12/12/2017 10:38 GMT+7

Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm, vì sao?

D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG
D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG

TTO - Tại TP.HCM có hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ trống nhiều năm nên hư hỏng, xuống cấp, Nhà nước phải tìm cách bán lại để thu hồi vốn hoặc chủ đầu tư xin đập bỏ.

Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm, vì sao? - Ảnh 1.

Gia đình bà Tạ Thị Gái được bố trí tái định cư tại chung cư C4 đường Man Thiện, Q.9 (TP.HCM) đã hai năm nay nhưng không trả được đồng nào tiền nợ mua nhà - Ảnh: Xuân Hưng

Tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM mới đây về đời sống của người dân tái định cư tại khu dân cư Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cơ quan chức năng cho biết gần 1.000 căn hộ trống vẫn chưa thể đưa ra bán đấu giá vì còn chờ thủ tục.

Công ăn việc làm quyết định đến việc người dân chọn nơi ở sau khi bị di dời, giải tỏa. Nhiều người dân không chọn ở nhà tái định cư hay bán nhà tái định cư là do nơi đó không có việc làm ổn định

Bà Võ Thị Hoan (một người dân tái định cư tại chung cư An Sương)

Gần 1.500 căn hộ bỏ trống

Ông Nguyễn Ngọc Hoài Tâm dọn về tái định cư ở lô C10, chung cư Vĩnh Lộc đã gần một năm. Một năm qua, con đường đi làm, đi học của ông Tâm và các thành viên trong gia đình dài thêm hơn 10km mỗi ngày bởi việc học, việc làm của họ đều ở nơi ở cũ (khu Nancy, quận 1). 

Bà Trần Thị Minh, phó trưởng Ban quản trị chung cư C3 - C4 - Video: XUÂN HƯNG

Những anh em khác trong gia đình ông Tâm cũng có công ăn việc làm ổn định tại quận 1 nên có người chọn cách thuê nhà trọ cho gần nơi làm chứ không về khu tái định cư.

Lô C10, nơi gia đình ông Tâm được bố trí căn hộ, chỉ có vài hộ đến ở, còn lại bỏ trống nên hành lang bám đầy bụi. 

Giống như hàng chục lô chung cư khác ở khu dân cư Vĩnh Lộc, chung cư cao 5 tầng này không có thang máy, hành lang chỉ rộng đủ hai người tránh nhau. Căn hộ hơn 40m2 nơi gia đình ông Tâm ở bố trí sơ sài một phòng phía trước và một phòng phía sau...

Đứng trước lô C10 nhìn ra bốn phía đều là các lô chung cư nhưng chỉ có vài lô có người ở rải rác. Nhiều lô chung cư chưa có người ở, lớp sơn bên ngoài tường đã phai màu loang lổ, bụi bám đầy cầu thang, tay vịn, khóa cửa gỉ sét...

Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm, vì sao? - Ảnh 4.

Một dãy tòa nhà thuộc chung cư Vĩnh Lộc bị bỏ trống. - Ảnh: Xuân Hưng

Khu tái định cư này đã có dân đến ở hơn 5 năm nhưng chưa có một con đường chính thức nào kết nối với bên ngoài. Người dân phải đi qua một con đường tạm nắng bụi mưa lầy, băng ngang một dự án khác để ra bên ngoài.

Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, đơn vị quản lý khu tái định cư  Vĩnh Lộc, 45 lô chung cư tại đây được xây xong và bàn giao từ năm 2010 đến 2012 với gần 2.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 480 căn hộ có người ở. 

UBND TP đã đồng ý giao khoảng 1.000 căn hộ trống ở vị trí thuận tiện hơn của khu dân cư cho quỹ phát triển đất để bán đấu giá nhưng đến nay chưa xong thủ tục nên vẫn còn bỏ trống.

Khu tái định cư không có người tái định cư!

Đến chung cư tái định cư C4 trên đường Man Thiện, P.Hiệp Phú (quận 9), chúng tôi phải hỏi qua trung gian nhiều người mới gặp được một vài người tái định cư ít ỏi còn lại ở chung cư này.

Bà Trần Thúy Hồng, một người dân tái định cư ở chung cư này, cho biết từ ngày về nhà tái định cư bà ngủ không yên với món nợ tiền mua nhà 200 triệu đồng. 

"Chồng và con trai tôi đi làm mướn bữa có bữa không nên bao nhiêu tiền kiếm được đều dồn cho thuốc thang và ăn uống hằng ngày, hai năm rồi vẫn chưa trả thêm được đồng nào tiền nợ mua nhà" - bà Hồng than.

Còn bà Võ Thị Luông, một người dân tái định cư ở chung cư C4, cho rằng do gần chung cư không có nhiều công ty, xí nghiệp nên người dân không tìm được việc làm, bị đứt đường sinh kế nên phải sang nhượng nhà, đi nơi khác kiếm sống.

Bà Trần Thị Minh, phó trưởng ban quản trị chung cư C3-C4, cho biết chung cư C4 được bố trí 136 hộ tái định cư , nhưng nay chỉ còn 7 hộ "trụ" lại được. 

"Việc làm không có, tạm bợ. Nhiều hộ về ở nhưng không đủ tiền đóng tiền mua căn hộ. Người đi làm thợ hồ, chạy xe ôm, đi ở thuê... kiếm sống qua ngày. Phí dịch vụ chung cư rất rẻ nhưng nhiều hộ còn không có tiền đóng" - bà Minh chia sẻ.

Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm, vì sao? - Ảnh 5.

Dãy chung cư chỉ có người ở tầng 1 và tầng 2, các tầng còn lại bị bỏ trống ở chung cư Vĩnh Lộc B

Ảnh: Xuân Hưng

Tương tự, các chung cư tái định cư khác trên đường Man Thiện đều rất ít người tái định cư sinh sống. Hai chung cư C5 và C6 có 288 căn hộ bố trí tái định cư từ tháng 1-2014 nhưng hiện chỉ còn hai hộ dân tái định cư sinh sống, còn lại là các hộ nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại căn hộ. Chung cư C7 đã bố trí 146 hộ tái định cư nhưng hiện không còn hộ tái định cư nào ở.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, tổ trưởng tổ quản lý chung cư từ C5-C8, cho biết đa số người dân tái định cư chuyển nhượng căn hộ ngay khi có quyết định bố trí.

"Quy định không được bán căn hộ tái định cư nhưng người dân chuyển nhượng bằng giấy tay rồi làm giấy ủy quyền để người mua làm thủ tục nhận nhà" - bà Tuyến cho biết.

Dân chọn nhận tiền

Năm 2004, TP.HCM ban hành chủ trương xây dựng 30.000 căn nhà tái định cư trong bối cảnh có hàng ngàn hộ dân phải tạm cư nhiều năm sau khi bị giải tỏa nhà, đất. 

Thời điểm đó, các quy định của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng theo xu hướng bồi thường giá thấp và bán nhà tái định cư giá thấp. Gần như tất cả người dân bị di dời trong các dự án đều đăng ký nhận nhà tái định cư do có lợi hơn nhận tiền bồi thường.

Đến những năm 2010 và nhất là những năm gần đây, chủ trương về bồi thường đất ngang giá thị trường được thực hiện ngày càng đầy đủ, Nhà nước bán nhà tái định cư cũng ngang giá thị trường nên người dân có xu hướng chọn nhận tiền bồi thường hơn chọn nhà tái định cư.

Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết ngày càng ít người dân ở các dự án đăng ký nhận nhà tái định cư do Nhà nước xây sẵn. Do chính sách hiện tại có hai phương án cho người dân lựa chọn: nhận nhà hoặc nhận tiền tự lo nơi ở mới nên phần lớn người dân chọn nhận tiền để tự do lựa chọn nơi mình sống. Vì vậy quỹ nhà tái định cư do Nhà nước dành cho dự án bị trống nhiều.

Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm, vì sao? - Ảnh 6.

Hai tòa chung cư B 3.6 và B 3.7 bị bỏ trống hoàn toàn ở chung cư Vĩnh Lộc B - Ảnh: Xuân Hưng

TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến nhà tái định cư của Nhà nước ế. Trước hết là những vị trí tái định cư rất hẻm hóc, vừa xa trung tâm, vừa xa so với nơi giải phóng mặt bằng. 

Những trường hợp xây nhà tái định cư chung với khu dân cư bình thường thì nơi tái định cư  cũng là nơi xấu nhất của dự án. 

Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thiếu bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi, không thuận tiện về giao thông, không có nhiều tuyến xe buýt đi qua. Chất lượng nhà tái định cư kém so với nhà ở thương mại nhưng bán giá ngang bằng với thị trường cũng là một yếu tố kém thu hút người dân lựa chọn.

Ngoài ra, theo bà Tuyết, người dân bỏ nhà tái định cư ra đi hay không chọn vô các khu tái định cư còn vì sinh kế.

"Người dân về nơi ở mới không biết làm gì để sống. Đôi khi không phải vì nơi mới không có công ăn việc làm nhưng vì họ lạ lẫm, không biết làm thế nào để xin việc mà không ai hướng dẫn họ. Vì vậy, dân chọn nơi nào dễ kiếm sống hơn, thường là nơi ở cũ, hoặc nơi có người quen đang sinh sống để được hướng dẫn, làm chỗ dựa tinh thần trong thời gian còn lạ lẫm" - bà Tuyết lý giải.

Ông Trần Trọng Tuấn (giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM):

Phải quy định cụ thể trách nhiệm

1

Khu tái định cư Vĩnh Lộc ở H. Bình Chánh (TP.HCM) dân vào ở hơn 5 năm nay vẫn phải đi trên con đường tạm để ra bên ngoài - Ảnh: Xuân Hưng


Thời gian tới, theo tôi, cần phải quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các sở ngành, địa phương cũ và địa phương mới trong việc giải quyết các quyền lợi cho người dân sau khi tái định cư. Tái định cư không chỉ bố trí cho người dân căn hộ để ở mà còn phải tính đến việc học, việc làm, sinh hoạt đi lại của người dân.

Ngoài ra, việc xây nhà tái định cư cũng phải đảm bảo chất lượng công trình như các công trình khác từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu và kiểm tra sau nghiệm thu. Thực tế có những khu nhà tái định cư không đảm bảo chất lượng về kết nối hạ tầng.

D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên