09/04/2019 13:47 GMT+7

Hàng chục ngàn hộ dân vùng ĐBSCL mất nhà do sạt lở

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Mỗi năm, 13 tỉnh khu vực ĐBSCL mất từ 300 - 500 hecta đất, kéo theo đó là hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.

Hàng chục ngàn hộ dân vùng ĐBSCL mất nhà do sạt lở - Ảnh 1.

Một khu vực sạt lở của tỉnh Cà Mau giáp tỉnh Kiên Giang được gia cố bằng kè rọ đá - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Cà Mau sáng 9-4.

Tại hội thảo, đại diện một số tỉnh khu vực ĐBSCL tiếp tục đưa ra một thực trạng đáng báo động về hậu quả sạt lở cả bờ sông lẫn bờ biển.

Ông Võ Thành Ngoan - phó giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp - cho biết trên chiều dài sông Tiền dòng chính chạy qua Đồng Tháp 123km, có đến 101km bờ sông bị xói lở. 

Từ năm 2005 - 2018, Đồng Tháp mất trên 322ha đất do nước cuốn trôi. Tỉnh này phải di dời trên 8.000 hộ dân nhưng ước tính trên 6.000 dân đang sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi an toàn. 

Theo ông Ngoan, việc di dân chạy lở càng khó khăn hơn khi địa phương thiếu đất đai và điều kiện tổ chức sinh kế cho các hộ dân bị thiệt thòi do sạt lở.

Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - đưa ra con số từ năm 2007 đến nay, Cà Mau mất gần 9.000ha rừng phòng hộ ven biển do sạt lở. Thiếu lá chắn rừng phòng hộ, nguy cơ làm vỡ đê biển Tây có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), hiện toàn vùng ĐBSCL có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài 786km. Trong đó, có 57 điểm xói lở đặc biệt nghiêm trọng, chiều dài 164km.

Theo lãnh đạo Bô NN&PTNT, trước tình hình này, năm 2018 ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hằng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Thủ tưởng đã hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành. 

Ngoài ra, Bộ NN& PTNT đã trình Thủ tướng tiếp tục hỗ trợ 1.000 tỉ đồng xử lý sạt lở từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và 36 triệu USD từ dự án của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Ông Dương Thành Trung - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho rằng không thể loanh quanh câu chuyện sạt lở ở đâu, xây kè ở đó vì chúng ta không thể sửa mãi. Mà cần có công nghệ thiết thực để kiến nghị trung ương, không bàn đến sạt đâu làm đó nữa mà làm suốt tuyến biển.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đưa ra một thực tế: Dự báo năm 2020 lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm từ 60 - 65 % so với năm 2017, nếu theo tốc độ xây dựng hồ, đập này thì đến năm 2040, lượng phù sa sẽ chỉ còn 3 - 5%. Không còn phù sa thì làm gì còn bồi lắng, không còn phù sa thì sạt lở.

Vấn đề mà Thứ trưởng Hà Công Tuấn đưa ra là tiếp tục làm việc với các nước thượng nguồn Mekong chia sẻ hài hòa lợi ích nguồn nước. 

Điều quan trọng là chúng ta cần quản lý nguồn khai thác cát và nguồn nước ngầm để tránh nguy cơ, theo ông Tuấn, "chúng ta tự chìm trước khi nước biển dâng".

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên