26/04/2020 21:13 GMT+7

Hậu đại dịch: Còn công ty nước ngoài nào làm ăn với Trung Quốc?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Câu chuyện các nước muốn dời sản xuất khỏi Trung Quốc để khỏi bị lệ thuộc đang râm ran trên mặt báo. Nhưng muốn là một chuyện, còn làm không hẳn là dễ, báo South China Morning Post phân tích.

Hậu đại dịch: Còn công ty nước ngoài nào làm ăn với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Một cửa hàng viễn thông ở thủ đô Bắc Kinh đóng biển hiệu Huawei vào ngày 24-4 - Ảnh: REUTERS

Hai tuần qua, nhiều lãnh đạo của các nền kinh tế lớn đã công khai thảo luận các kế hoạch lôi kéo doanh nghiệp trong nước ra khỏi Trung Quốc. Cơ sở cho việc này là cú sốc cung ứng nguyên liệu hoặc hàng hóa sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để ngăn dịch COVID-19.

Theo trang Politico, ngày 21-4, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu Phil Hogan cho biết khối này sẽ tìm cách "giảm sự lệ thuộc thương mại (vào Trung Quốc)" sau khi dịch bệnh kết thúc.

Tuần trước, Nhật Bản công bố khoản tiền 2,2 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp dời dây chuyền từ Trung Quốc về nước, hoặc thậm chí Đông Nam Á cũng được, để tránh những rủi ro về sau.

Mỹ thì chưa có một chương trình chính thức như Nhật, nhưng ông Larry Kudlow - giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, đề xuất chính phủ trả mọi chi phí di dời cho các doanh nghiệp Mỹ muốn rút khỏi Trung Quốc. 

Tôi dám nói là sẽ bồi hoàn 100% từ nhà máy, thiết bị, tài sản trí tuệ, cải tạo..."

Larry Kudlow - giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ

Hậu đại dịch: Còn công ty nước ngoài nào làm ăn với Trung Quốc? - Ảnh 3.

Dịch bệnh khiến nhiều nước nhận ra đã quá lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Trước dịch bệnh, thực ra đã có hiện tượng một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Âu rút bớt ra khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, còn áp lực bây giờ là đẩy nhanh quá trình này. 

Dịch COVID-19 nay cho thấy thế giới lệ thuộc ra sao vào hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc, đặc biệt là vật tư y tế.

Ông Scott Paul - chủ tịch Liên minh Các nhà sản xuất Mỹ, cho rằng ý tưởng "thoát Trung" đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi, không chỉ giới hạn ở những nhân vật diều hâu như cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro.

"Có bao nhiêu công ty Mỹ trở về nhà vẫn là câu hỏi, nhưng tôi nghĩ chắc chắn là xu hướng ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì", ông Paul nhận định.

Hậu đại dịch: Còn công ty nước ngoài nào làm ăn với Trung Quốc? - Ảnh 4.

Dân Mỹ chen chúc trước siêu thị để mua hàng trong đại dịch - Ảnh: REUTERS

Hẳn nhiên đối với Trung Quốc, đây không phải tin vui. 

Theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật, quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng đã đành, việc Nhật Bản - nước đang rã băng quan hệ với Bắc Kinh - cũng tung gói hỗ trợ doanh nghiệp hồi hương, đã khiến chính giới Trung Quốc xôn xao.

Li Xunlei, kinh tế trưởng của Công ty bảo hiểm Zhongtai Securities kiêm cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc, nhận xét những lời cay đắng của các đối tác chưa phải là mối đe dọa với Trung Quốc ngay nhưng nó có thể là thách thức nghiêm trọng về lâu dài.

"Sự gián đoạn do dịch bệnh buộc các công ty nước ngoài phải tìm nguồn cung khác ở quê nhà, và sự thiếu thốn trang thiết bị y tế khiến các nước phát triển hối tiếc vì đã để xảy ra lỗ hổng sản xuất trong nước", ông Li lý giải.

Chính trường Mỹ hiếm khi thấy sự đồng lòng của lưỡng đảng Cộng hoà - Dân chủ, nhưng vấn đề Trung Quốc hiện đang là ngoại lệ. Tất cả cùng chia sẻ cơn giận về cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh vào lúc ban đầu. 

Một khảo sát tháng trước của Gallup phát hiện chỉ có 33% người Mỹ nghĩ tốt về Trung Quốc, mức thấp nhất trong 20 năm. Khảo sát của Trung tâm Pew công bố tuần trước kết quả cũng tương tự.

Các nguồn tin cho hay một bộ phận nhân viên y tế Mỹ thậm chí đã tức giận khi được phát cho đồ bảo hộ "made in China". Làn sóng tâm lý bài Trung này có thể gây thêm áp lực lên các lĩnh vực khác, đặc biệt là hàng tiêu dùng, nói "không" với Trung Quốc.

Hậu đại dịch: Còn công ty nước ngoài nào làm ăn với Trung Quốc? - Ảnh 5.

Câu chuyện kinh tế trong và sau dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết, dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp - Ảnh: AFP

Theo báo cáo 2019 Reshoring Index của Hãng tư vấn Mỹ Kearney, dịch COVID-19 buộc các công ty phải cân nhắc lại chuỗi cung ứng, đẩy nhanh hơn nữa các xu hướng đã diễn ra trước và trong thương chiến. "Chia bớt rủi ro thay vì bỏ hết trứng vào một rổ", báo cáo mô tả.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các công ty rút sạch khỏi Trung Quốc.

Các mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế chắc chắn nhận được sự hậu thuẫn lớn của các chính phủ trong việc nội địa hoá sản xuất, vì không ai muốn bị bất ngờ thêm lần nữa. Còn các lĩnh vực khác, đa phần doanh nghiệp không muốn bị cuốn vào vòng xoáy của các trào lưu chính trị.

Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải tháng này ghi nhận 70% thành viên doanh nghiệp không muốn dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì dịch bệnh. 

Nhiều đơn vị muốn ở lại để tiếp cận thị trường 1,4 tỉ dân, trong khi nhóm khác cảm thấy khó xa rời hạ tầng sản xuất, hậu cần xuất sắc Trung Quốc đã xây dựng trong 30 năm qua. Một số thì xây thêm nhà máy ở nơi khác nhưng vẫn duy trì bản doanh ở Trung Quốc để dễ làm ăn.

"Chúng tôi đã nghe lời đề nghị của Larry Kudlow về việc hỗ trợ công ty Mỹ dời về Mỹ, chúng tôi chỉ không thấy được nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. Dời từ Trung Quốc về Mỹ không giống như đóng vali rồi đi, đó là một quá trình phức tạp với rất nhiều yếu tố khác nhau", ông Ker Gibbs - chủ tịch AmCham Thượng Hải, giải thích.

Nhìn chung, nước Mỹ vẫn chưa vạch ra được một kế hoạch khả thi để thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc, mối quan tâm lớn nhất của họ hiện tại là dịch bệnh. Hơn 26 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ đầu dịch, đặt ngân khố của các tiểu bang trong tình trạng căng thẳng.

Một quan chức cấp bang của Mỹ nói ngắn gọn: "Đưa ra chủ trương giữa cuộc khủng hoảng, ngân sách thì đang bị tàn phá, trông không hay ho gì".

Ngoại trưởng Mỹ: "Cẩn trọng khi làm ăn với Trung Quốc" Ngoại trưởng Mỹ: 'Cẩn trọng khi làm ăn với Trung Quốc'

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8-2 cảnh báo thống đốc các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ "cẩn trọng" khi làm ăn cùng Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đang dùng sự tự do của Mỹ để phá hoại Mỹ.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0