05/01/2021 09:40 GMT+7

Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng - Kỳ 2: Chọn lối sống khác

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Thu nhập trên 20 triệu đồng mỗi tháng, nhiều người trẻ hoàn toàn có thể tích cóp để mua nhà, xe, nhưng họ đã chọn một lối sống khác: lấy trải nghiệm là tài sản cuộc đời.

Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng - Kỳ 2: Chọn lối sống khác - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ chọn trải nghiệm, chọn những chuyến đi là tài sản thay vì dồn hết sức vào mục tiêu mua nhà, mua xe - Ảnh: NGÂN HÀ

"Nhà, xe tất nhiên ai cũng thích và tôi từng nghĩ mình cũng phải cố gắng mua nhà. Nhưng khi thấy bạn bè năm này qua năm khác vùi mặt đi làm, từ bỏ dần mọi thú vui cho một căn nhà thì tôi muốn lựa chọn con đường khác".

Trải nghiệm hay "vật chất"?

Đó là quan điểm của Nguyễn Hồng Quân (32 tuổi) - một chàng trai đang làm việc trong ngành truyền thông tại TP.HCM. Có công việc ổn định và thu nhập khá tốt ngay từ sau khi ra trường, Quân còn tự mở cửa hàng buôn bán riêng ở ngoài, nhưng thay vì tiết kiệm để có tiền rồi mua nhà trả góp thì anh… đi chơi.

"Khoảng 10 năm qua, trung bình tôi đi mỗi tháng một chuyến, cả những chuyến tốn kém khoảng 20-30 triệu đồng cho đến những chuyến chỉ 2-3 triệu đồng", anh kể. Với Quân, điều may mắn khi chọn cách sống này là anh đã tìm được một người đồng hành. Họ là bạn đồng hành trong tất cả những chuyến đi và đồng hành trong cả cách suy nghĩ về tiền bạc, về tài sản.

Là một cô gái làm việc đến quên ăn, quên ngủ với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, nhưng Hiền Ngân (27 tuổi) lại có một "lịch sử" nhảy việc khá thường xuyên. Trung bình cô chỉ làm một công ty từ 1-2 năm. Lý do là cô thường có những chuyến lang bạt kéo dài cả tháng trời và cô nghỉ việc để đi. 

"Tôi thường làm ở những công ty startup - kiểu công ty mà công việc thường rất nhiều và hầu như ngày nào cũng phải làm OT (over time - ngoài giờ). Nhưng "tuổi thọ" của công việc này cũng ngắn hơn, thường là 1-2 năm, nên có khi 2-3 tháng liền tôi chỉ vùi đầu vào công việc nhưng cũng có tháng tôi đi du lịch 2-3 chuyến", Ngân kể.

Ngân không thuộc típ những cô gái thích tiêu tiền vào việc mua vé, đặt phòng, mua máy ảnh, ống kính… để thỏa mãn đam mê đi nhiều của mình.

Mỗi người có một lựa chọn

"Thời của mình đâu còn giống như thời ông bà mình nữa. Đâu ai biết ngày mai sẽ như thế nào. Mua một căn nhà rồi cũng sẽ đâu bao giờ thấy đủ, mua nhà rồi sẽ mua xe, rồi đổi nhà, đổi xe. Cái guồng bất tận đó tôi đã nhìn thấy ở rất nhiều người. Nhưng có thể đó là mục tiêu sống của họ, họ thấy vui thì họ làm. Đó cũng là điều bình thường", Hồng Quân nói.

Mục tiêu sống của anh là được trải nghiệm nhiều cuộc sống khác nhau, nhiều nơi khác nhau và mang lại niềm vui cho cha mẹ. Sống ở đất nước "một bước lên xe", đi đâu dù xa gần cũng phải có xe máy, ôtô…, khi du lịch đến những nước khác, Quân đã làm quen với việc phải đi bộ, đi xe buýt và cảm thấy thích việc đó. 

Khi về lại thành phố, anh không còn muốn mỗi ngày phải lái xe chen chúc giữa kẹt xe, khói bụi và quyết định bán đi chiếc xe máy của mình. Với một người hay khóa cửa phòng rồi lang thang trong những chuyến đi có khi kéo dài đến nửa tháng, việc không có tài sản cũng có nghĩa là không có những nỗi lo bị trộm.

Khoản tiết kiệm lớn nhất của Quân là số tiền hiện tại hơn 100 triệu anh chuẩn bị để thay đổi nơi ở, công việc. Nhiều năm trước, anh đã có ý định về quê ở với cha mẹ một thời gian dài khi ông bà đau yếu. 

"Mấy năm trước khi bố mẹ còn khỏe, năm nào tôi cũng cùng bố mẹ đi du lịch Thái Lan, Indonesia… Lẽ ra còn dự định đi nữa mà mẹ tôi giờ đi lại khó khăn nên không đi thêm được nữa, nên kế hoạch về quê ở với bố mẹ cũng đến sớm hơn", anh kể.

Với Hiền Ngân, cô cũng không phải mẫu con cái giỏi giang mà các ông bố bà mẹ sẽ khoe với hàng xóm, nhưng nhiều năm nay cô vẫn cùng với chị gái gửi tiền về quê để mẹ trang trải nợ nần, chi tiêu. Mỗi lần nghỉ việc ở công ty là mỗi lần cô nhận được một tá câu hỏi: nghỉ xong em đi đâu, kế hoạch tiếp theo là gì?... 

"Đã từ lâu tôi từ bỏ thói quen lập kế hoạch chi tiết cho cuộc đời. Không còn mục tiêu như 27 tuổi có nhà, 30 tuổi phải có con… Nhưng điều này không có nghĩa là mất kiểm soát hay bất cần đời mà đơn giản là tôi thôi kỳ vọng mọi thứ sẽ diễn ra theo ý mình", Ngân chia sẻ. Những chuyến đi giúp cô mở rộng tầm mắt, nhìn thấy nhiều cơ hội hơn.

Không sợ phải thay đổi

Ngoài công việc chính thì Hiền Ngân cũng làm freelance (làm tự do) song song. Khi nghỉ việc và đi du lịch cô vẫn có thêm những dự án tự do để có thu nhập. "Đó cũng là ưu điểm của việc đi nhiều. Không có nhiều của để dành nhưng tôi không sợ phải thay đổi và biết làm thế nào để tồn tại khi phải thay đổi", Ngân nói. 

Bản thân Hồng Quân thì lại luôn cân nhắc, tìm hiểu rất nhiều về bảo hiểm du lịch, tai nạn. "Sức khỏe là thứ mà khi có rủi ro sẽ tiêu tốn nhiều tiền bạc nhất. Tôi luôn ý thức như vậy nên luôn khám sức khỏe tổng quát thường xuyên, ăn uống cẩn thận và mua bảo hiểm cho những chuyến đi xa, những chuyến trekking leo núi kéo dài hàng tuần của mình", anh chia sẻ.

Bạn có những câu chuyện thực tế bản thân trải nghiệm hoặc biết được liên quan đến việc "lỡ tay" chi tiêu quá đà hoặc có những bài học rút ra, hoặc có những "bí kíp" để quản lý việc chi tiêu hiệu quả muốn chia sẻ để mọi người tham khảo… có thể viết bài khoảng 900 chữ (kèm thông tin cá nhân và số điện thoại) gửi về tham gia diễn đàn qua email: nguyenthihuong@tuoitre.com.vn.

'Thắt lưng buộc bụng' vì COVID-19 - Kỳ 1: Cơm tự nấu, xài đồ cũ giá bèo

TTO - Đại dịch COVID-19 kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó cần kể đến một bộ phận không nhỏ bạn trẻ có thu nhập giảm sút, thậm chí cuộc sống một số bạn trở nên lao đao.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên