27/02/2019 09:19 GMT+7

Hàn Quốc đặt niềm tin vào thượng đỉnh Mỹ - Triều

NHẬT ĐĂNG - NGUYÊN HẠNH
NHẬT ĐĂNG - NGUYÊN HẠNH

TTO - Người Hàn mong Mỹ thể hiện sự nhượng bộ để đạt kết quả thuận lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc đặt niềm tin vào thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên xe rời ga Đồng Đăng sáng 26-2 - Ảnh: REUTERS

Hơn ai hết, với mối quan hệ đang nồng ấm trở lại với Triều Tiên, Hàn Quốc rất mong chờ một thượng đỉnh thành công tại Hà Nội để thúc đẩy tiến trình hòa bình và thống nhất.

Điều này không những mang lại lợi ích về mặt dân tộc, mà còn có ý nghĩa quan trọng với riêng chính quyền Tổng thống Moon Jae In, người được cho sẽ rất cần một chiến thắng trên trường quốc tế để tạo đà giải quyết những vấn đề trong nước.

Việt Nam đang làm rất tốt vai trò trung gian và còn là hình mẫu cho Triều Tiên bằng sự phát triển kinh tế của mình, một ví dụ rất điển hình

GS Kim Joon Hyung

Chờ sửa sai lầm 25 năm

Đó cũng là lý do phía Hàn Quốc rất quan tâm sự kiện thượng đỉnh tổ chức tại Hà Nội lần này. Họ đầu tư mạnh mẽ cho truyền thông và thậm chí tổ chức hẳn một buổi hội thảo đánh giá thượng đỉnh chiều 26-2.

GS Kim Joon Hyung, Trường nghiên cứu quốc tế tại Đại học Handong (Hàn Quốc), chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo: "Người Hàn Quốc rất mong đây sẽ là sự kiện thành công, mà sau nhiều nỗ lực, việc có được một cuộc gặp thứ hai giữa ông Trump và ông Kim đã là thành công rồi. Thời điểm này rất khó để có một cuộc gặp khác, nên đây là thời cơ tốt".

Cũng theo ông Kim Joon Hyung, khúc mắc giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn là việc ai nên hành động trước. Ông giải thích: "Mỹ có thể hành động sau, còn Triều Tiên phải làm trước. Nhưng tôi cho rằng sự nhượng bộ mà Triều Tiên có được từ Mỹ rất giới hạn".

Đó cũng là quan điểm chung của giới học giả Hàn Quốc lần này. Tại hội thảo, họ kỳ vọng Mỹ sẽ hành động nhiều hơn, nhưng đồng thời tin rằng Triều Tiên đang đứng trước cơ hội lớn để cho phép tất cả cùng sửa chữa sai lầm đã mắc trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cách đây 25 năm (1994).

"Tốt nhất là cả hai đều cùng hành động, vì điều quan trọng tại sự kiện này là phải xây dựng niềm tin. Mỹ phải thể hiện họ tin tưởng Triều Tiên, để giải đáp khúc mắc về niềm tin của Triều Tiên" - ông Koh Yu-hwan, GS nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk (Seoul, Hàn Quốc), nói.

Hàn Quốc đặt niềm tin vào thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 3.

Phóng viên Baek Sung Woo của Đài Channel A Hàn Quốc tác nghiệp tại Hà Nội - Ảnh: Facebook Thu Trang Nguyễn

Tốt cho tất cả

Sau khi trải qua một thượng đỉnh được đánh giá thành công về nền tảng nhưng thiếu hành động cụ thể, có thể nói lần tái ngộ ở Hà Nội mang ý nghĩa rất quan trọng để tìm thấy bước ngoặt trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Các học giả Hàn Quốc thừa nhận quá trình sẽ còn dài, do Triều Tiên đang mong muốn Mỹ cũng phải có động thái ngừng triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc để không đặt mối đe dọa lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng ít nhất tại Hà Nội, hai bên sẽ đồng ý phương án Triều Tiên tạm ngưng, hay "đóng băng" chương trình hạt nhân.

Việc Mỹ và Triều Tiên tìm thấy tiếng nói chung được cho sẽ là niềm vui chung cho tất cả, bất kể các bên có những lợi ích riêng.

Ông Koh giải thích: "Nhiều người hiểu đơn giản rằng việc tạm ngưng không hiệu quả. Nghĩa là Mỹ biết việc phi hạt nhân hóa không thể đạt được nhanh chóng, mà chúng ta phải hành động cùng lúc. Ông Trump cũng cho rằng sẽ không vội vã trong chuyện này, vì vậy việc tạm ngưng chương trình hạt nhân nên là điều kiện tiên quyết".

Khi được hỏi về viễn cảnh Mỹ - Triều hòa hợp ảnh hưởng gì tới cục diện chung, đặc biệt là vị thế của Trung Quốc, GS Kim Joon Hyung nói với Tuổi Trẻ: "Ví dụ, Trung Quốc sẽ lo lắng khi Triều Tiên quá thân thiết với Mỹ. Tuy nhiên điều đó vẫn ổn, vì Trung Quốc vẫn sẽ an tâm rằng họ duy trì vị trí hỗ trợ cho Triều Tiên.

Tương tự là Nhật Bản, nước sẽ lo lắng rằng các vấn đề của mình sẽ không được quan tâm, nhưng mối quan hệ đồng minh với Mỹ cũng không vì thế bị ảnh hưởng".

80%

Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc vượt mốc 80% đầu năm 2018, thời điểm ông gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên tại khu vực giới tuyến hai nước, vốn được xem là nền tảng cho cuộc gặp Mỹ - Triều tại Singapore tháng 6 năm ấy.

Báo Hàn: Ông Trump và ông Kim sẽ gặp mặt ít nhất 5 lần ở Hà Nội Báo Hàn: Ông Trump và ông Kim sẽ gặp mặt ít nhất 5 lần ở Hà Nội

TTO - Phân tích của Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho thấy ông Trump và ông Kim Jong Un dự kiến sẽ gặp nhau lâu hơn tại cuộc gặp ở Hà Nội, so với sự kiện ở Singapore hồi năm ngoái.

NHẬT ĐĂNG - NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên