21/08/2020 18:15 GMT+7

Hai kịch bản phục hồi du lịch TP.HCM hậu COVID-19

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Nếu dịch COVID-19 được khống chế trong tháng 9, TP.HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, vận chuyển, các điểm tham quan để có những sản phẩm mới hấp dẫn.

Hai kịch bản phục hồi du lịch TP.HCM hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Du khách TP.HCM tại một điểm tham quan ở Tây Ninh - Ảnh: T.L.

Sở Du lịch TP.HCM đã hoàn thành hai kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới, dựa trên cơ sở diễn biến dịch bệnh COVID-19. 

Theo kịch bản 1, trong trường hợp COVID-19 được khống chế trong tháng 9, TP.HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, vận chuyển các điểm tham quan để có những sản phẩm mới hấp dẫn.

TP cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh thành đã ký kết như 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và ký kết hợp tác liên kết phát triển với các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Trung Bộ... 

Sở cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông để doanh nghiệp du lịch và du khách đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách khi tham gia các chương trình du lịch.

Trường hợp xấu hơn ở kịch bản thứ 2, dịch kéo dài đến hết quý 4-2020, đồng nghĩa hoạt động du lịch, lữ hành sẽ bị ngưng trệ, các hoạt động xúc tiến sẽ được tập trung bằng giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch. 

Sở sẽ có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.

Theo các doanh nghiệp, tình hình tour tuyến hiện nay rất èo uột. Ước tính trong tháng 9, phần lớn các tour đến Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang... đã bị hủy chương trình, mỗi ngày doanh nghiệp chỉ phục vụ vài đoàn khách, chủ yếu bằng đường bộ đến các địa phương không có người nhiễm COVID-19 và gần thành phố như Vũng Tàu, Phan Thiết, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, số lượng tour tổ chức chỉ bằng 3-5% chuyến so với dự kiến ban đầu.

Theo thống kê của sở, đến ngày 20-8 khoảng 90-95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít còn mở cửa để xử lý các công nợ với khách

Đối với hoạt động lưu trú, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng, các đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại các khách sạn đa số bị hủy, các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô từ 30 người trở lên cũng lâm vào cảnh tương tự. Điều này một lần nữa tác động đến kết quả kinh doanh, nhân sự ngành du lịch.

Nhiều khách sạn bắt đầu tinh giản biên chế, chia ca làm việc 2-3 ngày/tuần, công suất phòng giảm 91,5% so với cùng kỳ 2019, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ, trong đó 87,4% lao động nghỉ không lương, và 12,6% chấm dứt lao động.

Trong bối cảnh hiện nay, kết quả tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ không thực sự khả quan.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chỉ có 7 trong 50 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú được hỗ trợ lại suất cho vay sau các buổi làm việc giữa sở với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM. 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá điện cho hóa đơn tháng 5, 6 và 7.

21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên được hưởng chính sách giảm phí, lệ phí theo quy định. "Vẫn còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ", bà Hoa nói.

TP.HCM kích hoạt lại bộ tiêu chí an toàn du lịch TP.HCM kích hoạt lại bộ tiêu chí an toàn du lịch

TTO - Sở Du lịch TP.HCM vừa có hướng dẫn mới về việc triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong thực hiện phòng chống dịch COVID -19 đối với lĩnh vực du lịch, làm cơ sở để các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong bối cảnh mới.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên