09/08/2020 12:02 GMT+7

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 1: Trăm năm hẻm 'nhà thùng'

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Khuất sau đường phố đông đúc, Sài Gòn - TP.HCM còn có hình hài và linh hồn khác - đó là những con hẻm đã gắn với bao ký ức đời người.

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 1: Trăm năm hẻm nhà thùng - Ảnh 1.

Có những con hẻm đã tồn tại hơn 100 năm, trải nhiều biến thiên lịch sử. Nhưng cũng có những hẻm mới xuất hiện với sự phát triển đô thị và dòng người nhập cư mang theo giấc mơ đổi đời...

"Hẻm nhà thùng" hay "hẻm kinh tế mới" ở quận nhất, TP.HCM là tên gọi hai hẻm nhỏ đối diện nhau ngay đường Thủ Khoa Huân, bên hông chợ Bến Thành. Ít ai biết, hai con hẻm này đã có từ thời Pháp thuộc ở Sài Gòn, cách nay cả trăm năm.

Ở riết thành quen rồi, xe nhà tôi ba, bốn cái từ SH, Spacy đến chiếc Honda Future của tôi đều để ngoài hẻm, bao năm rồi chả lo mất mát gì.

Ông Nguyễn Trung Trực

Nhịp đời trong con hẻm trăm năm

Ngược dòng thời gian trong ký ức các bậc cao niên, trước năm 1975, hai con hẻm này được thuê lại từ Chú Hỏa, cư dân chủ yếu là gia đình những người Hoa di cư từ thời Pháp thuộc.

Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, dân hẻm buôn bán ở lòng lề đường khu chợ Bến Thành được vận động đi kinh tế mới. Nhưng sau đó, do không quen cuộc sống vất vả ở nông thôn, nhiều người đã về lại, buôn bán "chợ trời" ở khu vực này để mưu sinh. 

Thấy bà con ăn ngủ luộm thuộm ngay lòng lề đường, chính quyền đã cho phép họ xây cất những ngôi nhà ở tạm chỉ khoảng 3-10m2. Nhà nào rộng nhất thì khoảng 23m2.

Từ đó tới nay, những ngôi nhà ở hai con hẻm này vẫn giữ nguyên diện tích "siêu nhỏ" hay còn gọi là "nhà thùng cactông" là vì vậy. Có những gia đình tới 3-4 thế hệ vẫn sống ở đây để giữ ngôi nhà của ông bà mình. Đối diện với dãy nhà "kinh tế mới" là dãy nhà của người Hoa di cư từ thời Pháp thuộc rộng đến cả trăm mét vuông.

Ông Nguyễn Trung Trực, tổ trưởng khu phố ở hẻm 24 Thủ Khoa Huân, năm nay đã hơn 70 tuổi. Vừa trải qua cơn tai biến thập tử nhất sinh nhưng ông may mắn vẫn còn minh mẫn, được bà con tin tưởng bầu làm tổ trưởng đã nhiều năm. 

Ông Trực kể lại lịch sử con hẻm bằng giọng bồi hồi: "Nhà tôi tuy nằm ở dãy kinh tế mới nhưng ông bà già vợ đã sở hữu căn nhà chỉ 23m2 này từ thời Pháp thuộc. Vật đổi sao dời qua bao thăng trầm lịch sử nhưng gia đình tôi vẫn ở lại hẻm vì không muốn rời đi khỏi ngôi nhà ông bà để lại".

Một chiều tối mùa dịch giã, con hẻm 24 Thủ Khoa Huân yên tĩnh lạ lùng. Ngày thường khi không có dịch, từ 5-6 giờ chiều những chiếc xe thùng chở hàng bán chợ đêm xếp hàng dài từ cuối hẻm ra tới mặt tiền đường Thủ Khoa Huân. 

"Con hẻm lúc ấy bị chặn đứng bởi hàng dài xe thùng, cư dân hẻm muốn đi ra không được, đón con cháu đi học về, đi làm về cũng không cách nào luồn vào nhà được. Đôi khi dịch là vận rủi mà cũng là cái may cho hẻm này, được trở về với đời sống yên bình như trước kia" - ông Trực than thở.

Hẻm 24 này chỉ rộng chừng hơn 2 mét, đủ để hai chiếc xe máy chạy trái chiều tránh nhau. Vì dãy nhà "kinh tế mới" có diện tích chỉ vài mét vuông nên hầu như các gia đình đều để dành diện tích tầng trệt làm nhà vệ sinh và xếp gọn đồ cho 1 - 2 người ngủ. 

Chỉ mới một tháng trước, em trai bà Trần Thị Mừng qua đời, dân hẻm phải đặt quan tài ngoài vỉa hè đầu hẻm để người thân đến phúng viếng.

Ở tuổi 61, bà Mừng, một người sống ba thế hệ ở hẻm này, ngậm ngùi kể: "Lúc đông nhất có tới 6 người sinh hoạt trong cái nhà chỉ rộng chưa tới 6m2. Lúc mẹ tôi còn sống thì ưu tiên bả nằm tầng trệt với đứa cháu, mấy chị em gái như tôi thì trải ghế bố trước nhà ngủ tạm. Cũng mấy chục năm rồi sống như vậy nhưng không làm gì được, vì công việc buôn bán kiếm cơm thì phải ở đây thôi".

Gia đình ông Võ Văn Phê người gốc Hoa ở phía giữa hẻm thì rộng hơn và diện tích hẻm đột nhiên phình ra tới 3-4 mét nên tận dụng để nấu cơm trưa, bán cho nhân viên văn phòng quanh khu này. Nhưng nhà ông Phê cũng như ngôi nhà 24/14 Thủ Khoa Huân phải sống chung với cây cột điện có từ thời Pháp.

"Tuy cây cột điện này không còn cung cấp điện nhưng cũng không được nhổ đi, nhà tôi phải xây dựa tường vào cây cột điện để tiết kiệm diện tích. Báo lên phường, lên quận hoài mà chưa thấy công ty điện lực xuống nhổ đi" - con gái ông Phê kể.

Hẻm nhỏ lại là hẻm cụt nên các hộ gia đình phía dãy kinh tế mới trong hẻm đa phần giữ nguyên kết cấu nhà cấp ba bằng gỗ từ mấy chục năm trước. 

"Hỏng tới đâu, sửa tới đó, chứ giờ Nhà nước có cấp giấy phép cho xây lại đâu mà làm kiên cố?"- một cư dân hẻm giãi bày. Mọi sinh hoạt như nấu ăn, giặt giũ người dân ở những ngôi nhà chỉ vài mét vuông đều để bên ngoài hành lang hẻm.

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 1: Trăm năm hẻm nhà thùng - Ảnh 3.

Vợ ông Võ Văn Phê, một người dân hẻm đã 95 tuổi, ở đây từ thời nhà còn thuê của Chú Hỏa - Ảnh: LÊ VÂN

Cả hẻm cưu mang một người điên

Hẻm 11 Thủ Khoa Huân cũng có tuổi đời và lịch sử gần giống với hẻm 24. Có điều, con hẻm 11 này có chiều ngang hẹp hơn, chỉ khoảng 2 mét. Từ đầu hẻm vào, đa số người dân ở hẻm tận dụng khoảng sân trước nhà để sinh hoạt và buôn bán.

"Đất ở đây đắt xắt ra miếng nên ai cũng ráng bám trụ để làm ăn"- chị Cao Ánh Tuyết, cư dân hẻm lâu năm, chia sẻ.

Hơn 50 tuổi, chị Tuyết cũng là một cư dân có ba đời ở hẻm này. Lúc trước, gia đình chị cũng buôn bán quanh chợ Bến Thành. 

"Tôi ở đây xưa lắm rồi, từ đời ông cố bà cố đã ở đây. Lúc trước thì bán ngoài đường, tạp hóa, lúc chưa xài gas thì còn bán củi nữa. Sau năm 1975 thì dần dẹp hết, cũng khó khăn nhưng giờ đỡ nhiều rồi. Bà con trong hẻm này đa phần có nhà hoặc thuê nhà làm ăn ở nơi khác, chỉ vài nhà còn một, hai người ở lại vì buôn bán quanh đây".

Tâm sự chuyện hàng xóm ở hẻm, chị Tuyết kể thêm: "Cả hẻm có nhà ông khùng cuối hẻm là khó khăn nhất nên phường cũng xây cho cái nhà tình thương, rồi chòm xóm xúm vô cho đồ ăn sáng tối. Thấy ổng ở đây xưa giờ quen rồi nên không nỡ đưa vô bệnh viện tâm thần. Ổng được cái hay là tuy bị khùng nhưng không quậy phá gì ai nên bà con trong hẻm cũng thương".

Giữa khu đất kim cương của quận nhất, hai con hẻm có những ngôi nhà siêu nhỏ và tuổi đời cả trăm năm của Sài Gòn vẫn điềm nhiên đi qua thời gian dù trải nhiều biến cố. 

Một số gia đình kinh tế đủ sức đi mua nhà ở những nơi khác, nhưng họ vẫn ở lại con hẻm này như gia đình bà Tám Thiệt. 

Cứ vô hẻm 24 này hỏi bà Tám Thiệt là ai cũng biết. Cha tui là dân tình báo nên bà con gọi tui là con gái ông tình báo, dù xưa nay mãi lúc cha mất tui mới biết ổng làm gì. Mấy má con ngày xưa còn nghĩ ổng đi làm nhà nước, ở nhà má tui rồi tới tui cứ buôn bán rau cháo qua ngày nuôi đàn con thành đạt" - bà Tám Thiệt, 95 tuổi, móm mém kể lại đầy tự hào về đàn con cháu của mình đã bốn thế hệ ở hẻm này...

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 1: Trăm năm hẻm nhà thùng - Ảnh 4.

Hẻm 24 Thủ Khoa Huân với hai dãy nhà đối lập: một bên của dân hẻm đi kinh tế mới về, một bên của các gia đình người Hoa đã ở đây từ thời thuê nhà Chú Hỏa - Ảnh: LÊ VÂN

"Đi sao đặng"

"Nhiều người cứ nói đây là khu ổ chuột giữa thành phố, chứ tụi tui ăn ở ba, bốn đời cả trăm năm ở cái hẻm này rồi, đi sao đặng" - chị Phượng, con gái đời thứ ba trong một gia đình người Hoa ở hẻm kinh tế mới, nói oang oang giữa trưa nắng khi đang nấu đồ ăn bán cho quán ăn trưa văn phòng ngay trong hẻm.

Bước ra một chút là ngã tư Bảy Hiền, bước lui một chút là chợ Ông Tạ nổi tiếng sản vật Bắc, bước ngang một chút là nhà thờ Chí Hòa cổ kính, vậy mà những con hẻm này từng được gọi thiệt lạ: khu chăn nuôi.

Kỳ tới: Hẻm nhỏ “khu chăn nuôi”

Ký ức Sài Gòn trong lòng bàn tay Ký ức Sài Gòn trong lòng bàn tay

TTO - Có ai ngờ ký ức Sài Gòn có thể thu bé lại vừa khéo trong lòng bàn tay nhưng vẫn đầy đủ, chân thật đến từng chi tiết, không khỏi khiến người ta bồi hồi, thương nhớ.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên