23/08/2020 09:30 GMT+7

Hành trình cứu những ca bệnh đặc biệt

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG
LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ngày 22-8, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân ghi nhận được từ đầu mùa dịch lên 1.014 bệnh nhân, nhưng điều đáng chú ý là 4/5 bệnh nhân ghi nhận ngày 22-8 lây từ cộng đồng và chưa rõ nguồn lây.

Hành trình cứu những ca bệnh đặc biệt - Ảnh 1.

Mẹ con chị N.T.N.A. được ra viện trong chiều 22-8 - Ảnh: H.L.

Tuy nhiên ngày hôm qua có 16 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) được ra viện và nhìn lại hành trình vừa qua, nhen nhóm lên những niềm hi vọng.

Hạnh phúc ngày về

Trong 16 bệnh nhân ra viện ngày 22-8 tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang có bệnh nhân 569. Đây là một trong những bệnh nhân đặc biệt nhất trong đợt dịch này, vì chị đang mang thai ở tháng cuối của thai kỳ, và là 1 trong 2 thai phụ mắc COVID-19 đầu tiên ở VN.

Những ngày đầu chị vào viện, các bác sĩ lo lắng lắm, bởi mặc dù chưa có tiền lệ thai phụ mắc COVID-19 truyền sang cho con, nhưng nguy cơ lây bệnh trong ca mổ sinh, rồi nguy cơ với sản phụ mới sinh con khi đang mắc COVID-19 nữa. 

Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cũng rất lo, phó vụ trưởng Đinh Anh Tuấn đã có văn bản gửi Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ nhân lực cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang chăm sóc thai nghén, xử trí đỡ đẻ, chăm sóc sơ sinh, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo...

Đà Nẵng cũng đã làm rất tốt khi cử ngay êkip y bác sĩ từ Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng phối hợp hội chẩn và mổ đẻ cho bệnh nhân 569 mẹ tròn con vuông, không lây nhiễm chéo, không y bác sĩ nào lây bệnh. Và chỉ một tuần sau ca mổ, hai mẹ con đã được về nhà. Một kỷ niệm với cả mẹ và con, dù ban đầu là vất vả nhưng rồi tất cả đều an toàn.

Hiệp lực cứu những ca bệnh nặng

Ngày 16-8 vừa qua, bệnh nhân 888 (65 tuổi) khi đang điều trị COVID-19 thì xuất hiện xuất huyết tiêu hóa. Các bác sĩ đã hội chẩn với hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế và quyết định nội soi dạ dày - thực quản cấp cứu để cầm máu.

Các bác sĩ hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ tại Hòa Vang và các bác sĩ địa phương đã nội soi, phát hiện điểm chảy máu ở bờ cong nhỏ dạ dày. Bệnh nhân được tiêm cầm máu, truyền chế phẩm máu, theo dõi 3 ngày sau đó không thấy máu chảy thêm. 

Đột nhiên ngày 20-8 bệnh nhân mệt, niêm mạc nhợt, sonde dạ dày có nhiều máu đỏ và sau đó đi vào sốc mất máu. Các bác sĩ lại hội chẩn và quyết định nỗ lực hết sức để cứu bệnh nhân.

Kíp phẫu thuật do bác sĩ Hoàng (Bệnh viện Đà Nẵng) chủ trì đã mổ cấp cứu, khâu cầm máu ổ loét, truyền 2 lít máu cho bệnh nhân. 

Sau mổ bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc mất máu, ngày 21-8 bệnh nhân tiếp tục được truyền 700ml máu nhưng vẫn còn tình trạng thiếu máu, đã có thêm 2 êkip y bác sĩ từ Huế và Đà Nẵng đến Hòa Vang hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, bên cạnh điều trị COVID-19.

Giai đoạn dịch bùng phát tại Đà Nẵng, Quảng Nam và khu vực lân cận có nhiều bệnh nhân nặng, có người suy thận mãn đã chạy thận 10-15 năm, có người đang bị ung thư... 

Ông Nguyễn Trọng Khoa, đội trưởng đội điều trị của bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, chia sẻ cuối tuần đầu tiên khi dịch quay lại khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 là thời điểm các ông lo lắng nhất vì bệnh nhân nặng gia tăng.

Những thời điểm ấy, các bác sĩ đã hẹn với nhau "cố từng ca bệnh một", ngay khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên - bệnh nhân 416 và tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó có bác sĩ Trần Thanh Linh - bác sĩ điều trị cho bệnh nhân 91 phi công người Anh, đã có mặt. Một ngày sau là êkip 10 người của Bệnh viện Bạch Mai. 

Những bệnh nhân nặng được chuyển ra Huế với sự trợ giúp của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Mỗi ngày họ đều cố hết sức mình, và đến nay tin vui đến khi tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang có 31 bệnh nhân COVID-19 trên nền suy thận mãn, chạy thận nhân tạo, có 4 bệnh nhân tử vong, 27 bệnh nhân còn lại đến nay đã có 7 người được ra viện. 

Tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế cơ sở 2, nơi hầu hết ca bệnh là nặng và rất nặng, đã có 4 bệnh nhân nặng trên nền suy thận mãn, chạy thận nhân tạo được cứu sống.

Theo tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, hiện còn 17 bệnh nhân nặng và rất nặng trong số hơn 400 bệnh nhân đang điều trị. Trong số này có 3 trường hợp có tiên lượng tử vong. Từng có lúc các y bác sĩ rất lo về những ca bệnh nặng và có tiến triển nặng lên, họ ưu tư rất nhiều với mỗi trường hợp bệnh nhân không thể cứu chữa được. Nhưng giờ niềm vui mỗi ngày là có thêm những ca bệnh được ra viện, và danh sách những ca bệnh nặng được cứu sống lại dài hơn, trong đó có cả trường hợp từng phải chạy ECMO - thiết bị thay thế tim phổi.

Mỗi ngày qua đi, thêm một ngày được hi vọng, mong mùa dịch chóng qua...

Hải Dương sẽ xét nghiệm cộng đồng từ 24-8

Ngày 22-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có cuộc làm việc ở Hải Dương, địa phương có ổ dịch COVID-19 tại cộng đồng. Theo đó, ngày 24-8 Hải Dương sẽ tiến hành xét nghiệm rộng rãi bằng phương pháp Elisa trong cộng đồng. Tại Hải Dương đã 4 ngày không ghi nhận thêm ca bệnh mới, trên 1.360 người đang cách ly tập trung, 3.340 người cách ly tại nhà.

Sáng nay 23-8 Việt Nam 0 ca COVID-19 mới, 130 bệnh nhân sắp ra viện Sáng nay 23-8 Việt Nam 0 ca COVID-19 mới, 130 bệnh nhân sắp ra viện

TTO - Báo cáo sáng nay 23-8 của Bộ Y tế cho biết chưa có thêm ca mắc COVID-19 mới, cả nước đã ghi nhận 1014 bệnh nhân kể từ đầu vụ dịch.

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên