17/09/2023 09:29 GMT+7

Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 1: Mẹ vẫn bên con đến cùng

Đó là hành trình đầy yêu thương và kiên trì của những người mẹ với các con không may mắn bị tự kỷ hay sớm ngỗ ngược, khó dạy. Cùng tình yêu thương con vô bờ bến, họ vừa là mẹ, là bạn và cũng là cô giáo đầu tiên giúp con trên hành trình dài nên người.

Các hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ tự tin thể hiện mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ tự tin thể hiện mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Khi bác sĩ bảo tôi đẻ đứa khác đi, đứa này coi như vứt đi, vì con này không hy vọng, tôi khóc rất nhiều. Nhưng tôi đã bừng tỉnh khi bất ngờ nghe tiếng con hát lại câu hát tôi đã ru con", chị Nguyệt Bích, người mẹ đã 20 năm đồng hành cùng cậu con trai tự kỷ, nhớ lại.

"Gió mùa thu, con ru mẹ ngủ"

Chị Nguyệt Bích cũng là bác sĩ làm việc ở bệnh viện của Bộ Xây dựng. Chị đã ngần ngại chia sẻ chuyện mình cho đến khi được thuyết phục rằng chuyện của chị có thể là nguồn động viên lớn cho những ai cùng cảnh.

Là bác sĩ nên chị Bích sớm cảm nhận dấu hiệu bất thường ở con. Nhưng mỗi lần bày tỏ băn khoăn với chồng, chị hay bị mắng át đi. Khi Khánh, cậu con trai chị Bích chuẩn bị vào lớp 1, thấy xung quanh ai cũng cho con đi học "tiền lớp 1" chị Bích cũng tìm lớp cho con. Nhưng ngay tuần đầu tiên, phản hồi của cô giáo khiến chị như bị bóp nghẹt tim: "Xem con thế nào, nó chả biết gì cả đâu".

Chị lặng lẽ mang Khánh đến Viện Nhi và cậu được làm nhiều xét nghiệm, kiểm tra các chỉ số, biểu hiện tâm lý. Cầm các kết quả khám trên tay, bà bác sĩ ái ngại hỏi người mẹ: "Thế có mỗi đứa con này thôi à?".

Không để chị Bích trả lời, bà ấy nói thẳng thừng: "Nếu đẻ được nữa thì đẻ đứa khác đi. Vì đứa con này không hy vọng gì đâu, coi như vứt đi". Dưới chân người mẹ, đất như sụt xuống.

Chị kể: "Chở con về ngang công viên Thủ Lệ, Hà Nội, tôi rẽ vào đó. Mua cho con gói bim bim, vài thứ đồ chơi, rồi tôi để con chạy chơi quanh, tôi cứ ngồi như hóa đá nhìn mặt hồ cho tới khi trời tối.

Tôi không có gì nghi ngờ kết luận của bác sĩ, vì chính tôi cũng thấy con không bình thường. Tôi phải chấp nhận con là trẻ tự kỷ. Nhưng người khác có thể nói "vứt". Còn tôi thì không thể vứt con, vì tôi là mẹ. Nhưng những lời nói thẳng như dao cứa khiến tôi thực sự suy sụp".

Không cam tâm, chị âm thầm tìm giáo viên chuyên biệt dạy con. Khi đó, Khánh không nhớ được chữ cái, số đếm như những trẻ 5 tuổi khác. Cậu bé không phân biệt được màu sắc. Thậm chí chẳng nhớ nổi tên những người thân thiết khác trong gia đình trừ những người tiếp xúc gần là bố mẹ.

Khánh không có nhiều tiến bộ khi được mẹ gửi đến lớp học chuyên biệt. Được vài tháng thì cô cũng nghỉ có việc riêng. Nhớ thời gian này, chị Bích kể hầu như chị không có hy vọng. Nhưng chị muốn làm gì đó cho con, đơn giản vì không nỡ buông tay.

Vào một tối ôm con, chị vừa hát "gió mùa thu, mẹ ru con ngủ...", chị vừa khóc nghẹn. Khóc mãi rồi ngủ thiếp đi. Không rõ khoảng bao lâu, chị bỗng nghe tiếng con hát như vọng ra từ giấc mơ. Mà không phải mơ, vì chị nhận ra bàn tay bé xíu của con đang vỗ lên tay chị. Khánh hát lại đúng câu mẹ đã ru cậu, nhưng đã đổi lại ngôi nhân xưng "gió mùa thu, con ru mẹ ngủ".

"Khi nghe tiếng con hát đi hát lại rành rọt, tôi như người bừng tỉnh khỏi cơn mê. Tôi vùng dậy và trong khoảnh khắc đó tôi nghĩ con mình không thể "vứt đi" như lời bà bác sĩ. Lời con hát là động lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết để tôi chính thức bắt đầu hành trình cùng con", chị Bích chia sẻ.

Dạy con từ chữ P

Mọi đứa trẻ bắt đầu học chữ bằng chữ "a", nhưng Khánh lại bắt đầu bằng chữ "P". Khi xác định tự mình sẽ dạy con, chị Bích đã nghĩ phải bắt đầu từ những thứ con thấy thân thuộc hoặc yêu thích, như món ăn yêu thích, đồ chơi yêu thích, những khung cảnh con thấy thân thuộc, vui vẻ.

Chị kể: "Khánh thích phở. Vì thế tôi đã thử nghiệm bảo con nếu nhớ được chữ "phở" thì mẹ con sẽ đi ăn. Tôi dắt con ra hàng phở để chỉ biển hiệu, rồi viết lại mẫu ra giấy. Khánh nhớ rất nhanh. Chữ P là chữ cái đầu tiên con ghi nhớ. Con đọc được phở rồi phở bò, phở gà... Mẹ con tôi có những ngày lang thang cùng nhau, vừa đi vừa đọc biển đường, biển hiệu. Đọc và giải thích cho con ý nghĩa để con ghi lại. Tôi phát hiện ra cách luyện trí nhớ cho con bắt đầu bằng sự yêu thích rất hiệu quả".

Cũng với cách đó, chị Bích dạy con cách nhớ các màu sắc bằng việc mua đồ chơi xếp hình, vì Khánh rất thích chơi xếp hình. Chị thường có những bài tập kiểu như "mẹ muốn con xếp một chiếc ô tô có bánh xe màu đỏ". Để hoàn thành, Khánh phải nhớ được đâu là miếng ghép màu đỏ. Hoặc mỗi khi chơi xong, yêu cầu của người mẹ thường là "con phải bỏ đồ chơi này vào sọt màu tím, đồ kia vào sọt màu xanh".

Để luyện con biết mặt số đếm, mẹ con chị lại lang thang ở bãi đỗ ô tô. Khánh thích ô tô nên dễ dàng hơn khi nhớ biển số xe, loại xe.

Trẻ rất cần sự yêu thương và kiên trì dạy dỗ tinh tế - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trẻ rất cần sự yêu thương và kiên trì dạy dỗ tinh tế - Ảnh: DUYÊN PHAN

Con không chịu làm kiểm điểm, mẹ phải giải trình

Hành trình vượt khó của mẹ con chị Bích tăng mức dần qua từng năm. Đôi khi, chị cũng phải "xù lông" như một mẹ gà để đỡ những hành xử có khả năng khiến con tổn thương.

Chị kể: "Một lần, con bị cô tổng phụ trách mắng oan. Con nhất định không chịu nói một lời nào. Thái độ của con khiến cô nghĩ con hỗn láo nên con bị đưa lên gặp hiệu trưởng. Ở phòng thầy hiệu trưởng, con cũng im lặng. Hôm đó về nhà, chỉ chờ tôi hỏi là con òa khóc. Con nói cô đổ oan cho con nên con sẽ không nói gì cả cho đến khi cô xin lỗi con.

Những trẻ tự kỷ thường rất trong sáng và có những "nguyên tắc" hơi cứng nhắc. Con không có khả năng linh hoạt để ứng xử theo cách thông thường là giải thích, thanh minh với cô giáo mà ngay lập tức "đóng băng" khi bị oan ức và không muốn giao tiếp với thầy cô. Lần đó, con không chịu làm bản kiểm điểm, nhưng tôi phải thay con làm giải trình.

Ở các trường công hiện nay không có giáo viên được đào tạo giáo dục đặc biệt nên rất khó tìm được sự cảm thông của thầy cô. Những chuyện như thế, không chỉ xảy ra một lần. Lần nào, tôi cũng phải đứng giữa con và thầy cô. Dần dần tôi trở thành người "phiên dịch" thế giới tâm hồn con với mọi người khác".

Muốn con có bạn tốt, chị mời bọn trẻ đến nhà chơi để con mở rộng thế giới của con. May mắn là Khánh yêu mẹ và luôn kể với mẹ mọi thứ trên đời. Từng chuyện nhỏ xảy ra hằng ngày, mẹ con đều có thể bàn bạc để có cách ứng xử. Mỗi tình huống là một bài học.

"So với lúc bị người ta nói là "vứt đi", mẹ con tôi đã có sải bước rất dài mà chính tôi cũng không tưởng tượng được. Tôi chỉ dạy con những kỹ năng cần thiết, không cố bắt con học hết những cái đứa trẻ khác có. Đôi khi tôi nghĩ thế giới trong sáng, thơ ngây của con cũng đáng giá nên cứ để con sống trong thế giới ấy với những thứ con thấy thân thuộc, tin cậy. Tôi không kỳ vọng con giỏi giang mà chỉ mong được an toàn, hạnh phúc", chị Bích chia sẻ.

Nhưng Khánh cũng đỗ vào một trường đại học, tham gia vài câu lạc bộ và rất thích ngành học cậu chọn. Cậu bé tự kỷ hồi nào đã thực sự bước ra thế giới rộng lớn. Trong hành trình mang theo, Khánh không chỉ có kiến thức, mà còn có tình yêu thương rất nhiều của mẹ.

Nhưng cũng có những chuyện chị Bích nói mình đã bị sốc. Đó là khi Khánh từ trường về và bất ngờ hỏi mẹ: "Phim sex là gì hả mẹ?". Trì hoãn con một ngày để trấn tĩnh và tham vấn những người có hiểu biết, chị quyết định nói thẳng vấn đề để con hiểu. Chuyện đó cũng khiến chị bắt đầu phải nghĩ đến việc hướng dẫn, dạy con những kỹ năng mà tuổi teen cần biết. Với Khánh thì lại càng cần trò chuyện, chỉ dẫn cụ thể hơn bằng những cách khác nhau.

Chị âm thầm tìm hiểu thế giới bạn bè ở lớp của con. Và phải "trực quan hóa" nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn mà con có thể bị vướng vào, bị kẻ xấu lôi kéo.

---------------------

Kỳ tới: Con muốn bán vé số và có bạn gái ở tuổi teen

Cậu bé tự kỷ năm xưa viết sách giúp đỡ trẻ tự kỷCậu bé tự kỷ năm xưa viết sách giúp đỡ trẻ tự kỷ

GS.TS Mike Chan, người từng bị phát hiện triệu chứng tự kỷ khi 6 tuổi, ra sách và gây quỹ từ thiện cho trẻ em tự kỷ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên