31/07/2011 09:37 GMT+7

"Hạt cát may mắn" ở tuổi 93

Ông LÊ BÌNH
Ông LÊ BÌNH

TT - Ai đến thăm gia đình ông cũng tấm tắc khen: “Số một”. Mà số một thật. Cả bảy người con đều thành đạt, địa vị cao, các cháu đều học giỏi và quây quần bên ông bà. Những tấm ảnh sum họp gia đình treo đầy các bức tường nhà với tất cả niềm tự hào của tuổi 93. Ấy vậy mà ông bảo vẫn còn có một thứ đối với ông còn hơn cả “số một”, và cả gia đình ông cũng vậy: Tổ quốc.

XcuCAGoc.jpgPhóng to
Tuổi 93, đại tá Lê Bình vẫn mẫn tiệp khi nói chuyện về tương lai đất nước và không bao giờ quên nhắc về những người đã hi sinh cho hòa bình hôm nay - Ảnh: Gia Tiến

Ấy là thời mà ông Lê Bình gọi là cả nhà ra trận. Niềm tự hào nhất lại không phải là cả gia đình đã trở về vuông tròn sau cuộc chiến tranh. Ông bảo: “Chúng tôi chỉ là hạt cát thôi. Nếu có gì để kể, thì là khoảng thời gian “bệnh viện đánh giặc”. Bom, pháo suốt 60 ngày đêm nhưng K.71A của chúng tôi vẫn đứng vững, khoa ngoại vẫn mổ, khoa nội vẫn nghiên cứu điều trị bệnh sốt rét “đặc sản rừng”, khoa sản vẫn những em bé khóc oe oe, hàng ngàn thương bệnh binh vẫn được cứu chữa, phục vụ đầy đủ”.

Bệnh viện cầm súng

"Mỗi chiếc huân - huy chương là bao nhiêu xương máu của các thương binh, liệt sĩ, đeo lên áo, tôi nghe đau. Và điều đó nhắc mình phải sống xứng đáng"

Tháng 9-1969, K.71A đóng ở Trảng Tròn, Tây Ninh. Một sáng, tiếng máy bay ầm ầm quần thảo trên đầu, bom giội xuống rung chuyển như động đất. Căn nhà gỗ của chính ủy Lê Bình bị bom đào ba hố khổng lồ ở ba góc. Nhà sập, đất đá lấp kín căn hầm, trong đó có ông cùng con trai Lê Phước Sang vừa theo cha ra cứ và được sung vào đội bảo vệ. Hơn một giờ sau, mọi người mới cứu được hai cha con ra khỏi khối đất đá. Chui ra chưa kịp thở, câu đầu tiên ông hỏi: Mọi người ở bệnh viện có sao không? Hơn 30 sinh mạng của thương bệnh binh, y bác sĩ đã mất sau trận bom. Ông im lặng.

Đề xuất của ông sau đó được phê chuẩn: toàn bệnh viện di chuyển. Trong vòng vài tuần, K.71A đã yên vị ở địa điểm mới: khu Móc Câu trên đất Campuchia, sát biên giới Tây Ninh. Các khoa đã dựng lại nhà, các hầm chữ A đã được đào, chèn kiên cố, kho lương thực dự trữ đã được bổ sung, trại chăn nuôi cũng được gây dựng lại, thương bệnh binh đã có đủ chỗ nằm... Chính ủy Lê Bình luôn chân đi từ nhà này sang khu kia coi sóc công việc, luôn miệng động viên từ thương binh đến y tá, bác sĩ. Hơn ai hết, ông biết những ngày yên bình sẽ không kéo dài lâu, không “trăm người như một” sẽ không thể đương đầu cùng thử thách.

Đúng như dự đoán, tình hình chính trị biến chuyển nhanh chóng và chẳng mấy chốc, quân Mỹ cùng các xe tăng, pháo đài bay đã lại xuất hiện. Các cuộc càn liên tiếp diễn ra, đặt bệnh viện vào tình trạng báo động thường xuyên. Một vòng vây bên ngoài cánh rừng đang hình thành và dần khép lại. Mọi người lại rục rịch chuẩn bị hành trang cho một đợt di chuyển mới.

Đêm của chính ủy Lê Bình là những suy tính miên man. Tiếp tục di chuyển, tính mạng của hàng ngàn thương bệnh binh, sản phụ cùng y cụ, đồ đạc có an toàn không? Rồi còn hơn 600 y bác sĩ, nhân viên phục vụ của bệnh viện nữa? Mất một người làm chuyên môn là một tổn thất rất lớn trong chiến tranh. Phải có một cách khác, phải tìm ra cách khác, Lê Bình tự nhủ trước khi thiếp đi.

Cái cách mà Lê Bình manh nha suy tính ấy đã gặp ngay chủ trương của Cục Hậu cần Miền trong cuộc họp khẩn cấp ngay sau đó: bám trụ lại để tồn tại.

Vốn từng là tỉnh đội trưởng tỉnh Phước Thành, chính ủy trung đoàn pháo tên lửa ĐKB.724, Lê Bình có thừa khả năng chỉ huy chiến đấu. Cái khó là trong tay anh không phải đơn vị chủ lực, đặc công mà là các y bác sĩ chỉ quen cầm kim tiêm, dao mổ. Lê Bình quyết định giữ lại tất cả thương binh đã hồi phục, lành mạnh, tổ chức thành các nhóm bảo vệ bệnh viện, rà soát lại các cán bộ, chiến sĩ từng kinh qua các chiến trường để tận dụng kinh nghiệm.

Cuộc họp kéo dài hơn bốn giờ tại lán chỉ huy của bệnh viện lúc căng thẳng vì điều lo ngại chính đáng của các bác sĩ: điều kiện giữa rừng, đảm bảo được việc chuyên môn đã khó huống gì còn chống càn, lúc kéo giãn vì những lời hạ quyết tâm “còn cái lai quần cũng đánh” cũng của các bác sĩ. Chính ủy đã phải phân tích bằng những lời tha thiết nhất: buộc phải bám trụ lại vì sinh mạng hàng ngàn thương bệnh binh, đã sống trong chiến tranh ai cũng phải thành chiến sĩ. Cuối cùng, toàn bệnh viện đã thống nhất thành lập ba thứ quân: chủ lực, địa phương quân và dân quân tự vệ để tự bảo vệ mình.

Ngày hôm nay ông Lê Bình cười rất tươi khi kể lại buổi ra mắt ba thứ quân của K.71A chiều ấy: “Đủ thứ người: khỏe mạnh có, thương tật có, thanh niên có, phụ nữ có; đủ thứ quần áo: quân phục có, lễ lộc có, bà ba có; đủ thứ vũ khí, ai có gì mang nấy... Và chỉ có một lời thề: Sống chết có nhau”.

Sau đó là hơn hai tháng K.71A trở thành ốc đảo trong sự bủa vây trùng trùng của bom pháo. Cánh rừng chỉ dài hơn 2km, ngang gần 700m mà bệnh viện trú ngụ trở thành chiến trường bị chà đi xát lại không ngừng. Đã có những hi sinh và ba đội quân của bệnh viện cũng đã bắn cháy cả máy bay, cả thiết giáp như một đội quân thực thụ.

Cha, con và thương binh

Thành chiến trường nhưng bệnh viện vẫn cứ phải là bệnh viện. Nên có những ca mổ mà bác sĩ, y tá, tải thương vừa mổ vừa chạy bom. Cứ chạy một đoạn, bom ngừng thì đứng lại mổ, đang mổ máy bay tới thì đậy lại chạy tiếp. Nên có những sản phụ vừa sinh xong thì hầm sập, phải chạy ngay, máu nhỏ theo từng bước chân. Có những em bé vừa lọt lòng mẹ, thay cho những giọt sữa đầu đời, y tá lại buộc phải cho bé uống thuốc ngủ để giữ bí mật cho cả căn hầm...

“Những chuyện không thể tưởng tượng được” - bác sĩ Lê Kim Hà kể. Cũng không thể tưởng tượng được là Hà, cô con gái thứ ba, chỉ mới học tới lớp 5 rồi ở nhà phụ mẹ làm bánh nuôi em, được cha đưa vào rừng làm chị nuôi ở bệnh viện, đã dần học được để trở thành y tá, y sĩ, rồi bác sĩ ngay trong những năm tháng khốc liệt ấy. “Đó là nhờ ở bố tôi. Ông không phải bác sĩ nhưng cũng đi dự đủ các hội thảo, tham gia hội chẩn để học. Ông bảo phải học để điều hành bệnh viện cho tốt, học thì mới khuyến khích được các bác sĩ làm việc với cái tâm, đối với người bệnh bằng cái tình”.

“Bố tôi, bố tôi” - bác sĩ Lê Kim Hà luôn miệng nhắc với tất cả niềm tự hào. Bố đã là người đầu tiên lao đến các hầm thương binh khi bom chưa dứt loạt, nên Hà cũng là y tá cuối cùng ở lại bên những thương binh nặng khi phải di tản hầm. Bố được rất nhiều thương binh ở K.71A gọi là ba, là cha, là bố nên sau này bác sĩ Hà cũng được nhiều thương binh ở biên giới Tây Nam gọi “mẹ Hà”. Bố đã chia từng hơi thuốc lá khẩu phần cho anh em thương binh thời chiến tranh nên bác sĩ Hà cũng từng đi ngắt mấy ngọn rau muống, luộc rồi vắt vài giọt chanh theo yêu cầu của cậu thương binh trẻ người Bắc.

Ứa nước mắt khi rót thìa nước rau muống vào miệng, cậu mấp máy: “Con cảm ơn mẹ”. Bố công tác ở đơn vị rồi về địa phương làm việc ở đủ các cương vị tới tận tuổi 90 mới chịu ở nhà nên giờ bác sĩ Lê Kim Hà đã nghỉ hưu, rời Bệnh viện 175 được năm năm nhưng vẫn bận rộn suốt tuần với công việc, với các lớp giảng dạy...

“Không có bố thì không có chúng tôi” - đại tá bác sĩ Lê Kim Hà nói khi nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Những người con khác, người đại tá, người trung tướng, của ông Lê Bình cũng vậy. Còn ông thì nhắc đi nhắc lại: “Tôi là một hạt cát”. Trong rất nhiều huân chương, huy chương của cả đời, ông nói chỉ thích đeo một chiếc huy hiệu của Hội Cựu chiến binh. “Thế là đủ, để biết mình là người may mắn còn lại sau cuộc chiến tranh, để nhắc mình sống cho xứng đáng. Mỗi chiếc huân - huy chương là bao nhiêu xương máu của các thương binh, liệt sĩ, đeo lên áo, tôi nghe đau...”.

Những ngày này ở tuổi 93, ông Lê Bình vẫn nhanh nhẹn đi đi lại lại trên các tuyến xe buýt đến các khu chợ, xóm lao động “để nắm tình hình thời sự, xem bà con làm ăn, để tự hào được sống thay cho các anh em đã đi trước” - ông cười hà hà giải thích.

Z8U5ferA.jpgPhóng to
Hai ông bà Lê Bình - Nguyễn Thị Xuân và con gái, đại tá bác sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Kim Hà (từ trái qua) trong một buổi sáng bình yên - Ảnh: Gia Tiến

Sẵn lòng hi sinh để tìm sự sống

Đại tá, bác sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Kim Hà - nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện 175, cô y tá trẻ măng của K.71A ngày nào - rùng mình bảo đến nay vẫn chưa hiểu tại sao các y bác sĩ với bông băng và dao mổ lại vượt qua được thử thách khốc liệt của bom B-52. Còn cha cô, đại tá Lê Bình - nguyên chính ủy bệnh viện - bảo ông biết: Ấy là vì ai cũng sẵn lòng hi sinh nên đã giành được sự sống.

Ông LÊ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên