18/01/2019 19:15 GMT+7

Giáo sư Nguyễn Gia Bình: 'Hoàng Công Lương ra y lệnh đúng'

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
VŨ TUẤN - DANH TRỌNG

TTO - Giáo sư Nguyễn Gia Bình, chuyên gia chống độc ngành hồi sức và chống độc, khẳng định y lệnh của các bác sĩ trong ca trực cấp cứu các nạn nhân gặp sự cố chạy thận là đúng.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Hoàng Công Lương ra y lệnh đúng - Ảnh 1.

Bị cáo Haoàng Công Lương tại phiên tòa chiều 18-1 - Ảnh: DANH TRỌNG

Trả lời các câu hỏi của HĐXX và các luật sư tại tòa chiều 18-1, giáo sư Nguyễn Gia Bình - chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam - đưa ra tài liệu dẫn chứng và khẳng định "cách xử trí của bác sĩ, điều dưỡng trong ca trực là đúng và phù hợp với các quy trình Bộ Y tế đã ban hành".

Nhân viên y tế đều biết phác đồ cấp cứu phản vệ

Theo ông Bình, các triệu chứng, biểu hiện của các bệnh nhân thời điểm đó và tất cả các trường hợp phản vệ do nhiễm độc giống nhau. Ở từng cấp độ có thể đưa ra phác đồ điều trị phản vệ ngay.

Nguyên nhân dẫn đến phản vệ có thể được xác định sau nhưng cách xử trí cấp cứu giống nhau.

Ông Bình cho hay thông thường khi gặp các trường hợp phản vệ (chưa phải sốc phản vệ) phải sử dụng thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Nhẹ thì mẩn ngứa, nặng hơn một chút thì khó thở, chóng mặt… nặng hơn nữa là trụy mạch.

Lúc đó là ở tình trạng sốc phản vệ, rất nguy hiểm, có thể tử vong ngay.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Hoàng Công Lương ra y lệnh đúng - Ảnh 2.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình (giữa) khẳng định bị cáo Hoàng Công Lương không có sai sót chuyên môn - Ảnh: DANH TRỌNG

"Cách cấp cứu phản vệ trên thế giới đều giống nhau. Bộ Y tế đã đưa ra quy trình để cấp cứu phản vệ và không chỉ bác sĩ mà tất cả các nhân viên y tế đều phải biết phác đồ này. Thậm chí, ở một số bệnh viện còn tập huấn cả quy trình này cho những người lái xe" - ông Bình nói.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc bác sĩ trong ca trực đã dùng thuốc adrenalin để cấp cứu các bệnh nhân nhưng loại thuốc này chống chỉ định đối với những người suy thận, giáo sư Nguyễn Gia Bình khẳng định adrenalin là "thuốc tuyệt đối cho cấp cứu phản vệ".

Ông khẳng định loại thuốc này không được dùng cho người suy thận nhưng trong trường hợp cấp cứu phản vệ lại là thuốc bắt buộc phải dùng.

Luật sư dẫn chứng 2 trường hợp nạn nhân phải cấp cứu ngày 29-5-2017 tự ý rút kim, không dùng adreamin và trốn viện về nhà. Sau đó điều trị lọc máu ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã phục hồi sức khỏe.

Giáo sư Bình giải thích trường hợp tự đi được về nhà là trường hợp bị nhiễm độc ở cấp độ rất nhẹ. Còn các nạn nhân khác ở mức độ nặng hơn nên không thể suy ra việc dùng adrenalin của các bác sĩ làm tình trạng của nạn nhân xấu đi.

"Người cung cấp dịch vụ" phải chịu trách nhiệm chất lượng nước

Trả lời tại tòa, TS.BS Nguyễn Hữu Dũng - trưởng khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết theo quy trình đảm bảo chất lượng nước ở Bệnh viện Bạch Mai, vào tất cả buổi sáng trước khi chạy thận, kỹ thuật viên phải kiểm tra nguồn nước. Điều này là bắt buộc.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, hỏi ông Dũng về việc có quy trình vận hành hệ thống lọc nước RO không. Ông Dũng khẳng định chắc chắn có và cho biết người chịu trách nhiệm về nguồn nước thuộc về đơn vị cung cấp máy.

Chỉ cần bộ phận vệ sinh, sục rửa đường ống RO xong thì bác sĩ có thể ra y lệnh cho chạy thận.

"Về nguyên tắc, người sửa chữa phải đảm bảo nguồn nước an toàn để tiến hành lọc máu. Khi điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên thông báo đã sửa xong thì bác sĩ có thể ra y lệnh", ông Dũng nói.

Đại diện Viện Kiểm sát TP Hòa Bình truy vấn, khi ra y lệnh, bác sĩ có phải xác minh lại các thông tin không hay chỉ cần biết ai phụ trách nguồn nước nếu có sai sót thì người đó chịu trách nhiệm.

Ông Dũng cho rằng trong quy trình chạy thận mặc định người cung cấp nước phải đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Hoàng Công Lương ra y lệnh đúng - Ảnh 3.

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: DANH TRỌNG

Ông Phạm Minh Thông - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới theo Đề án 1816 của Bộ Y tế.

Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 5 kỹ thuật liên quan đến lọc máu, trong đó có kỹ thuật xử lý nước. Tất cả đều đúng quy trình của Bộ Y tế.

"Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao cho các bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Hòa Bình về nguyên lý lọc máu, đào tạo về lý thuyết và thực hành. Sau mỗi khóa đào tạo, phía Bạch Mai đều chấm điểm các học viên. Mỗi chương trình chuyển giao kỹ thuật đều có một kíp học. Bệnh viện Hòa Bình cử cán bộ đi học khá đông" - ông Thông nói.

Khoa thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai có bố trí kỹ thuật viên chuyên trách về nước. Người này có thể là điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên được trưởng khoa thận phân công và được giám đốc bệnh viện đồng ý.

Còn với các bệnh viện tuyến dưới được chuyển giao, nhiệm vụ xử lý nước do lãnh đạo bệnh viện phân công.

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên