08/07/2019 12:55 GMT+7

Hàng trăm 'ông lớn' nhà nước sau cổ phần vẫn không lên sàn

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - "Còn 796 doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên sàn chứng khoán. Tại sao như vậy, đã cổ phần hóa thì phải công khai, minh bạch chứ?".

Hàng trăm ông lớn nhà nước sau cổ phần vẫn không lên sàn - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý lãnh đạo các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên sàn chứng khoán - Ảnh: T.C.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt cậu hỏi với đại diện bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng năm 2019, tổ chức ngày 8-7 tại Hà Nội.

Thua lỗ nên không niêm yết

Trình bày báo cáo về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết: đến nay còn 796 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong số đó có 148 công ty đại chúng, có từ 100 cổ đông trở lên buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán theo Luật chứng khoán nhưng vẫn chưa thực hiện.

Lý do các DNNN sau cổ phần hóa không niêm yết trên sàn chứng khoán, theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, là do nhiều doanh nghiệp có nợ đọng quá lớn. Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đi kiểm tra các DN này, đã xử phạt nhưng chỉ có 24 doanh nghiệp chịu nộp phạt.

Để gây sức ép buộc các DN sau cổ phần hóa phải nên sàn chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước không cho phép DN đã cổ phần tăng vốn nếu không niêm yết công khai trên sàn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước cá để hóa cá nhân vi phạm để báo cáo Thủ tướng có biện pháp xử lý kịp thời.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại 6/7 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như EVN, TKV, VNPT, Viettel, SCIC, Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chỉ đạo hoàn thiện đề án cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trình Thủ tướng.

Hàng trăm ông lớn nhà nước sau cổ phần vẫn không lên sàn - Ảnh 2.

Các vướng mắc về định giá đất đai tiếp tục làm khó bộ, ngành, địa phương trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: T.C

Thu cổ phần hóa đạt hơn 218.255 tỉ đồng

Về kết quả cổ phần hóa (CPH) DNNN trong 6 tháng năm 2019, đã phê duyệt phương án CPH 4 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. 

6 tháng đã thoái vốn tại 30 DNNN với giá trị sổ sách 2.769,7 tỉ đồng, thu về 4.938,9 tỉ đồng. Lũy kế từ 2016 đến nay đã thoái vốn nhà nước tại 88 DN với giá trị sổ sách 4.801,4 tỉ đồng, thu về 9.115 tỉ đồng.

Tổng số thu từ CPH, thoái vốn 6 tháng đầu năm 2019 là 5.501,6 tỉ đồng. Lũy kế từ 2016 đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt hơn 218.255,6 tỉ đồng, gấp 2,8 lần số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 – 2015.

Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước CPH được 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn được xác định lại đạt 205.433,2 tỉ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH giai đoạn 2011-2015.

Dù đạt những kết quả đáng ghi nhận trong CPH, thoái vốn nhà nước tại DN trong thời gian qua, nhưng ông Nguyễn Hồng Long cho biết: một số bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị DN, phần vốn để CPH, thoái vốn theo quy định.

Cụ thể, việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN thực hiện CPH gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đại phức tạp, địa phương phê duyệt rất chậm.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên