03/04/2022 19:01 GMT+7

Hãng bay lỗ nặng, nợ nhân viên cả ngàn tỉ đồng

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Bức tranh tài chính năm 2021 của nhiều hãng hàng không tiếp tục xuất hiện khoản lỗ từ vài trăm đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Riêng Vietnam Airlines không chỉ lỗ lũy kế gần cả tỉ USD.

Hãng bay lỗ nặng, nợ nhân viên cả ngàn tỉ đồng - Ảnh 1.

Không chỉ lỗ tiền tỉ, nhiều hãng hàng không cũng đang nợ tiền của đối tác, nhân viên - Ảnh: BÔNG MAI

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) vừa hé lộ tình hình sức khỏe kinh doanh, thông qua báo cáo tài chính quý 4-2021 vừa được công bố với khoản lỗ ròng sau thuế hơn 1.180 tỉ đồng, trở thành quý thứ 8 lỗ liên tiếp.

Ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, kinh doanh dưới giá vốn, không bù đắp được chi phí bỏ ra, nên chốt năm tài chính 2021 doanh thu thuần của hãng hàng không quốc gia giảm 31%, còn hơn 27.900 tỉ đồng, lỗ ròng hơn 13.330 tỉ đồng.

Kết quả trên đã khiến mức lỗ lũy kế dâng lên hơn 21.970 tỉ đồng (hơn 960 triệu USD), ăn mòn gần hết vốn chủ sở hữu của hãng bay. Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2021, tổng vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 507 tỉ đồng, trong khi hồi đầu năm vẫn còn trên mốc 6.110 tỉ đồng.

Mặc dù đến ngày cuối năm ngoái khối tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.100 tỉ đồng, song không thấm là bao so với khoản nợ phải trả lên hơn 62.590 tỉ đồng. Đáng chú ý, ngoài nợ đối tác, vay mượn... hãng bay cũng nợ hơn 1.070 tỉ đồng trả cho người lao động.

Theo phản hồi của Vietnam Airlines, khoản phải trả cho người lao động ở mục nợ ngắn hạn được ghi trong báo cáo tài chính không phải là khoản nợ lương, mà là khoản lương năm 2021 chưa đến kỳ thanh toán. Theo quy định của Bộ Tài Chính, quỹ lương của hãng được xây trên cơ sở sản lượng bay. Vì đặc thù ngành hàng không, nên dữ liệu sản lượng bay có độ trễ. Sau khi xác định được sản lượng bay, quỹ lương còn lại 2021 sẽ được thanh toán cho người lao động trongquý 1-2022.

Trải qua đại dịch, sức khỏe tài chính của Công ty CP hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo tài chính vừa công bố, sau khi trừ đi giá vốn và các loại chi phí khác, bao gồm cả gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp, quý 4-2021 Vietjet bị lỗ ròng gần 102 tỉ đồng.

Dù quý cuối năm bị lỗ lớn, song lũy kế cả năm 2021 hãng hàng không giá rẻ vẫn lãi ròng sau thuế hơn 100 tỉ đồng, tăng 46% so với năm trước. Khoản lợi nhuận này được đóng góp đáng kể nhờ hoạt động tài chính.

Có lãi trong năm 2021, nhưng vì năm trước đó đã bị lỗ nặng do dịch bệnh, nên doanh nghiệp vẫn bị báo lỗ gộp hơn 1.950 tỉ đồng.

Tại thời điểm cuối năm, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 51.780 tỉ đồng, tăng gần 15% so với hồi đầu năm, song chất lượng tài sản lại có chiều hướng xấu đi.

Doanh nghiệp cũng đang gánh khoản nợ phải trả hơn 34.900 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. Riêng năm qua, hãng bay đã phải trả gần 800 tỉ đồng chi phí lãi vay, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Trong các khoản nợ ngắn hạn, ngoài phải trả cho đối tác, nộp thuế..., hãng hàng không còn có khoản nợ phải trả cho công nhân viên là 81,6 tỉ đồng.

Bên cạnh hai "ông lớn" trên, Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (VTR) cũng là gương mặt đáng chú ý khi ra mắt Hãng hàng không Vietravel Airlines.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, lũy kế cả năm 2021 Vietravel hứng mức lỗ kỷ lục gần 350 tỉ đồng, giảm 253% so với cùng kỳ năm trước.

Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel - cho biết, do giãn cách xã hội kéo dài nên gần như cả hai quý 2 và 3-2021 doanh nghiệp bị tạm ngưng hoạt động.

Không có doanh thu, nhưng phải chi ra hàng loạt khoản như đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động, chi phí khấu hao tài sản, chi phí thuê mặt bằng... Riêng Vietravel Airlines vẫn phải trả tiền thuê tàu bay, bảo trì bảo dưỡng trong thời gian ngừng bay do giãn cách...

Trước đó ông Nguyễn Quốc Kỳ từng chia sẻ rằng bốn đợt dịch vừa qua đã kéo Vietravel thụt lùi 14 năm. Trước đây bình quân doanh thu của doanh nghiệp đạt 8.000 tỉ đồng/năm, nhưng sau đại dịch lại bị giảm dần và thua lỗ nặng.

Lưu ý, để tái cấu trúc, cuối năm vừa qua Vietravel đã chuyển nhượng hơn 55% vốn cổ phần của hãng bay sang Vietravel Holdings. Do vậy, quý 4-2021 cũng là quý đầu tiên Vietravel không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của Vietravel Airlines vào báo cáo tài chính. Đó cũng là lý do trong quý cuối năm Vietravel ghi nhận khoản lỗ 188 tỉ đồng từ công ty liên doanh - liên kết, trong khi cùng kỳ không có.

Tại ngày cuối năm, doanh nghiệp gánh khoản nợ phải trả 2.050 tỉ đồng, chủ yếu đến từ khoản vay và nợ thuê tài chính. Ngoài ra doanh nghiệp cũng có khoản phải trả hơn 1,5 tỉ đồng cho người lao động. Nếu lấy tổng tài sản trừ đi hết tổng nợ phải trả thì Vietravel chỉ còn xấp xỉ 8 tỉ đồng.

Theo đội ngũ phân tích của Công ty chứng khoán SSI, mặc dù lợi nhuận chạm đáy trong năm 2021 nhưng ngành hàng không sẽ bắt đầu phục hồi từ năm 2022 khi tỉ lệ tiêm chủng cao và sự thay đổi trong cách ứng phó của Chính phủ với dịch COVID-19.

71 hãng hàng không đã đăng ký đến Đà Nẵng tìm cơ hội mở rộng đường bay 71 hãng hàng không đã đăng ký đến Đà Nẵng tìm cơ hội mở rộng đường bay

TTO - Ngày 2-4, ban tổ chức Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 tại TP Đà Nẵng cho hay hiện đã có 820 đại biểu là các hãng hàng không, sân bay quốc tế, công ty lữ hành đăng ký tham dự sự kiện, trong đó có 71 hãng hàng không.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên