17/06/2007 20:44 GMT+7

Giới trẻ sẽ nhớ sử ta!

THANH THẢO - Theo Sài Gòn giải phóng
THANH THẢO - Theo Sài Gòn giải phóng

Trong một cuộc điều tra từ cuối năm 1990, với gần 2.000 đối tượng được hỏi ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, chỉ có 39% biết lai lịch của Hùng Vương, 65% biết Trương Định là ai, nhưng đa số biết rõ lai lịch của Michael Jackson, Maradona,.. Quả là một thực tế đáng buồn! (Nhà sử học Dương Trung Quốc).

Vấn nạn “mù” sử

Được biết, ở ta, việc giảng dạy lịch sử bắt đầu ngay từ những tháng đầu tiên trẻ cắp sách đến trường, kéo dài trong suốt 12 năm và cả ở đại học (ở một số ngành). Vậy mà, rất nhiều người vẫn không nhớ sử ta, trong khi có thể thuộc nằm lòng từ lịch sử đến dã sử Trung Hoa.

Theo các nhà giáo, nhà xã hội học, nhà sử học… có rất nhiều nguyên nhân, một trong các nguyên nhân chính là sách giáo khoa môn sử trong nhà trường hiện nay, dù đã có nhiều cải tiến, nhưng chữ vẫn quá nhiều so với hình, tài liệu trực quan hỗ trợ cho việc giảng dạy lại thiếu thốn, gây khó khăn cho việc dạy và học môn lịch sử - vốn có rất nhiều chuyện hấp dẫn trở nên khô khan, khiến giáo viên lẫn học sinh (HS) đều chán ngán. Thiếu vắng các phương thức tiếp cận hiện đại khác, lịch sử chỉ được tiếp nhận một chiều qua sách giáo khoa với những con số, thời gian, địa danh cằn cỗi, khô khan. Chính các giáo viên lịch sử cũng thừa nhận, để không bị cháy giáo án, họ phải chạy “bở hơi tai” theo chương trình, luôn phải giảng bài một cách tốc hành, không có thời gian đào sâu nội dung. Việc truyền thụ kiến thức một cách đơn điệu như thế đã để lại hậu quả như chúng ta đã biết.

Nguyên nhân tiếp theo là cho đến nay, lịch sử vẫn được xem là môn học phụ, HS bị buộc phải học, trừ những HS thi các khối có môn sử, đa số chủ yếu dồn sức vào các môn thời thượng như ngoại ngữ, toán, lý, hóa,… “Hiện tại ở các trường, lịch sử vẫn bị coi là môn học thuộc lòng đơn giản, điểm số môn lịch sử của các em hơn nhau ở khả năng… học vẹt, nhớ dai, chứ không phải ở khả năng tư duy” – một phụ huynh nói.

Từ Thần đồng đất Việt đến Truyện hay sử Việt

lgJPadu4.jpgPhóng to
Nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay và bước vào hè 2007, Công ty Phan Thị vừa cho ra mắt bộ tranh truyện đặc sắc Truyện hay sử Việt. Đây có thể xem như một tiếng nói, một kênh thông tin góp phần vào việc đưa kiến thức lịch sử tiếp cận một cách trực diện và hiệu quả đến thế hệ trẻ, một nỗ lực góp phần làm “mềm hóa” sử Việt, giữa thời buổi truyện thiếu nhi nước ngoài, sử nước ngoài, đặc biệt là sử Trung Quốc, tràn ngập thị trường sách thiếu nhi trong nước như hiện nay.

Chuyện xảy ra tại một chat-room: “Bạn có biết Đào Duy Từ là ai không?” – một chatter hỏi một bạn chat – và câu trả lời là: “Nick của Đào Duy Từ là gì, hắn đang chat ở server nào?”. Song cũng chính bạn trẻ ấy, khi được hỏi về thân thế và sự nghiệp của nữ ca sĩ Britney Spears của Mỹ lại kể vanh vách!

“Bộ truyện song ngữ Việt - Anh này dành cho lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên trong nước và cả con em người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba ở hải ngoại” - giám đốc Công ty Phan Thị - bà Phan Thị Mỹ Hạnh “bật mí” tham vọng của ban biên soạn bộ sách. “Chứng kiến các em say sưa với bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, tôi nghĩ thế hệ trẻ đâu có quay lưng với sử Việt. Nguyên nhân là do người lớn chúng ta đã thiếu sót trong cách truyền thụ kiến thức cho các em mà thôi” - bà Hạnh thêm.

Truyện hay sử Việt - như một trong những giải pháp để giải quyết nạn “mù” sử Việt trong thế hệ trẻ - sẽ tái hiện và bổ sung một cách sinh động những nội dung mà SGK lịch sử chưa nói hết, trang bị kiến thức về cội nguồn dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ nước, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và những giá trị văn hóa, tinh thần mà ông cha, cũng như các nhà khai sáng khác đã gầy dựng, gìn giữ bao đời, giúp HS tự giác tiếp cận lịch sử dân tộc mà không phải ép uổng. Học sử thông qua truyện tranh với nhiều chi tiết hư cấu thú vị (điều này cả thế giới đều áp dụng) sẽ giúp các em tiếp thu lịch sử một cách tự nhiên và hứng thú. Đây thực sự là bộ sách cuốn hút, bổ ích bởi tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc, chắc chắn sẽ được xã hội đồng tình, ủng hộ.

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nghị

“Các truyện đều có bố cục gọn gàng, nhẹ nhàng, tự nhiên và không gò bó; lời văn trôi chảy, dễ đọc và đặc biệt chuẩn xác về mặt văn phạm. Người đọc có thể thấy rõ mục đích giáo dục của từng câu chuyện, được trình bày một cách khéo léo, thông qua các sự kiện diễn ra mà không lộ liễu như những lời khuyên răn hay lên lớp. Ưu điểm này hẳn sẽ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn đối với các độc giả trẻ tuổi, vì tầng lớp này vốn thích đọc truyện hơn là những bài lên lớp, giáo điều – là cách giáo dục mà giới trẻ hiện nay rất… kỵ. Có thể nói đây là ưu điểm lớn nhất của bộ Truyện hay sử Việt của đơn vị làm sách Phan Thị.

Đây là một cách làm rất đáng trân trọng, cần được khuyến khích và tiếp tục. Thế hệ trẻ VN đang rất cần hiểu biết lịch sử của nước nhà, hiểu để yêu thương và trân trọng đất nước, dân tộc mình”.

THANH THẢO - Theo Sài Gòn giải phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên