12/09/2023 17:44 GMT+7

Google đối mặt vụ kiện chống độc quyền lớn nhất thế kỷ 21

Google bước vào rắc rối pháp lý lớn nhất lịch sử công ty, khi vụ kiện xoay quanh cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền chính thức bắt đầu.

Ngày 12-9, Google bước vào vụ kiện được xem là rắc rối pháp lý lớn nhất lịch sử công ty - Ảnh: REUTERS

Ngày 12-9, Google bước vào vụ kiện được xem là rắc rối pháp lý lớn nhất lịch sử công ty - Ảnh: REUTERS

Google bị kiện vì hành vi nào?

Theo báo Wall Street Journal, ngày 12-9, vụ kiện giữa Bộ Tư pháp Mỹ và Công ty Google chính thức bắt đầu, sau ba năm tiến hành các thủ tục tiền xét xử.

Trọng tâm của vụ kiện là cáo buộc Google đang giữ thế độc quyền trong mảng tìm kiếm trực tuyến và các thị trường quảng cáo có liên quan.

Cụ thể, Google đã chi hàng tỉ USD để các phần mềm trình duyệt Internet hoặc nhà sản xuất điện thoại như Apple, Mozilla, Samsung… đặt mình làm công cụ tìm kiếm mặc định.

Bên cạnh đó, công ty này còn buộc các nhà sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Android không cài sẵn hoặc quảng cáo các công cụ tìm kiếm đối thủ.

Nhờ những thỏa thuận này, Google đã trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên hầu hết các điện thoại ở Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ lại cho rằng các thỏa thuận trên là bất hợp pháp. Bằng cách "chiếm sóng" trên hầu hết trình duyệt, Google đang khiến các đối thủ cạnh tranh như Bing (Microsoft) ít được sử dụng và không thể thu đủ dữ liệu để cải thiện bản thân.

Bên cạnh đó, các thỏa thuận cũng cho phép Google bảo vệ thị phần mà không cần cải tiến sản phẩm, trực tiếp kìm hãm sự phát triển.

Cuối cùng, Bộ Tư pháp cho rằng Google đã và đang dùng thế độc quyền trên để tăng giá dịch vụ quảng cáo mình cung cấp.

Google khẳng định người dùng chủ động tìm đến mình

Về phần mình, Google cho rằng Apple và Mozilla tự nguyện tìm đến mình vì tính ưu việt của công cụ này, chứ không phải vì họ bị ép phải chia sẻ doanh thu hay các nguyên nhân khác.

Google cũng chỉ ra rằng các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows không được cài sẵn sản phẩm của Google khi xuất xưởng. Thay vào đó, họ được cung cấp các sản phẩm của Microsoft như trình duyệt Edge, công cụ tìm kiếm Bing

Tuy nhiên, người dùng vẫn chủ động cài đặt những phần mềm của Google dù không bị ai ép buộc vì thích chúng hơn.

Điều này cũng tương tự với việc người dùng có toàn quyền thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định trên các trình duyệt Internet, thậm chí thay đổi cả trình duyệt mặc định trên các điện thoại Android nhưng vẫn chọn gắn bó với Google.

Điều gì xảy ra nếu Google thua kiện?

Ông Sundar Pichai - giám đốc điều hành Google - sẽ là nhân chứng chủ chốt trong vụ kiện này - Ảnh: AFP

Ông Sundar Pichai - giám đốc điều hành Google - sẽ là nhân chứng chủ chốt trong vụ kiện này - Ảnh: AFP

Các nhà phân tích pháp lý dự đoán nếu thua kiện, viễn cảnh khả thi nhất sẽ là việc Google bị áp một số giới hạn kinh doanh. Ví dụ tiêu biểu trong đó là việc vô hiệu hóa các thỏa thuận nêu trên với Apple, Samsung, nhà mạng Verizon...

Nhìn xa hơn, Google sẽ ở tình cảnh giống Microsoft năm 1998. Khi ấy, Bộ Tư pháp đã thắng Microsoft trong vụ kiện công ty này độc quyền thị trường trình duyệt Internet trên máy tính Windows.

Chính Google đã hưởng lợi từ phán quyết trên. Những khó khăn Microsoft gặp phải vì thua kiện là điều kiện cho các công ty công nghệ như Google, Facebook... vươn lên trong những năm đầu thế kỷ 21.

Vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm

Bộ Tư pháp Mỹ sẽ có một tháng, tức đến khoảng giữa tháng 10, để trình bày quan điểm của mình trước tòa.

Sau đó, các nhân chứng sẽ cung cấp lời khai đến hết tháng 11. Kế tiếp, hai bên sẽ viết và gửi thẩm phán những lập luận, đề xuất của mình.

Thời điểm tuyên phán quyết hiện chưa được thống nhất, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2024.

Nếu Google thua kiện, một quy trình xét xử mới sẽ được mở ra để quyết định hình phạt cho họ. Trong trường hợp này, nhiều khả năng họ sẽ kháng cáo, khiến vụ kiện có thể sẽ chỉ được định đoạt trong nhiều năm tới.

Thêm 9 bang ở Mỹ kiện Google vì độc quyền quảng cáo sốThêm 9 bang ở Mỹ kiện Google vì độc quyền quảng cáo số

Alphabet - công ty mẹ của Google - bị Chính phủ Mỹ kiện vì lạm dụng lợi thế nhằm độc quyền kinh doanh quảng cáo số.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên