

 

Mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”  

Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển (2-9-1975 - 2-9-2015), báo Tuổi Trẻ đã nhận được sự gắn bó, sẻ chia của biết bao thế hệ bạn đọc.

Không chỉ với tư cách người đọc báo mà bạn đọc còn cùng làm báo, góp sức, hiến kế để Tuổi Trẻ ngày càng lớn mạnh, vững vàng và chuyên nghiệp hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo, như một sự tri ân bạn đọc, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài trên trang bạn đọc mang chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ.

Đó có thể là câu chuyện, là bài học rút ra từ chính những nhân vật của Tuổi Trẻ như những tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường, những nông dân chân chất với chương trình Tiếp sức nhà nông... chia sẻ những hỗ trợ để họ vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời và bắt đầu gặt hái được thành công.

Đó có thể là câu chuyện của chính những người “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” khi chia sẻ thông tin đến đường dây nóng, đồng thời lăn lóc cùng phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập thực tế với ước mong ngăn chặn cái xấu, tìm lại sự công bằng cho người yếu thế, những số phận kém may mắn.

Đó cũng có thể là những tâm tình của bạn đọc khi gửi gắm những kỳ vọng đến Tuổi Trẻ, khi cảm nhận được những điều mới mẻ từ những bài học vượt khó của các nhân vật mà Tuổi Trẻ giới thiệu.

Và đó cũng có thể là những hiến kế khả thi mà bạn đọc đề nghị báo Tuổi Trẻ thực hiện để góp phần nâng chất lượng tờ báo với mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Báo Tuổi Trẻ hi vọng sẽ đón nhận được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm và Tôi”.

Những bài viết hay, tâm huyết sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và 20 tác giả có bài viết hay, hiến kế thiết thực sẽ tham gia giao lưu, nhận quà tặng trong dịp kỷ niệm 40 năm của Tuổi Trẻ.

Bài viết chia sẻ vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn.

Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015.

 

HENRIQUE CALISTO (HUY ĐĂNG dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên