20/05/2024 16:28 GMT+7

Hàng trăm dự án, công trình lãng phí sử dụng đất đai

Còn 404/908 dự án, công trình không đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 18.308/28.155ha chưa được xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 20-5, trình bày báo cáo thẩm tra kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá kết quả xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm. Việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao.

Cả trăm công trình không đưa đất vào sử dụng

Theo đó, còn 404/908 dự án, công trình không đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích là 18.308/28.155ha chưa được xử lý.

Việc xử lý các dự án, cụm dự án theo nghị quyết số 74/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chưa đạt yêu cầu.

Dẫn chứng là mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ.

Có 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí. Có 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Trước đó, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 của Bộ Tài chính cho hay báo cáo của 30 tỉnh, thành phố chỉ ra diện tích đất đã giao nhưng sử dụng không đúng mục đích là 61.280ha.

Trên cơ sở nghị quyết 74/2022, ngành tài nguyên và môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 6.922ha.

Đồng thời, qua rà soát hiện cả nước có 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng do còn vướng mắc chưa xử lý, với diện tích của các công trình này là 28.155ha.

Trong số này đã xử lý xong, thu hồi đất và chấm dứt hoạt động là 172 dự án, với diện tích là 6.922ha; đã xử lý gia hạn sử dụng đất cho 226 dự án, với diện tích là 1.719ha; đang xử lý 106 dự án, với diện tích là 1.206ha và chưa xử lý 404 dự án, với diện tích là 18.308ha.

Nhiều bộ ngành, địa phương sắp xếp, xử lý nhà đất còn chậm

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất còn chậm. Số lượng cơ sở nhà, đất của một số bộ ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất còn tương đối lớn.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng là 12.611 cơ sở; Bộ Công an là 2.753 cơ sở; các tập đoàn tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 7.587 cơ sở; Bộ Thông tin và Truyền thông là 3.679 cơ sở; Bộ Tài nguyên và Môi trường 868 cơ sở, Ngân hàng Nhà nước 1.300 cơ sở; Sơn La là 2.016 cơ sở; Tuyên Quang là 10.936 cơ sở; TP.HCM là 9.115 cơ sở…

Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm, còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí.

Việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Theo đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động…

Quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phíTriển khai đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ đề năm 2023 về “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” của EVN và EVNGENCO 2, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên