30/04/2021 10:20 GMT+7

Hà Lê hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội thúc người trẻ 'dựng nước bình yên'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Từng sống đời sống nhung lụa của một công tử con đại gia, du học toán kinh tế tại Anh, không ai ngờ Hà Lê rẽ sang nghiệp ca hát, lại còn mang rap, múa đương đại và sắp tới là "Broadway" vào nhạc Trịnh Công Sơn, làm người trẻ phải lắc lư...

Hà Lê hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội thúc người trẻ dựng nước bình yên - Ảnh 1.

Hà Lê

Từng sống đời sống nhung lụa của một công tử con đại gia, du học toán kinh tế tại Anh, không ai ngờ Hà Lê rẽ sang nghiệp ca hát, lại còn hát nhạc Trịnh, hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội - khúc hát về một thời đất nước chia cắt khiến người người chỉ ước mơ Bắc Trung Nam đoàn kết một miền "dựng nước bình yên".

Rất nhiều điều bất ngờ ở chàng trai 8X mang rap, múa đương đại và sắp tới là "Broadway" vào nhạc Trịnh Công Sơn, làm người trẻ phải lắc lư, nhảy múa cùng thứ nhạc tưởng chỉ đóng khung mãi mãi trong kiểu trình diễn thật mộc, không cần gì khác ngoài một giọng hát thiên thần.

Huế - Sài Gòn - Hà Nội (Remake) - Hà Lê

Công tử theo nghiệp xướng ca

Sinh ra trong một gia đình khá giả, nên dù yêu ca hát và thường đứng trên sâu khấu của trường từ nhỏ, ước mơ trở thành ca sĩ..., nhưng con đường đẹp đẽ cha mẹ dọn sẵn cho Hà Lê là đi du học về kinh tế để trở về tiếp quản việc kinh doanh của gia đình. Và Hà Lê cũng đi đúng con đường đó thật.

Nhưng bước ngoặt đến với anh vào năm 2004, khi đang theo học kinh tế tại Trường đại học Nottingham Trent ở Anh. Hà Lê trốn cha mẹ đi học nhảy, nhanh chóng nhận ra nghệ thuật mới là con đường mình muốn đi, là cách mình muốn sống.

Năm 2008, Hà Lê về nước, nỗ lực xây dựng cộng đồng hip hop tại quê nhà, đưa về đây phong cách nhảy mới, tạo dựng nền tảng cho thị trường nhảy múa đương đại sôi động ở trong nước.

Nhưng nhảy múa chưa đủ thỏa mãn Hà Lê bởi trong anh còn một niềm đam mê lớn hơn đó là ca hát. Vậy là 30 tuổi, Hà Lê muốn thử thêm một đam mê cuối cùng của mình, cái giấc mơ đã nhen lên từ nhỏ: trở thành ca sĩ. Cha mẹ anh tất nhiên không ủng hộ nhưng cũng đành để cho anh làm với ý nghĩ sở thích nhất thời sẽ sớm qua.

Như cha mẹ Hà Lê dự đoán, trở thành ca sĩ thành danh chẳng dễ dàng gì, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trước đó, phải bắt đầu gần như từ con số 0.

Đúng lúc chưa biết làm gì với giấc mơ ca sĩ thì gia đình gặp một số biến cố, không còn được như xưa để Hà Lê thoải mái theo đuổi giấc mơ nghệ thuật. Chàng "công tử" ngày nào bắt đầu nếm trải những sự cay đắng, thất bại.

Anh ngã sụp trong những bước phiêu lưu đầu tiên vào âm nhạc khi kết quả không được như ý. Tiền bạc không có, tương lai vô định, bấp bênh, mà quay đầu lại cũng không được. Đã có lúc sự chán chường, cô độc, mất phương hướng xâm chiếm Hà Lê.

Cho đến lúc những tiếng nói phản kháng trong anh vực anh dậy: "Mình không thể tiếp tục như vậy, không được đầu hàng, như thế hèn nhát quá".

Và Hà Lê thúc mình phải làm gì đó. Anh đến phòng thu để thu âm ca khúc Diễm xưa. Những nếm trải sung sướng, khổ đau kiếp người cho anh chạm được tới nhạc Trịnh, kết nối được với những đau buồn, hạnh ngộ của người nhạc sĩ mà thể hiện.

Hà Lê hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội thúc người trẻ dựng nước bình yên - Ảnh 3.

Hà Lê

Một chương đặc biệt của đất nước cần được hát lên

Nghe bản thu âm ấy, mọi người xúm vào cùng Hà Lê lập dự án Trịnh Contemporary, được dẫn đến gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương và anh may mắn nhận được sự ủng hộ, góp ý chân thành của ông, mọi thứ dần sáng sủa.

Khi mình thay đổi thì mọi thứ thay đổi theo, mình tích cực thì mọi thứ xung quanh cũng tích cực hơn là thế. Hai năm sau, album Ở trọ gồm 7 bài hát của Trịnh Công Sơn ra đời, trong đó có bài Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Chính tác giả Trên đỉnh phù vân đã gợi ý Hà Lê hát bài này vì "nó rất hay và ý nghĩa".

Album nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn, sự yêu thích của đông đảo công chúng - đặc biệt là công chúng trẻ - và cả gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nay Hà Lê đã có thể sống được bằng ca hát, và quan trọng là được theo đuổi đam mê của mình "một cách sâu sắc theo đúng cách mà mình muốn", cha mẹ mới tạm yên tâm về cậu con quý tử bỗng theo cái nghiệp mà họ từng đầy lo lắng khi Hà Lê đam mê.

Trong chương trình truyền hình Chiều cuối năm của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng chiều 30 Tết chuẩn bị đón năm mới Tân Sửu, Hà Lê với ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội đã khiến người xem bất ngờ và xúc động trước niềm cảm hứng về đất nước, dân tộc trong giọng hát của một nghệ sĩ trẻ chưa từng sống trong chiến tranh chia cắt. MV ca khúc này cũng được êkip của anh gấp rút thực hiện để ra mắt dịp 30-4 năm nay.

Nhớ lại, khi được nhạc sĩ Phó Đức Phương gợi ý nên thử làm mới với ca khúc này, Hà Lê mới tìm hiểu rồi yêu thích lúc nào không hay.

Anh thích lời bài hát quá xúc động khi chạm tới khát vọng hòa bình, thống nhất, no lành cho toàn dải đất nước, và thích phần nhạc được Trịnh Công Sơn viết như một điệu hành khúc, cái điệu khúc đã mê hoặc Hà Lê từ khi còn là một thiếu nhi ở trong đội nghi thức.

Nhưng cũng chính nhạc hành khúc gây khó khăn cho Hà Lê khi xử lý để phá cách. Nó không dễ thiên biến vạn hóa như việc làm mới các ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn mà Hà Lê đã làm trước đó.

Tuy thế, anh vẫn quyết tâm chinh phục "đỉnh núi" này, bởi đó là một chương đặc biệt, không thể nào quên của đất nước nhưng thế hệ trẻ ngày nay không phải ai cũng hiểu được.

Anh muốn mang nó đến gần với người trẻ, để những người không trải qua cuộc chiến vẫn có thể hiểu và cảm động trước một quãng đặc biệt của lịch sử Việt Nam, một giai đoạn nhiều biến động mà Hà Lê tin rằng nhờ nó đất nước mình mới có nội lực mạnh mẽ để làm nên những bước chuyển mình kỳ diệu như bây giờ.

Tình cờ, bài hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội được giới thiệu vào đúng thời điểm cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang rất cần những động viên, khích lệ nên nó cũng ít nhiều mang đến cảm xúc hân hoan cho công chúng trong một năm nhiều vất vả.

Hà Lê hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội thúc người trẻ dựng nước bình yên - Ảnh 4.

Hà Lê

Sau nhạc Trịnh là nhạc cách mạng

* Làm thế nào một người trẻ chưa từng sống qua chiến tranh chia cắt như anh có thể hát lên một cách thấm thía khúc hát về nỗi đau binh đao và khát vọng đất nước hòa bình, thống nhất như bài Huế - Sài Gòn - Hà Nội?

- Lời bài hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội cho thấy câu chuyện của đất nước mình lúc bấy giờ, là câu chuyện "những con người ngồi nhớ thương nhau" và ao ước "đã đến lúc nối tấm lòng chung", để "những dấu căm hờn xưa nhạt mờ", để "ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ/Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no", để "cho em ra đầu núi ca tình vui/Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một miền/phá biên thùy mở rộng đường thêm/dựng nước bình yên".

Ngày nay, hát lại những lời ấy tôi càng thấy trong đó một khúc khải hoàn, tôi muốn hát cho ra cảm xúc chiến thắng của dân tộc nên tôi chọn đưa nhịp nhanh hơn, đầu tư nhạc cụ thật, thêm tiếng kèn, những tiếng ô, ê, a...

Giá trị cốt lõi của tác phẩm luôn ở đó, nó là bất biến, nhưng thời đại hôm nay đã khác cái thời Khánh Ly hát ca khúc này nên tôi đưa tâm trạng của thời đại hòa bình thịnh vượng hôm nay vào bài hát cũ. Tất nhiên, tôi phải đọc, phải tìm hiểu rất nhiều về thời đại trong bài hát, về tâm tình của người nhạc sĩ.

* Đến với nhạc Trịnh, với anh có giống sự tình cờ?

- Lúc mới bắt đầu làm một ca sĩ, tôi đã không có kế hoạch với nhạc Trịnh. Trong lúc bế tắc với con đường làm nghệ thuật như tôi đã nói, tôi nghĩ rằng mình hãy bắt đầu bằng những bài hát mình thích nhất, là Diễm xưa và Nhớ mùa thu Hà Nội.

Tôi cố gắng hát sao cho thật hay theo cách của mình. Không ngờ lại được khán giả và những người trong giới đón nhận tích cực. Vậy là dự án Trịnh Contemporary ra đời, kết quả là album Ở trọ.

* Hẳn là anh đang hài lòng với những gì mình đã làm được?

- Tôi hài lòng ở chỗ tôi đang có được những điều mà tôi từng không thể tin nổi nó có thể xảy ra với mình. Tôi không hài lòng vì mình đã có được một vị trí nào đó với nghệ thuật mà tôi hài lòng vì mình đang được sống trong giấc mơ của mình, đang được nhìn thấy từng giấc mơ ấy thành hiện thực.

* Hà Lê sẽ tiếp tục hát nhạc Trịnh chứ?

- Nhạc Trịnh là cái duyên đưa tôi đến với khán giả, là thứ tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để có thêm cảm hứng, để tiếp tục kể những câu chuyện của mình. Nhưng tôi sẽ không chỉ hát nhạc Trịnh. Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn và nhạc Trịnh ở thời điểm này đang là một thứ giúp tôi nói được câu chuyện của mình.

Tương lai tôi còn muốn tìm những cách khác để kể, bằng âm nhạc của nhiều nhạc sĩ, thậm chí là nhạc cách mạng, hay nhạc do chính tôi viết. Nếu tiếp tục với nhạc Trịnh thì đó phải là một hành trình khác nữa. Dù thế nào, những gì tôi đã làm với nhạc Trịnh sẽ luôn luôn là nền tảng để tôi dựa vào mà phát triển thêm các dự án sau này.

* Ồ, Hà Lê sẽ hát nhạc cách mạng ư? Và tự viết nhạc của mình nữa?

- Tôi đang suy nghĩ xem liệu có thể có một cách thể hiện nào khác cho các ca khúc nhạc cách mạng.

Tôi đang làm điều đó với ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn), sau đó sẽ là Đất nước của Phạm Minh Tuấn. Tôi sẽ hát "đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu" đấy (cười). Tôi cũng đang thử viết nhạc của tôi, viết những thứ tôi suy tư để kể câu chuyện của chính tôi, làm thứ âm nhạc mà tôi thích.

Hà Lê hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội thúc người trẻ dựng nước bình yên - Ảnh 5.

"Dịch" nhạc Trịnh ra ngôn ngữ của thế hệ trẻ

* Anh thường nghe ai hát nhạc Trịnh?

- Tôi hay nghe Khánh Ly, Hồng Nhung, Quang Dũng... những ca sĩ hát nhạc Trịnh thành công và hát theo cách "nguyên bản".

* Chứ không phải anh nghe những ca sĩ làm mới nhạc Trịnh giống anh ư?

- Mọi sự làm mới hay phá cách có ý nghĩa đều phải dựa trên cái gốc, cái giá trị cốt lõi. Tôi nghe những người ấy để xem họ đã xử lý bài hát thế nào và tìm cách xử lý khác biệt, quan trọng hơn là để hiểu được cách họ đặt cảm xúc vào từng chữ, từng câu hát, sau đó tìm cách diễn tả cảm xúc thật của mình, dùng câu chuyện thật của mình để hát.

Thực ra trong cách hát nhạc Trịnh của tôi, trong cách tôi kể chuyện đều ảnh hưởng rất nhiều từ Khánh Ly. Tôi hát gần như ở tông giọng của Khánh Ly, chỉ chênh nhau một chút. Và đó mới là quãng đẹp trong giọng hát của tôi.

* Anh có muốn mình sẽ vượt lên trên những đàn anh đàn chị từng phá cách với nhạc Trịnh?

- Thực ra tôi không thể vượt qua ai. Tôi chỉ đóng góp thêm một sự lựa chọn nữa cho người nghe nhạc Trịnh, người nghe có thêm một lựa chọn nữa là cách hát, cách kể của Hà Lê. Tôi cũng không nghĩ mình làm tốt hơn những người từng làm mới nhạc Trịnh trước đây.

Số phận của những người tiên phong ấy chắc chắn rất khó khăn bởi với thứ đã xác lập giá trị lâu dài như nhạc Trịnh thì công chúng hâm mộ thường có thói quen xây tường rào để bảo vệ những giá trị ấy.

Khen chê là điều không tránh khỏi với những ai muốn phá cách nhạc Trịnh. Họ có thể hay - có thể dở, nhưng tôi nghĩ cần đánh giá cao ở sự dám làm, dám thử thách bản thân, dám vượt qua những giới hạn. Họ là cảm hứng cho tôi và cũng là cái gương để tôi rút kinh nghiệm cho mình về cách làm.

Tôi cố gắng hạn chế tối đa việc phạm sai lầm với nhạc Trịnh bằng cách dành nhiều thời gian tìm hiểu. Trong quá trình làm chắc chắn tôi cũng phải đi qua nhiều cái sai rồi mới đến được cái đúng, làm sao để sản phẩm cuối cùng đến tai mọi người phải là thứ tốt nhất mà tôi có thể làm được.

Lúc mới ra MV Hạ trắng, Diễm xưa tôi cũng bị "chửi" là phá nhạc Trịnh, rằng đó không phải nhạc Trịnh. Nhưng tiếng "chửi" càng ngày càng ít đi. Tôi thấy lòng thật hân hoan.

* Nếu tự lý giải, theo anh, điều gì khiến Hà Lê thành công với nhạc Trịnh?

- Những ca khúc của Trịnh Công Sơn là các giá trị bất biến. Với giá trị bất biến thì câu chuyện còn lại chỉ là cách kể. Và tôi chọn kể câu chuyện của tôi bằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn theo cách riêng để có thể đối thoại được với thế hệ trẻ bây giờ.

Chính xác thì tôi đang cố gắng "dịch" nhạc Trịnh ra ngôn ngữ của thế hệ trẻ. Để nhạc Trịnh vẫn tiếp tục là giá trị có thể truyền cảm hứng cho người trẻ, vẫn có thể lay động họ.

* Anh làm thế nào khi muốn "đưa Broadway" vào trình diễn nhạc Trịnh và kế hoạch ấy đến đâu rồi?

- Nó mới được thai nghén thôi. Cần rất nhiều thứ nữa mới có thể làm được. Cần thêm thời gian để đợi cho mảnh ghép khác trong êkíp lớn mạnh thì mới làm tốt được vì nhạc kịch theo đúng nghĩa ở Việt Nam hiện nay chưa làm được.

Nhưng tôi tin chỉ 5 năm nữa thì mọi thứ sẽ rất khác. Khi muốn "đưa Broadway" vào biểu diễn nhạc Trịnh, tôi chỉ sử dụng âm nhạc và tư tưởng của Trịnh Công Sơn chứ không lấy câu chuyện của tác giả khi sáng tác bài hát để dựng. Tôi sẽ dùng một câu chuyện của đương đại.

* Những kiến thức kinh tế khi đi du học ở Anh có giúp gì cho anh trong sự nghiệp của một nghệ sĩ không?

- Nó cho tôi tư duy logic để cân bằng lại với con người nghệ sĩ của tôi. Để tôi không bị "bay" quá. Nghệ sĩ mà bay quá thì mất hút, không thể kết nối được với khán giả của mình.

Hà Lê và album Ở trọ: Chiếc áo mới đầy sáng tạo cho nhạc Trịnh Hà Lê và album Ở trọ: Chiếc áo mới đầy sáng tạo cho nhạc Trịnh

TTO - Sáng tạo hay phá vỡ đền đài nhạc Trịnh, hoài nghi này từng có những người đặt ra cho nghệ sĩ Hà Lê. Sau hai năm theo đuổi dự án 'Trịnh Contemporary', Hà Lê đã có câu trả lời cho câu hỏi đó với album 'Ở trọ' vừa ra mắt vào tối 28-5.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hà Lê Nhạc Trịnh