11/04/2019 09:38 GMT+7

Hành trình tìm kiếm những góc khuất và mảnh vỡ của lịch sử

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Tiến sĩ Trần Trọng Dương vừa cho ra mắt công chúng cả nước tập sách thú vị: Việt Nam thế kỷ X - những mảnh vỡ lịch sử.

Hành trình tìm kiếm những góc khuất và mảnh vỡ của lịch sử - Ảnh 1.

Sách do NXB Đại học Sư phạm - Hà Nội ấn hành Ảnh: L.Điền

Tập sách thú vị không chỉ ở chỗ các "mảnh vỡ" được tìm thấy, được chìa ra cho công chúng chiêm nghiệm, dẫn dụng, mà qua những kết quả mặc dù chỉ khung lại trong khoảng trăm năm của một thế kỷ, người đọc có thể hình dung ra hành trình tìm kiếm những góc khuất lịch sử chưa bao giờ dừng lại.

Việt Nam thế kỷ X - những mảnh vỡ lịch sử có rất nhiều góc khuất được đề cập, cả những vấn đề cốt tử, từng trở thành chân lý trong học giới suốt 50 năm qua cũng được tác giả không ngần ngại lật xới lại. 

Lật xới về độ xác tín của các kết luận, để lưu ý về những khả năng sai lạc do các thế hệ đi trước đã không đủ thận trọng trong thao tác khảo cứu, hoặc đã không bước qua được hạn chế của tư liệu đương thời.

Đọc Trần Trọng Dương, mới thấy mức độ làm chủ các kiến thức liên/ chuyên ngành thật đáng trân trọng. 

Như với câu chuyện thái hậu Dương Vân Nga và cuộc đổi triều từ Đinh sang Tiền Lê, dư luận lâu nay chủ yếu tập trung vào các nhận định về thái độ lựa chọn của Dương Vân Nga khi trao ngôi nhà Đinh cho Lê Hoàn và "tiếp tục" làm hoàng hậu, nhưng quên một góc khuất: cái chết của Đinh Bộ Lĩnh vẫn còn có chỗ đáng ngờ. 

Trên cơ sở phê khảo hệ thống các sử liệu và cân nhắc các quan điểm của học giới trong và ngoài nước, Trần Trọng Dương chỉ ra mối liên hệ lắt léo giữa cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng và việc Đinh Toàn còn sống để từ ngôi vua Đinh nhỏ tuổi ấy, Dương Vân Nga trao lại cho Lê Hoàn.

Hay vấn đề Ngô Quyền quê ở Đường Lâm, và Đường Lâm ở Sơn Tây như 50 năm qua học giới thừa nhận liệu còn có gì "vỡ ra" nữa? 

Từ những ngờ vực tưởng giản đơn của Đào Duy Anh đến nhận định đơn lẻ của Văn Tân, Bùi Văn Nguyên về chữ Đường Lâm trong quê hương của Ngô Quyền có thể là địa danh ở Hà Tĩnh, Trần Trọng Dương và nhóm cộng sự đã tiến hành khảo cứu sâu rộng từ hệ thống tư liệu sách sử đến các di tích di chỉ trên không gian từ Trung Bộ đến Bắc Bộ, để xem xét lại một vấn đề dường như đã trở thành chân lý: liệu Đường Lâm quê hương Ngô Quyền có phải ở Sơn Tây hay không?

Những hành trình tìm kiếm như vậy không hề đơn giản, hiểu theo cả nghĩa học thuật và chính trị. Tuy nhiên, niềm tin vào sự thật lịch sử và phương pháp làm việc tiến bộ chính là lý tưởng của những người dấn bước vào con đường cam go này. 

Cũng như lịch sử sẽ hoàn bị hơn khi có thêm những mảnh vỡ cần thiết được tìm thấy và đặt vào đúng chỗ.

Hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam Hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam

TTO - Bên cạnh bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học thực hiện và đã ra mắt còn có bộ Lịch sử Việt Nam (gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện) là đề án cấp nhà nước, do GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên