23/02/2020 13:31 GMT+7

Hà Tường: 'ngân hàng' ảnh về văn nghệ sĩ một thời

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sáng 22-2 tại Hà Nội, cuốn sách ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh gia Hà Tường mang tên Những người muôn năm cũ, giới thiệu 150 bức ảnh các văn nghệ sĩ, trí thức tài năng của đất nước nửa cuối thế kỷ 20, vừa ra mắt bạn đọc.

Hà Tường: ngân hàng ảnh về văn nghệ sĩ một thời - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Hà Tường - Ảnh: T.Đ.

Vài chục năm cầm máy tính từ khoảng sau năm 1975 đến khoảng cuối những năm 1990, ống kính của nhiếp ảnh gia Hà Tường đã thu vào hầu hết những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu trong nửa sau thế kỷ 20 ở cả hai miền, từ Trần Văn Cẩn, Tào Mạt, Đoàn Chuẩn, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Tý, bộ tứ hội họa Việt Nam Nghiêm - Liên - Sáng - Phái; nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà thơ Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm... đến nhà sử học Trần Quốc Vượng; nhà dân tộc học Từ Chi...

Một "ngân hàng" ảnh văn nghệ sĩ, trí thức

Như một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài ba, Hà Tường có biệt tài chụp được những bức chân dung văn nghệ sĩ chất đầy trong nó những tâm tư, tính cách và số phận của nhân vật. Ông còn như một phóng viên ảnh xuất sắc khi rất nhạy bén ghi lại được cái đời sống văn hóa nghệ thuật, cái tình người của một thời thông qua những bức ảnh sinh hoạt đời thường của các nhân vật.

Hà Tường có một "ngân hàng" ảnh văn nghệ sĩ, trí thức ở cái thời mà phim ảnh rất hiếm, chứ không "bội thực" như thời smartphone bây giờ và ai cũng vật vã với cái nghèo, là bởi ông được họ yêu quý hay mời gọi tham gia các cuộc vui bạn bè.

Nhiều năm độc thân, ông chẳng cần gì ngoài mấy bữa cơm nhạt mỗi ngày, nên có bao nhiêu tiền ông chỉ dành mua phim chụp ảnh cả. Chụp được những bức ảnh ưng ý, ông lại bỏ tiền in ảnh tặng nhân vật. Ngay cả tranh của các danh họa thời đó cũng đều được tin tưởng giao cho Hà Tường chụp, để họa sĩ giữ lại ảnh làm tư liệu trước khi bán.

Hà Tường: ngân hàng ảnh về văn nghệ sĩ một thời - Ảnh 2.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái tại xưởng vẽ ở nhà riêng, phố Thuốc Bắc (Hà Nội), năm 1986 - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Ân tình văn nghệ

Thời ấy, ai mà có máy ảnh để hành nghề chụp ảnh thì sống rất sung túc, riêng Hà Tường lại chỉ coi là niềm đam mê của mình. Ông không bao giờ hỏi công xá, còn các nghệ sĩ cũng đối đãi với ông bằng những tâm tình cảm động.

Khi ai đó bán được tranh thì lại tự tay bỏ một chút tiền vào túi Hà Tường. Bùi Xuân Phái khi đi sơ tán ngày Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc còn nói Hà Tường lấy bất cứ bức tranh nào anh thích. Đây chắc chắn là cơ hội trong mơ với bao người, nhưng Hà Tường lại từ chối.

Ông từng được nhiều danh họa yêu quý tặng tranh và vẽ chân dung, nhưng bởi căn nhà quá chật chội trên phố Tô Tịch chẳng còn chỗ cho tranh nên ông lại mang tặng người nọ người kia, chứ chẳng giữ riêng cho mình. Cũng bởi lòng hào hiệp, thanh sạch ấy mà các nghệ sĩ yêu ông, thương cái nghèo của ông như chính ông yêu thương tài năng trong nghèo khổ của nghệ sĩ.

Cũng bởi đam mê quá với nhiếp ảnh nên 46 tuổi Hà Tường mới lấy vợ. Đó là một đám cưới "lạ lùng" bậc nhất bởi dù tổ chức tận nhà cô dâu ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) trong điều kiện đi lại khó khăn thời bấy giờ, nhưng lại có đủ cả những gương mặt tài danh nhất của làng văn hóa nghệ thuật lúc đó như vợ chồng họa sĩ Bùi Xuân Phái, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Phan Kế An, Tôn Đức Lượng, Mai Nam, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh...

Hỏi ông làm sao có thể sống vui tươi được như vậy, ông chỉ từ tốn bảo: "Tôi ít muốn và luôn biết đủ, có chừng nào biết đủ chừng đó. Biết đủ là đủ, không biết đủ chẳng bao giờ là đủ. Câu nói tôi thích nhất là "Tham vọng của tôi là làm sao từ bỏ được mọi tham vọng" mà".

Hà Tường: ngân hàng ảnh về văn nghệ sĩ một thời - Ảnh 3.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm bên tác phẩm Kiều - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Hà Tường: ngân hàng ảnh về văn nghệ sĩ một thời - Ảnh 4.

Nhà văn Kim Lân tại tư gia (1987- 1988) - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Hà Tường: ngân hàng ảnh về văn nghệ sĩ một thời - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Hồng Đăng, diễn viên điện ảnh Phương Thanh (đóng vai Hiền Cá Sấu trong phim Tội lỗi cuối cùng), nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (đứng sau), vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thu Bồn và nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng - Ảnh chụp năm 1983 tại nhà riêng nhạc sĩ Thụy Kha (Hà Nội) - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Hà Tường: ngân hàng ảnh về văn nghệ sĩ một thời - Ảnh 6.

Vợ chồng họa sĩ Phạm Văn Hạng – Trần Thị Niêm và vợ chồng họa sĩ Trần Văn Cẩn – nhà điêu khắc Nguyễn Thị Hồng, Chụp tại nhà riêng ông Cẩn (Hà Nội) - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Hà Tường: ngân hàng ảnh về văn nghệ sĩ một thời - Ảnh 7.

Nhiếp ảnh Hà Tường - họa sĩ Trần Trung Tín - họa sĩ Thái Tuấn - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà họa sĩ Trần Trung Tín (Sài Gòn), năm 1977 - Ảnh: HÀ TƯỜNG

ha tuong 22-2 (read-only)

Bìa cuốn sách ảnh của Hà Tường - Ảnh: T.ĐIỂU

78 tuổi, nhiếp ảnh gia Hà Tường còn nhớ rõ một cái tết nọ, họa sĩ Lưu Công Nhân - một trong những người bạn nghệ sĩ thân thiết với ông - đến thăm, thấy vợ chồng ông ngày tết mà trong nhà chẳng còn gì ăn, Lưu Công Nhân quyết định ngồi ngay quán nước đầu phố vẽ luôn mấy bức tranh để đưa bạn mang tới ông chủ cà phê Lâm bán lấy tiền tiêu tạm.

Những ân tình như thế giữa Hà Tường với các văn nghệ sĩ khiến Hà Tường yêu các nhân vật của mình - những người bạn - tới mức cực đoan. Tới độ sau này, lứa những văn nghệ sĩ, trí thức vàng ấy lần lượt ra đi thì ông cũng ngừng luôn tay máy.

Hà Tường và Hà Tường và 'một tấm ảnh giao tiếp theo cách khác'

TTO - Nếu coi nhiếp ảnh là lịch sử bằng hình ảnh thì Hà Tường là một sử gia, ông coi ống kính như cây bút để ghi chép trung thực những gương mặt của một thời, những chân dung văn nghệ sĩ tiêu biểu, nổi tiếng nhất của khoảng 20 năm, 1975-1995.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên