10/09/2020 11:08 GMT+7

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 5: Mồ hôi tuổi trẻ ở Dầu Tiếng

ĐỨC TRONG - ĐÔNG HÀ
ĐỨC TRONG - ĐÔNG HÀ

TTO - Nếu ví hồ Dầu Tiếng là quả tim thì các con kênh cấp 2, cấp 3, nội đồng là mạch máu đưa nước đi các nơi. Mạch máu đó được khơi thông nhờ bàn tay, sáng kiến của thanh niên.

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 5: Mồ hôi tuổi trẻ ở Dầu Tiếng - Ảnh 1.

Xe chở thanh niên lên công trường hồ Dầu Tiếng - Ảnh tư liệu

Ý chí ngày đó thật mãnh liệt. Thanh niên đi làm thủy lợi vui như trẩy hội.

Ông VÕ HOÀNG KHẢI (nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Tây Ninh)

Trước khi hồ Dầu Tiếng khởi công, tại Tây Ninh đã có một vài công trình thủy lợi nhỏ như Trà Phi, Thái Vĩnh Đông, Kà Tum... do thanh niên làm nòng cốt, nhưng năng suất làm việc thấp.

Sau khi hồ Dầu Tiếng khởi công vào tháng 4-1981, phong trào làm thủy lợi vẫn tiếp tục duy trì với hiệu quả như cũ. Trong hoàn cảnh đó, đã xuất hiện những thủ lĩnh Đoàn có tâm huyết, sáng kiến tăng năng suất.

"Dây chuyền" thanh niên

Những năm thi công hồ Dầu Tiếng, người trong độ tuổi lao động ở Tây Ninh đều có nghĩa vụ đóng góp 30 ngày công, tương đương đào đắp được 21m3 đất. Tháng đầu tiên sau ngày khởi công, năng suất chỉ đạt 100.000m3. Lý do bởi cách làm đối phó cho đủ số ngày nghĩa vụ, thậm chí giữa chừng bỏ về.

Cả hồ Dầu Tiếng và hệ thống kênh mương là đại công trường, mỗi xã Tây Ninh đảm nhận một công trường.

Những năm 1981-1982, ông Nguyễn Văn Tranh và Lê Thành Công - lần lượt là bí thư Xã đoàn Hiệp Tân, huyện Hòa Thành và cũng được giao công trình ở hồ Dầu Tiếng. Nhận thấy cách làm cũ không hiệu quả, năng suất không cao, hai ông đã có những sáng kiến làm "thay đổi cục diện".

Đó là thay vì cả công trường của xã là một, mạnh ai nấy làm, hai ông đã chia dân công, thanh niên xã mình thành nhiều đội, mỗi đội 30 người. Mỗi đội là một dây chuyền khép kín đủ các khâu: đào đất - khiêng - san gạt - đầm - bạt máy.

Dây chuyền mỗi đội cứ vận hành liên tục theo nhiệm vụ từng người đã được phân công. Việc này khiến cho không ai có thể nghỉ tay giữa chừng mà phải "bám" theo. Nhờ sáng kiến này, năng suất làm thủy lợi Xã đoàn Hiệp Tân tăng cao.

Cụ thể, trước đây, để thực hiện xong nghĩa vụ đào đắp 21m3 đất, một dân công phải làm 30 ngày. Nhưng với "dây chuyền" tổ chức theo từng đội chỉ trong 10 ngày là xong.

"Người dân cũng có lợi khi làm nghĩa vụ xong sớm, được về sớm. Quan trọng hơn là công trình của Nhà nước đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đón dòng nước từ lòng hồ. Nhờ năng suất tăng, ai cũng thấy được, ai cũng có lợi, nên mô hình được nhiều xã, huyện khác học theo" - ông Công nói.

Nhưng để "dây chuyền" vận hành suôn sẻ cũng không đơn giản, bởi đây không phải môi trường quân đội. Vì vậy, ngay khi mỗi người vào công trường, hai bí thư xã đoàn lập tức biên chế họ vào tổ để sinh hoạt, làm việc có nề nếp nghiêm như bộ đội trong quân ngũ.

Sáng sớm, mỗi đội xếp thành hai hàng dọc ra công trường, chiều đi về lán trại cũng hai hàng dọc. Mỗi tối sau ngày làm việc đều có họp rút kinh nghiệm. Sau đó là chương trình văn nghệ. Đúng 21h, lán trại tắt đèn, mọi người đi ngủ.

Muốn vậy, đội trưởng là cán bộ khung, thường trực có mặt ở công trường, giỏi, có kinh nghiệm, uy tín. Với cách tổ chức như vậy, chỉ hơn một năm sau, công trường xã Hiệp Tân ổn định đội ngũ cho năng suất cao nhất ở đại công trường hồ Dầu Tiếng.

"Nhiều thanh niên to khỏe, ban đầu không muốn vào đội vì sợ choàng gánh việc cho người khác. Chúng tôi đồng ý cho người đó làm một mình, miễn đủ nghĩa vụ là được. Thế nhưng, vì làm một mình, làm tất cả các khâu nên hơn một tháng vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ. Trong khi vào đội chỉ mất 10 ngày. Từ đó, không còn ai dám làm riêng lẻ một mình" - ông Tranh kể lại.

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 5: Mồ hôi tuổi trẻ ở Dầu Tiếng - Ảnh 3.

Thanh niên đào kênh hồ Dầu Tiếng - Ảnh tư liệu

Nửa triệu thanh niên, 15 triệu ngày công

Tháng 2-1982, phó bí thư thường trực Thị ủy Tây Ninh Trần Việt Biên (Bảy Biên) được điều về làm phó bí thư và một năm là bí thư tỉnh đoàn.

"Tôi luôn trăn trở phải làm sao đưa phong trào thanh niên đi lên vì so với các tỉnh miền Đông, phong trào thanh niên Tây Ninh đứng chót bảng" - ông Bảy Biên tâm sự.

Trong khi đó, từ ngày nhát cuốc của Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát khởi công hồ Dầu Tiếng, phong trào thanh niên thủy lợi không được năng suất cao, đối diện nguy cơ chậm tiến độ. Do đó, ông chọn phong trào thủy lợi làm "đột phá" và được ông Đặng Văn Thượng, bí thư tỉnh ủy, ủng hộ.

Từ đây, phong trào làm thủy lợi xã Hiệp Tân được nhân rộng và đến cuối 1983 mô hình này được áp dụng trên toàn đại công trường Dầu Tiếng. Tháng 11-1983, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tây Ninh quyết định đặt tên là "Công trường thanh niên cộng sản".

Đến nay, nhiều thế hệ thanh niên Tây Ninh vẫn không thể quên những khẩu hiệu của một thời sôi nổi đi đào kênh hồ Dầu Tiếng như "Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta".

"Từ khi công trường mang tên "Thanh niên cộng sản", năng suất đào đắp cứ tăng theo hằng năm, từ 1,5 triệu m3 lên 2 triệu rồi lên 2,5 triệu, vượt chỉ tiêu trung ương giao. Lúc cao điểm, công trường có 3, 4 vạn đoàn viên thanh niên, không còn ai bỏ về, mà thậm chí có người xung phong lên công trường 2, 3 lần" - ông Bảy Biên tự hào nhớ lại.

Nay đã gần 80 tuổi, ông Bảy Biên vẫn không quên tháng năm ở Dầu Tiếng. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc trong đời ông.

"Tôi không thể quên cảnh thanh niên làm công trình ban đêm, vì ban ngày nắng cháy rang, khô khốc. Cả công trường rực sáng đèn điện, thi thoảng lại có ai đó cất lên giọng hát, câu hò làm cho cả công trường như bừng tỉnh giữa đêm khuya" - ông xúc động.

Sang đầu 1984, trước sự thúc giục phải hoàn thành nhanh hệ thống kênh mương để kịp ngày hồ Dầu Tiếng mở nước, Tây Ninh đã mở cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng.

Cuộc hành quân do ông Đặng Văn Thượng làm chỉ huy trưởng, ông Trần Việt Biên làm chỉ huy phó. Cả vạn thanh niên Tây Ninh xung kích lên Dầu Tiếng, có lúc lên tới 36.000 người.

"Phong trào thanh niên Tây Ninh thời kỳ ấy từ đứng chót nhảy lên hạng nhất cụm thi đua Đông Nam Bộ" - ông Võ Hoàng Khải, lúc đó là trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Tây Ninh, nhớ lại.

Trước khi lên công trường, tại nơi cư trú, thanh niên, dân công dự lễ xuất quân. Cờ trống rợp vang khắp thôn làng ngõ xóm để tiễn đưa. Ngày đó, từng đoàn với đủ các loại xe máy cày, xe lam, xe ca được huy động để chở người lên công trường. Đến khi kết thúc nghĩa vụ cũng làm lễ tại công trường, có tổng kết khen thưởng, biểu dương.

Tổng kết của Tỉnh đoàn Tây Ninh cho biết, ở công trình Dầu Tiếng đã huy động được gần nửa triệu lượt đoàn viên thanh niên làm thủy lợi với gần 15 triệu ngày công, đào đắp được gần 12 triệu m3 đất.

Vì sao một đội 30 người?

Ông Nguyễn Văn Tranh lý giải: "Nếu lựa chọn dưới 20 thì ít quá, không đủ cho một quy trình khép kín. Độ nén, sức chịu tải của kênh được Ban quản lý dự án kiểm tra rất kỹ, nếu không đạt, phải đầm lại.

Riêng khâu đầm, phải có 12 người lần lượt đầm thì mới đạt yêu cầu. Còn lại 18-20 người làm nhiệm vụ đào, xúc, đưa lên cáng khiêng đi. Như vậy, 30 người một đội là vừa đủ, không thừa, không thiếu cho một dây chuyền.

-----------------------------------------------------------

Ngoài đem lại nguồn nước phủ xanh nông nghiệp cho đất khô cháy Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng mênh mông và hệ thống kênh đào góp phần làm dịu bớt sự nóng bức của vùng đất này...

Kỳ tới: Đem lại sức sống cho đất khô cháy

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 4: Ăn bo bo và đối mặt với bom mìn Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 4: Ăn bo bo và đối mặt với bom mìn

TTO - Chỉ ăn bo bo và lo đụng phải bom mìn còn sót lại. Tây Ninh cách TP.HCM chưa đầy 100km nhưng mấy tháng mới về một lần. Những người đi xây hồ Dầu Tiếng ngày ấy còn nhớ mãi địa danh "cầu Xa Cách" ở thị trấn Dương Minh Châu trước khi vào đó.



ĐỨC TRONG - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên