16/01/2020 10:24 GMT+7

Giới quan sát bất ngờ trước diễn biến mới trên chính trường Nga

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Khi toàn bộ chính phủ Nga tuyên bố từ chức ngày 15-1, ngay cả những chuyên gia kỳ cựu về điện Kremlin cũng cảm thấy bất ngờ, Đài CNN nhận định.

Giới quan sát bất ngờ trước diễn biến mới trên chính trường Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin (bìa phải) và Thủ tướng Medvedev (giữa) dự cuộc họp với các thành viên chính phủ tại Matxcơva ngày 15-1 - Ảnh: REUTERS

"Tạo thuận lợi cho tổng thống"

Trong ngày 15-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố kế hoạch triển khai những cải cách mới dự kiến sẽ giảm bớt quyền lực của tổng thống từ nhiệm kỳ tới. Theo kế hoạch cải tổ này, quyền lực được phân bổ theo hướng quốc hội và thủ tướng Nga được trao quyền lớn hơn.

Ông Putin đã cảm ơn những thành viên chính phủ vừa tuyên bố từ nhiệm vì đóng góp của họ trong công việc, tuy nhiên cũng nói thêm là "không phải mọi thứ đã được giải quyết".

Trong hai năm qua, tỉ lệ ủng hộ ông Putin có sự giảm sút, một phần do những cải cách lương hưu còn gây tranh cãi trong công chúng và tăng trường kinh tế còn đình trệ.

Dù vậy, khi toàn bộ chính phủ Nga, dẫn đầu là thủ tướng đương nhiệm (cũng là cựu tổng thống Nga), ông Dmitry Medvedev, tuyên bố từ chức, phần đông giới quan sát vẫn cho rằng đây không phải là động thái phản ứng lại những đề xuất cải cách của ông Putin.

Trong thông cáo về quyết định từ chức của chính phủ, Thủ tướng Dmitry Medvedev nói rõ họ làm như vậy để tạo thuận lợi hơn cho Tổng thống Putin.

Ông Medvedev nói tổng thống đã "vạch ra một số những thay đổi căn bản với hiến pháp", và "trong bối cảnh này, hiển nhiên là chúng tôi, trong tư cách chính phủ… nên tạo cơ hội cho tổng thống và đất nước chúng ta đưa ra mọi quyết định cần thiết cho vấn đề này".

Những thay đổi hiến pháp theo đề xuất của ông Putin sẽ bao gồm việc phân chia lại quyền lực quản trị đất nước, trao cho quốc hội quyền bổ nhiệm thủ tướng và thủ tướng sẽ có quyền bổ nhiệm, thành lập một nội các để trình quốc hội phê chuẩn.

Nguyên văn tuyên bố của ông Putin nêu: "Trong trường hợp này, tổng thống sẽ buộc phải bổ nhiệm họ, vì ông ấy sẽ không có quyền từ chối các ứng cử viên đã được quốc hội phê chuẩn".

Kịch bản 2008 tái diễn?

Theo quy định của Hiến pháp Nga, ông Putin không được phép tái tranh cử tổng thống khi nhiệm kỳ hiện nay của ông kết thúc năm 2024. Tuy nhiên hiến pháp Nga không có quy định nào ngăn cản ông trở thành thủ tướng, giống như điều từng diễn ra năm 2008, khi ông và ông Medvedev tráo đổi vị trí cho nhau trong 4 năm.

"Theo quan điểm cá nhân tôi, đây vẫn là một sự dàn xếp giữa ông Putin và ông Medvedev", ông Valeriy Akimenko, chuyên gia phân tích các vấn đề Nga kỳ cựu hiện đang làm việc cho Trung tâm nghiên cứu xung đột (có trụ sở tại Anh), nhận xét.

"Ông Medvedev không phải một nhân vật độc lập dù hình dung theo cách nào đi nữa, và cũng chưa từng có động thái phản lại ông Putin trong suốt thời gian ông Medvedev làm tổng thống. Cũng giống với tình huống năm 2008, chuyện này có vẻ là sự đồng thuận với nhau giữa hai người", chuyên gia Akimenko tiếp.

Không phải mọi chuyên gia đều tin rằng rốt cuộc thì chắn chắn ông Putin sẽ tự thiết lập vị trí thủ tướng cho ông sau khi mãn nhiệm kỳ năm 2024.

Ông Oleg Ignatov thuộc Trung tâm chính sách hiện hành, một tổ chức nghiên cứu tại Matxcơva, chỉ ra việc ông Putin cũng đã nói về sự thay đổi vai trò được quy định trong hiến pháp của Hội đồng nhà nước Nga, một cơ quan cố vấn cho nguyên thủ đất nước, một tín hiệu theo ông có thể báo trước về vai trò mới của nhà lãnh đạo này khi rời ghế tổng thống.

"Có những đồn đoán cho rằng ông Putin có thể lãnh đạo Hội đồng nhà nước (theo mô hình mới) chứ không phải trở thành thủ tướng mới", ông Ignatov chia sẻ quan điểm với Đài CNN.

"Nếu điều này xảy ra, có thể những quan điểm của ông ấy sẽ là những quan điểm mang tính quyết định cuối cùng. Ông ấy sẽ không quan tâm tới các chi tiết kỹ thuật, nhưng mọi thứ sẽ thuộc quyền kiểm soát của ông ấy", chuyên gia này phân tích về giả thuyết.

Chuyên gia Akimenko cũng đồng tình cho rằng kiểu vai trò này có thể tạo lợi thế cho ông Putin: "Vai trò tương lai trong Hội đồng nhà nước hiện vẫn chưa được định rõ, nhưng đó có thể là vị trí người cầm trịch, điều này có nghĩa khi xảy ra tranh cãi, Hội đồng Nhà nước có thể có tiếng nói cuối cùng", ông Akimenko nói.

Tuy nhiên chuyên gia này vẫn thiên về khả năng ông Putin sẽ trở thành thủ tướng hơn.

Bên cạnh những nhận định phỏng đoán về lộ trình chính trị tiếp theo của ông Putin sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống năm 2024, cũng có những ý kiến cáo buộc ông Putin đang tìm cách thâu tóm quyền lực, trong đó có quan điểm của ông Alexi Navalny, thủ lĩnh phe đối lập vốn có tiếng nói phản biện mạnh mẽ nhất trước nay với tổng thống đương nhiệm Nga.

Trong thông tin đưa lên tài khoản Twitter, ông Alexi Navalny cho rằng ông Putin đang nung nấu tham vọng "trở thành nhà lãnh đạo duy nhất suốt đời, nắm quyền sở hữu toàn đất nước".

Sửa đổi hiến pháp giúp ông Putin thâu tóm quyền lực? Sửa đổi hiến pháp giúp ông Putin thâu tóm quyền lực?

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mở đường cho ông nắm quyền "trọn đời".

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên