04/03/2009 02:27 GMT+7

Hạt cơm trên đỉnh núi

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Cảnh sống của giáo viên ở những vùng rừng núi xa xôi nơi nào cũng gian khó, cực nhọc, nhưng ở Trường tiểu học Dền Thàng (xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, Lào Cai) có những thầy cô vượt lên cái khó, cái khổ để cưu mang các học trò cực nghèo. Đó là câu chuyện cảm động trên những đỉnh núi cao ngất giữa vùng rừng cực bắc của Lào Cai.

AZ3KeIOV.jpgPhóng to
Vợ chồng thầy Khỏe - cô Thanh lo bữa trưa cho học trò nhỏ của mình-Ảnh: Vũ Toàn

Đêm Tả Phìn

Thầy giáo Nguyễn Văn Tình - hiệu trưởng Trường tiểu học Dền Thàng - năm nay 37 tuổi, được đồng nghiệp trẻ gọi là “cựu binh vùng cao”. 13 năm đi gieo cái chữ ở vùng rừng núi cheo leo, anh kể tôi nghe một thời buồn về vùng rừng Dền Thàng với những nương rẫy tím ngắt hoa anh túc. Gia cảnh những người nghiện cùng cực đến nỗi phải bán hết đất ruộng để đắp vào những cơn nghiện giày vò.

Ruộng đất, nương rẫy cũng theo những cơn nghiện ra đi. Hết đất là hết lúa, hết cái ăn cái mặc. Sự học của trẻ gần như không ai để ý. Thậm chí có người bắt con đi chăn trâu thuê, bế em thuê thay vì cho đi học. Lý do đơn giản chỉ là “đi làm thuê thì có ăn, còn đi học cái bụng cứ đói mãi”.

Ở khu tập thể của điểm trường chính, tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngát, 36 tuổi. Cô Ngát tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Lào Cai năm 1993, sau năm năm cô được kết nạp Đảng. Trong 15 năm lên non đi gieo chữ từ Trường Sảng Ma Sáo qua điểm Trường Dền Thàng 2, đến điểm Trường Cố Đông rồi về đây, cô Ngát kể: “Vùng đất này có mưa mới có nước nên lúa chỉ cấy được một vụ, năm nào cũng có vài ba tháng đói. Không ít học sinh có bố bị nghiện hoặc mẹ bỏ nhà đi làm thuê rồi không thấy về nữa. Tôi thương các em như thương em ruột của mình nên san sẻ một phần lương hằng tháng, mua gạo nấu cơm cho các em ăn. Khi bụng không đói nữa các em mới chịu đi học”.

Đêm ấy tôi nghe thầy Tình kể: “Cô Ngát chỉ còn mẹ già 74 tuổi ở Yên Bái. Bố nguyên là chánh thư ký công đoàn Phòng giáo dục huyện Bát Xát, đã mất hồi chiến tranh biên giới phía Bắc (1979). Lần ấy, chị của Ngát mới 6 tuổi được bố cõng xuống hầm trú ẩn cũng bị bắn chết trên lưng bố. Bây giờ cô Ngát vẫn sống độc thân ở đây, thi thoảng mới xuôi về quê thăm mẹ”.

Hạt cơm - “hạt chữ”

Lòng nhân ái lan tỏa

Năm 2002 thấy nhiều HS không đến lớp, nhà trường đã họp và vận động giáo viên chia sẻ với những HS đặc biệt khó khăn bằng cách nhường một phần ăn của mình để cứu đói, giúp các em đến trường. Năm 2003 sau khi có ba giáo viên thực hiện hiệu quả, trường phát động trong sáu điểm trường.

Năm 2004 điểm trường nào cũng có giáo viên tình nguyện làm việc này. Đến nay, số giáo viên giúp đỡ HS ngày càng tăng và trở thành phong trào trong toàn trường. Sau Trường tiểu học Dền Thàng, một số trường trong huyện Bát Xát cũng xuất hiện những giáo viên tự nguyện nhường cơm, xẻ áo cho HS nghèo.

Tôi đến điểm Trường Dền Thàng 2. Nơi đây có đôi vợ chồng giáo viên Phan Văn Khỏe (quê Yên Bái) và Trần Thị Thanh (quê Nghệ An) đã nuôi tám em học sinh và hỗ trợ sáu học sinh nghèo khác từ năm 2005 đến nay.

Buổi trưa, học sinh lớp 4B của cô Thanh đang làm bài tập, còn cô đang nấu cơm trưa. Cô cho biết cuối tháng hai đến hết tháng năm ở đây còn gọi là mùa đói. Đúng dịp này, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt thường bỏ học. “Vì có gì ăn đâu mà đi học. Thế là các thầy cô ở đây chia sẻ phần gạo, phần lương để giúp học sinh, nhờ thế sĩ số của lớp vẫn nguyên vẹn” - cô nói.

Thầy Khỏe cho biết: “Sáu học sinh mà vợ chồng tôi nuôi ba năm trước nay đã học THCS rồi. Hai học sinh năm ngoái giờ đã học lớp 5. Năm nay vợ chồng tôi nuôi tiếp hai em Giàng A Giống và Giàng Thị Phái”. Nhà Giống nghèo đến nỗi nhiều bữa không có cơm ăn. Còn bố của Phái sau khi cai nghiện đang đi làm thuê, mẹ bỏ nhà đi lang thang, gia cảnh cùng cực. Nói là nuôi hai em nhưng nhiều bữa đột xuất có tới cả chục em cùng quây quần bên mâm cơm.

Đến bữa, hai vợ chồng cô Thanh - thầy Khỏe xới cơm cho từng trẻ rồi giục “các em ăn đi”. Nhìn đám học trò nhỏ lùa những miếng cơm, cô Thanh nói: “Tuy đói nhưng các em rất biết nhường nhịn nhau. Hôm nào có nhiều ăn nhiều. Hôm nào ít ăn ít. Đời giáo viên cắm bản không thể có đồng tiền tích lũy nhưng khó khăn đến mấy mình vẫn có cái ăn nên vẫn san sẻ được cho các em”.

Ở điểm Trường Sín Chải cách đó ba cây số cũng có một đôi vợ chồng giáo viên khác từng nuôi sáu học sinh nghèo khó. Đó là thầy Đỗ Xuân Bách (quê Nam Định) và cô Nông Thị Nguyệt (người dân tộc Tày, quê Lào Cai). Đôi vợ chồng này mỗi tháng chỉ có 2,8 triệu đồng lương, nhưng từ năm 2007 hễ đến mùa gặt là trích một phần tiền mua thóc để chống đói cho ba học sinh mỗi năm. Cô Vùi Thị Mây - người dân tộc Giáy ở Mường Hum, chủ nhiệm lớp 3 - cũng đang nuôi các em Tráng Thị Cú, Cử A Trung, Sùn Thị Xua.

Cô Bùi Thị Luyến có con nhỏ, chồng làm nghề xây dựng biền biệt tận tỉnh Gia Lai, miền Trung nhưng vẫn cưu mang em Cử Thị Xia từ lớp 1 và phụ thêm thức ăn cho bảy em khác. Cô Mây bảo: “Giáo viên vất vả nhưng học sinh còn khổ hơn mình, nên mỗi người bớt một chút để chia sẻ với các em cũng là chuyện bình thường. Khổ nỗi học sinh nghèo đông quá, mình nuôi không hết được. Hiểu được tình thương của thầy cô, em nào cũng chăm đến lớp”.

Các thầy cô giáo ở đây cho hay thầy Tình là người khởi xướng việc làm này và trực tiếp nuôi sáu học sinh từ năm 2002. Thầy Đinh Hồng Ứng (hiệu phó) và vợ cũng nuôi ba em. Ngoài ra còn có nhiều cặp vợ chồng khác đã và đang tiếp tục giúp các học sinh nghèo vượt qua cái đói để đến với cái chữ.

Tôi ngồi bên bếp lửa đỏ, bên nồi cơm thơm ngẫm nghĩ: phía sau hạt cơm là “hạt chữ” quý giá các thầy cô gieo nơi đây cho những đứa trẻ người dân tộc. Cũng như phía sau tình yêu mái trường, yêu học trò của những giáo viên ở đây là tình người mãi mãi đọng lại, sáng lên như bếp lửa vẫn đỏ như nồi cơm thơm trên chon von những đỉnh núi chọc trời.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên