20/08/2010 08:18 GMT+7

Góp sức cho du lịch miền Trung cất cánh

LÊ NAM - BẠCH HOÀN
LÊ NAM - BẠCH HOÀN

TT - Đã có hơn 30 ý kiến quanh vấn đề cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, quảng bá nêu ra tại hội thảo “Miền Trung - xây dựng điểm đến quốc tế” tổ chức tại Palm Garden Beach Resort & Spa (Quảng Nam) do báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Quảng Nam và Tổng công ty CP Phong Phú tổ chức sáng 19-8.

RdEjQN5o.jpgPhóng to
Ông Trịnh Hồng Quang - phó tổng giám đốc VNA - cho biết đã chuẩn bị chiến lược phát triển du lịch VN - Ảnh: V.H.

Không ít đại biểu tham dự hội thảo tiếc nuối khi miền Trung được xác định là trung tâm du lịch của cả nước từ hàng chục năm qua, nhưng thực tế phát triển chưa tương xứng với mong muốn và tiềm năng.

Đường bay thẳng: nên hay không?

Phát biểu khai mạc hội thảo, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải băn khoăn: “Làm sao để miền Trung trở thành điểm đến quốc tế trong mắt du khách trong và ngoài nước? Vấn đề hạ tầng, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực cũng như xúc tiến, quảng bá cho du lịch miền Trung sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?...”. Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh: “Miền Trung - điểm đến quốc tế, điểm đến của mọi người là mục tiêu, là trách nhiệm của chúng ta”.

Đặt thẳng vấn đề hạ tầng còn yếu kém ông Phạm Trung Lương, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, cho rằng suốt chiều dài 600km dọc miền Trung chưa có một cảng biển chuyên biệt đón tàu du lịch, chưa có đường bay thẳng quốc tế đến Đà Nẵng...

Theo ông, với những gì đã có hiện tại, hoàn toàn có thể thiết lập đường bay quốc tế đến miền Trung. Trong thời gian đầu, Nhà nước phải cởi mở về các khoản phí, có hỗ trợ doanh nghiệp, tránh “giữa đường đứt gánh” như một số đường bay quốc tế đã triển khai trước đây. Theo phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Trịnh Hồng Quang, tuy chưa có đường bay thẳng quốc tế đến Đà Nẵng, trong năm 2009 VNA có 15 chuyến bay thuê chuyến (charter flight) từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong, Campuchia đi/đến Đà Nẵng.

Hơn nữa hiện nay trung bình VNA có 154 chuyến bay/tuần từ các điểm nội địa đến Đà Nẵng, nên vẫn có thể đảm bảo đủ khả năng đưa khách đến khu vực miền Trung trong khi chưa có đường bay thẳng. VNA đã sẵn sàng chiến lược phát triển cho du lịch VN cất cánh, đầu năm 2015 sẽ có 112 máy bay, đến năm 2020 có 164 máy bay hiện đại và hiệu quả.

Gấp rút xem lại quy hoạch

TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, làm nóng hội thảo khi đặt ra vấn đề ngành du lịch miền Trung đã được xác định là ngành mũi nhọn từ cách đây 15 năm, nhưng đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Một số đại biểu dẫn chứng con đường chạy dọc ven biển, điển hình là đoạn Đà Nẵng - Quảng Nam, đã thu hút khá nhiều resort ven biển, nhưng từ đó cũng nảy sinh vấn đề. Tầm nhìn ra biển đã che khuất. Nhiều nơi người dân không có đường ra biển để tắm. “Quy hoạch đang có vấn đề. Chúng ta đã làm đúng dưới góc độ giao thông, nhưng lại làm sai theo góc nhìn du lịch”, một chuyên gia thẳng thắn.

Liên quan đến việc quy hoạch bờ biển, ông Nguyễn Mạnh Cường, phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng cần rút kinh nghiệm từ những cái đã lỡ làm. Vấn đề hiện nay là phải xem lại quy hoạch, điểm nào hợp lý, điểm nào chưa phù hợp thực tiễn. Cùng quan điểm, ông Phan Hữu Thắng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, cho rằng phải xác định lại thực trạng hạ tầng, gắn với quy hoạch phát triển nói chung và du lịch nói riêng. Miền Trung cần thêm những dự án nào, trong nước làm được bao nhiêu và cần huy động vốn đầu tư nước ngoài ở những hạng mục nào.

Thay đổi cách quảng bá

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Hữu Minh cho biết với kinh phí 200 triệu đồng hằng năm cho công tác xúc tiến của tỉnh, không thể làm được gì cho dù hai năm nay Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế chung sức làm quảng bá theo kiểu ba địa phương một điểm đến.

Phó viện trưởng Phạm Trung Lương chia sẻ với ngân sách chi cho công tác quảng bá chỉ 300-400 tỉ đồng mà du lịch VN đang có không thể so sánh với con số vài chục triệu USD mà các quốc gia khác bỏ ra. Ông Lương cho rằng phải liên kết để xây dựng một sản phẩm du lịch miền Trung nói chung có những khác biệt rõ rệt mà hai đầu Bắc và Nam không thể có được, từ đó mới xây dựng một chương trình xúc tiến quảng bá chung cho miền Trung. Ông Trịnh Hồng Quang cho rằng Tổng cục Du lịch phải lên kế hoạch xúc tiến quảng bá quốc gia từ chương trình này để các hãng hàng không, doanh nghiệp, resort... đóng góp vào chương trình, quảng bá sẽ hiệu quả hơn hiện nay.

Theo ông Trần Minh Cả, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xây dựng điểm đến quốc tế là mục tiêu mà UBND tỉnh Quảng Nam đặt ra cho chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, có những vấn đề ngoài tầm tay của một tỉnh, cần phải được giải quyết ngay như: quy hoạch vùng bài bản, chất lượng, tăng cường hoàn thiện sân bay, cảng biển, đường sá, phát triển du lịch cộng đồng, gắn với lợi ích cộng đồng...

Phát biểu kết luận hội nghị ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung, vì vậy ngoài quy hoạch phát triển hạ tầng, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá du lịch, thời gian tới tổng cục sẽ ưu tiên tạo dựng hành lang để các doanh nghiệp hoạt động theo hướng phát triển bền vững, gắn với lợi ích cộng đồng. Ông Cường cũng khẳng định từ các ý kiến đặt ra tại hội thảo lần này, ban tổ chức gửi các đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý có trách nhiệm để tìm giải pháp giải quyết các “nút thắt” cho du lịch miền Trung. “Những việc ở cấp độ cao hơn tổng cục sẽ làm văn bản kiến nghị cơ quan cấp trên giải quyết”, ông Cường nhấn mạnh.

Đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp

Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, ông Phạm Trung Lương đề xuất các trường trong khu vực này nên chủ động kết hợp với các doanh nghiệp đào tạo theo mô hình đặt hàng theo nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp. Các trường cũng nên đào tạo các kỹ năng cơ bản, sau đó chuyển lao động cho các doanh nghiệp đào tạo chuyên sâu về kỹ năng. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động phổ thông trong các resort, bà Trần Thị Cảnh, giám đốc nhân sự resort 5 sao + The Nam Hải, chia sẻ hiện nay resort có hơn 200 nhân viên là lao động ở địa phương chuyển sang làm bộ phận buồng phòng, trồng tỉa cây xanh... những lao động này, khuyến khích, huấn luyện người nhà, người quen các công việc vừa nêu. Khi resort có nhu cầu tuyển dụng sẽ ưu tiên để các lao động này có điều kiện giới thiệu người quen, người thân vào làm việc.

___________

Tôi từng ở nhiều khu resort lớn. Tại đây, gần như toàn bộ nước thải đều không được xử lý mà xả thẳng ra biển. Cứ như vậy qua nhiều năm môi trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Khách quốc tế đến miền Trung là nhóm khách có hiểu biết và có tiền. Họ đòi hỏi những sản phẩm du lịch chất lượng và ý thức rõ nét về bảo vệ môi trường. Bỏ qua yếu tố môi trường đồng nghĩa với việc chúng ta không cung cấp được sản phẩm chuyên nghiệp. Như vậy, những gì chúng ta có chỉ khai thác được vài năm, không bền vững. Khắc phục những điều này cần phải tăng cường việc xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn và khuyến khích cả cộng đồng vào công việc này.

LÊ NAM - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên