11/05/2023 11:32 GMT+7

Hành trình dấu vân tay lật mặt tội ác - Kỳ 4: Bí ẩn những người không dấu vân tay

Năm 2007, TS chuyên khoa da Peter Itin đã gặp một ca bất thường. Một phụ nữ Thụy Sĩ không thể hoàn thành thủ tục nhập cảnh vào Mỹ vì không có dấu vân tay từ lúc mới sinh. Cơ quan chức năng hết sức bối rối.

Dấu vân tay của người mắc chứng bệnh không có dấu vân tay (adermatoglyphia) - Ảnh: onlinelibrary.wiley.com

Dấu vân tay của người mắc chứng bệnh không có dấu vân tay (adermatoglyphia) - Ảnh: onlinelibrary.wiley.com

Ngoài ba rối loạn di truyền, dùng thuốc chứa hoạt chất capecitabine chữa ung thư cũng có thể làm mất dấu vân tay.
TẠP CHÍ PHÁP Y

Do bẩm sinh và do dùng thuốc

TS Itin đã nghiên cứu trường hợp này và phát hiện tám người trong gia đình người phụ nữ Thụy Sĩ nọ đã không có dấu vân tay từ lúc mới sinh. 

Đầu các ngón tay của họ phẳng lì, không có những đường vân cong hoặc tròn đặc trưng của dấu vân tay.

Ông phối hợp nghiên cứu với TS Eli Sprecher người Israel và các đồng nghiệp khác, từ đó nhận diện thêm ba gia đình không có quan hệ huyết thống với nhau trên thế giới đều không có dấu vân tay. 

Các nhà nghiên cứu đã gọi đây là chứng bệnh không có dấu vân tay (adermatoglyphia), hay còn gọi là bệnh "chậm nhập cư".

Từ ca đầu tiên ghi nhận ở Mỹ vào năm 2007 kể trên, họ đã phát hiện đột biến gene SMARCAD1 cực kỳ hiếm là nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển dấu vân tay của thai nhi. Kết quả nghiên cứu đã được công bố vào tháng 8-2011. 

TS Sprecher nhận xét trên tạp chí Smithsonian Magazine (Mỹ): "Đây là chứng bệnh cực kỳ hiếm. Nói chung chúng ta chỉ biết phim ảnh nói đến bọn tội phạm che giấu dấu vân tay chứ không ai nghe nói căn bệnh này, vì vậy tôi nghĩ đây là lý do các cơ quan kiểm soát biên giới thấy lạ".

Trong gia đình Sarker ở thị trấn Puthia Upazila thuộc phân khu Rajshahi (Bangladesh), chỉ những người đàn ông không có dấu vân tay. Anh Apu Sarker thổ lộ trên báo The Business Standard: "Do di truyền, tôi không có đường vân trên da ngón tay và bàn chân. Cha tôi cũng gặp vấn đề tương tự". 

Năm 2016, anh đăng ký làm thẻ căn cước và hai năm sau mới được cấp. Thẻ căn cước của anh ghi "Không có dấu vân tay". Ông Amal Sarker, cha anh, đã gặp trục trặc khi lấy giấy phép lái xe và chỉ làm được hộ chiếu nhờ xin giấy chứng nhận y tế xác nhận không có dấu vân tay.

Theo Tạp chí Pháp Y (Pháp), đến nay các nhà khoa học đã xác định có ba rối loạn di truyền dẫn đến không có dấu vân tay. Một là bệnh adermatoglyphia với đặc trưng không có đường vân trên da các ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và lòng bàn chân. 

Người mắc bệnh này hoàn toàn khỏe mạnh, trừ số tuyến tiết mồ hôi giảm chút ít. Hai là bệnh Naegeli-Franceschetti-Jadassohn (NFJS) và ba là bệnh viêm sắc tố da dạng lưới (DPR). Người mắc hai chứng NFJS và DPR bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều hơn như tóc và răng "mong manh dễ vỡ".

Ngoài ra, hoạt chất capecitabine trong thuốc điều trị ung thư cũng có thể làm mất dấu vân tay. Vào trung tuần tháng 4-2015, tạp chí New England Journal of Medicine (Mỹ) tường thuật câu chuyện một phụ nữ Mexico (65 tuổi) đến ngân hàng nhưng không thể giao dịch được vì bà không có dấu vân tay. Khi tìm hiểu kỹ mới biết bà mất dấu vân tay sau thời gian hóa trị ba tháng để điều trị ung thư vú.

Thuốc Xeloda điều trị ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày có chứa hoạt chất capecitabine có thể gây tác dụng không mong muốn là hội chứng bàn tay-bàn chân. Do phản ứng viêm trong điều trị, bàn tay và bàn chân thường đỏ lên, sưng và đau hoặc gây ra tình trạng hiếm gặp hơn là bong tróc da, nứt da và... mất dấu vân tay. 

Sau chu kỳ hóa trị thứ ba, bệnh nhân không gặp phản ứng phụ nữa nhưng dấu vân tay đã lặn mất. Cuối cùng người phụ nữ Mexico nọ đã có thể giao dịch sau khi cơ quan y tế gửi thư đến ngân hàng chứng thực bà mất dấu vân tay do hóa trị.

Đầu ngón tay phẳng lì của một phụ nữ dùng thuốc điều trị ung thư vú - Ảnh: cureus.com

Đầu ngón tay phẳng lì của một phụ nữ dùng thuốc điều trị ung thư vú - Ảnh: cureus.com

Dấu vân tay khi lộ khi không

Bà Andrée Leger-Cormier (68 tuổi) là dân cố cựu tại thành phố Moncton thuộc tỉnh bang New Brunswick (Canada). Bà sống hơn 50 năm qua ở đây, có năm người con, sáu người cháu và đã dành cả đời để giúp đỡ trẻ em với nhiều vai trò khác nhau, trong đó có vai trò nhân viên xã hội và giáo viên dự khuyết. Sau khi về hưu, bà muốn làm tình nguyện viên trong trường học của đứa cháu.

Như những lần đăng ký làm tình nguyện viên trước đó, vào tháng 4-2022 bà đi xác minh lý lịch theo luật định nhưng chờ hoài vẫn không được cấp phép. 

Bà đã được quét dấu vân tay năm lần gồm ba lần ở văn phòng cảnh sát và hai lần ở phòng thí nghiệm pháp y. Bà đã thử qua các loại kem, cồn, kể cả sản phẩm kiểm tra dấu vân tay trên da người chết nhưng các ngón tay của bà vẫn không để lộ dấu vân tay.

Vì sao cảnh sát quét dấu vân tay của bà nhiều lần?

Nguyên do có một phụ nữ bí ẩn có tiền án trùng tên và ngày tháng năm sinh của bà. Nếu bà không có dấu vân tay thì không thể đối chiếu để chứng minh bà không phải là người phụ nữ có tiền án nọ. 

Nếu danh tính của bà bị đánh cắp thì phải có manh mối về tài chính, song bà lại không giao dịch ngân hàng trực tuyến và ngân hàng của bà cũng chưa từng thông báo về lần mua hàng hoặc rút tiền nào đáng nghi ngờ. Năm 2021 bà đã được lấy dấu vân tay để làm tình nguyện viên nhưng hồ sơ cũ đã bị hủy sau ba tháng.

Bà phân trần với Đài phát thanh Radio Canada: "Người ta gọi tôi là người đặc biệt nhưng tôi chẳng thấy gì đặc biệt mà chỉ thấy khó chịu. Tôi nghĩ trời ơi mình giống như người phạm tội nên mới bị đối xử như vậy". 

May mắn đến cuối tháng 8-2022, cuối cùng bà đã nhận được thư xác nhận bà chưa có tiền án. Bà bộc bạch: "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhưng rốt cuộc tôi vẫn chưa có dấu vân tay".

TS Nicole Novroski ở Đại học Toronto giải thích độ đàn hồi trên da có thể giảm dần trong đời người nên sẽ khó lấy dấu vân tay hơn. Đối với người lao động nặng nhọc hay thường xuyên làm việc với hóa chất độc hại, lớp da trên cùng của đường vân tay cũng có thể bị hỏng. 

TS Novroski nhận xét công nghệ lấy dấu vân tay kỹ thuật số hiện nay thành công hơn nhiều so với sử dụng mực in và các dấu vân tay có thể dần dần lộ trở lại theo thời gian.

Chuyên gia về sinh học pháp y và di truyền học này nhấn mạnh: "Trừ phi cố tình dùng hóa chất cực mạnh để loại bỏ dấu vân tay về vật lý, thật ra dấu vân tay vẫn còn đó. Vấn đề đơn giản là tìm cách kéo nó lên bề mặt da".

Máy quét không thể quét dấu vân tay của bà Andrée Leger-Cormier - Ảnh: Radio-Canada

Máy quét không thể quét dấu vân tay của bà Andrée Leger-Cormier - Ảnh: Radio-Canada

Cuối năm 2008, ông S. (62 tuổi) người Singapore đến Mỹ thăm thân nhân đã bị giữ lại sau khi máy quét dấu vân tay không nhận ra dấu vân tay của ông. Vài tiếng sau, ông mới được phép nhập cảnh.

Báo cáo y tế xác nhận ông S. đang chịu hóa trị để điều trị ung thư ở đầu và cổ bằng thuốc Xeloda có chứa hoạt chất capecitabine nên đã mắc hội chứng bàn tay-bàn chân, do đó bị mất dấu vân tay.

Bác sĩ Eng-Huat Tan tại Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore là bác sĩ của ông S. đã mô tả sự việc kể trên trong thư đăng trên tạp chí Annals of Oncology (Hiệp hội Ung thư nội khoa châu Âu) vào đầu tháng 5-2009.

----------------------

Bác sĩ Moran đã tìm cách xóa dấu vân tay cho hai tên cướp. Một ngày nọ xác ông dạt vào bờ, tay chân đều bị chặt. Bọn trộm cướp ở Mỹ đã sử dụng đủ kiểu sửa, xóa dấu vân tay để che giấu danh tính.

Kỳ tới: Cắt, chà, đốt dấu vân tay

Hành trình dấu vân tay lật mặt tội ác - Kỳ 3: ADN chịu thua, dấu vân tay lật mặt kẻ ácHành trình dấu vân tay lật mặt tội ác - Kỳ 3: ADN chịu thua, dấu vân tay lật mặt kẻ ác

Sau 9h tối ngày 18-7-2008 tại Duluth thuộc hạt Gwinnett (bang Georgia, Mỹ), cô giáo tiểu học Genai Coleman (40 tuổi) ngồi trong xe hơi đọc sách chờ đón con gái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên