19/02/2019 11:32 GMT+7

Giáo hội sẽ có văn bản về 'dâng sao giải hạn'

TẤN KHÔI - HỮU TÌNH  thực hiện
TẤN KHÔI - HỮU TÌNH thực hiện

TTO - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Giáo hội sẽ có văn bản về dâng sao giải hạn - Ảnh 1.

Chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) đón khách hơn 8.000 người vào ngày 10-2-2019 nhưng nhờ có tình nguyện viên, chùa vẫn giữ được sự trang nghiêm, nề nếp - Ảnh: LƯƠNG ĐÌNH KHOA

Hòa thượng chia sẻ: "Dâng sao giải hạn là truyền thống dân gian, ảnh hưởng của Trung Quốc, còn trong đạo Phật không có. Trong tinh thần Phật dạy thì tất cả chúng sanh phải tự thay đổi ý thức, hành vi của mình để chuyển nghiệp chứ không dâng sao giải hạn. Kể cả cầu an thì điều chính yếu vẫn là ở mình chứ không lệ thuộc vào Đức Phật".

thay

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu

* Nếu đã nói cúng sao giải hạn không phải của Phật giáo, vậy sao nhà chùa vẫn duy trì và thực hiện hằng năm khiến sinh hoạt nơi thiền môn bị pha tạp, lẫn lộn?

- Như tôi nói khi nãy, dù không phải của nhà chùa nhưng văn hóa đó ảnh hưởng sâu rộng trong người dân. Đó là nhu cầu tinh thần của nhân dân nên trong một giai đoạn lịch sử, nhà chùa đáp ứng nhu cầu này như phương tiện giúp người dân tới chùa, thực hiện việc đó xong thì hướng dẫn họ dần bỏ mê tín để có chánh tín, tự lực vượt thoát mê mờ trong mình nhờ sự tu học.

Theo tôi, đã đến lúc nhà chùa cần truyền đạt cho người dân hiểu rõ về giáo lý nhà Phật, biết cách tu tập để giúp đời, giúp người, hướng người dân làm việc thiện - dần bỏ đi các ý niệm sai lệch về cúng bái, lệ thuộc "dâng sao giải hạn" hoặc cúng lễ nhiều tiền của để giải nạn mà tập trung làm việc từ thiện (tích phước). Khi phước tăng thì nghiệp xấu giảm, từ đó bình an. Khi mình tạo được điều tốt mới đủ điều kiện tiếp xúc với năng lượng an lành, phải nhớ như vậy!

* Phật dạy an hay không do mình, nhiều chùa lại không nói rõ như thế còn tổ chức dâng sao giải hạn, thậm chí ra giá thu tiền, hòa thượng nghĩ việc này có đúng không?

- Giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Muốn chuyển nghiệp thì phải tu đúng với chính pháp, dừng nghiệp xấu ác, làm việc thiện, giúp đỡ nhiều người. Đến chùa dâng lễ có người cúng tiền, nhưng đây là tùy tâm, nhà chùa không nên bắt buộc là bao nhiêu tiền, nhà chùa cũng không nên quy định mức tiền cúng là bao nhiêu.

Việc nhà chùa thu tiền bằng định giá như vậy là không đúng, chùa phải là nơi làm việc thiện, hướng dẫn mọi người sống tốt đẹp.

* Với những gì báo chí phản ánh, dư luận quan tâm, những học giả chia sẻ, giáo hội sẽ xử lý hiện tượng này ra sao? Trong tương lai giáo hội sẽ làm gì để giải quyết dứt điểm vấn nạn này?

- Giáo hội sẽ có những công văn gửi ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN các tỉnh, tỉnh sẽ gửi huyện và huyện sẽ gửi tới các chùa về nội dung vừa qua các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng phản ánh.

Trung ương Giáo hội đề cao tinh thần trách nhiệm của chư tôn đức tăng ni hướng dẫn đồng bào phật tử sinh hoạt đúng chính pháp. Cũng như năm trước, giáo hội đã ra công văn đề nghị bỏ tục đốt vàng mã.

* Có nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo cần chấn hưng nhiều phương diện, hòa thượng nghĩ sao về ý kiến này?

- Những gì sai lệch thì cần phải chấn hưng, Phật giáo luôn phải chuyển mình cho phù hợp với xu thế. Giáo hội sẽ lắng nghe để đổi mới trong tổ chức, trong công tác đào tạo tăng ni, trong hình thức sinh hoạt tâm linh và truyền bá chính pháp nhưng vẫn phát huy được bản sắc Phật giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc...

Tự kiến tạo bình an

Đại đức Thích Chúc Ngộ, trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Nông Sơn, trụ trì chùa Viên Minh (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam), cho biết "chùa không dâng sao giải hạn chi hết", đầu năm khai kinh Dược Sư tụng như mọi ngày, cũng không đọc tên cầu an, không coi ngày giờ tốt xấu vì phạm vi của thầy tu là hướng dẫn phật tử bớt tham, bớt chấp, không có lý do gì lại tạo thêm cho họ những niềm tin sai lệch.

"Mình không thể hướng dẫn phật tử làm việc khiến họ không có chánh tín. Chánh tín phải là tin vào nhân quả, tự kiến tạo bình an cho mình, việc xấu nếu có tới phải hiểu là do mình đã gieo tạo trước đó, giờ phải nhận, vui vẻ nhận thì sẽ thấy không còn đau hay khổ nữa".

Theo thầy Thích Chúc Ngộ, nếu kiên quyết vậy, chùa mình sẽ ít người tới hơn nhưng nếu đáp ứng mãi nhu cầu không đúng thì người tu lẫn người mới biết chùa, phật tử đều sai hết, không theo lời Phật dạy.

LƯU ĐÌNH LONG

Từ 400.000 đến 5 triệu đồng... cầu an

Chùa Quán Sứ (Hà Nội) thông báo tổ chức 6 buổi lễ cúng giải hạn trong tháng giêng này. Nơi đây cũng chính là trụ sở của Giáo hội Phật giáo VN. Chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Bà Đá (Hà Nội) do một lãnh đạo của Giáo hội VN trụ trì đều nhiều năm tổ chức lễ cầu an, giải hạn.

Ông Quang, giúp việc tại chùa Lý Triều Quốc Sư, cho biết năm nay nhà chùa đã tổ chức 5 buổi lễ cầu an cho gần 2.000 gia đình với giá 400.000 đồng/gia đình. Ngày 18-2, một phụ nữ đến chùa đăng ký làm lễ cầu an, ông Quang cho biết nhà chùa đã tổ chức xong các lễ cầu an theo kế hoạch, nhưng nếu gia đình nào có nhu cầu thì ông sẽ nhờ thầy cúng riêng một buổi với giá 5 triệu đồng.

Đặc biệt, ngôi chùa Phúc Khánh là "điểm nóng" nhất về nạn dâng sao giải hạn cũng do một lãnh đạo của Giáo hội VN trụ trì.

Phóng viên Tuổi Trẻ cố gắng liên hệ với thượng tọa trụ trì chùa Phúc Khánh để tìm câu trả lời về việc nhiều năm qua ngôi chùa này trở thành "điểm nóng" về dâng sao giải hạn, nhưng thượng tọa không trả lời các cuộc gọi và tin nhắn của phóng viên.

THIÊN ĐIỂU

Xua tan quan niệm đến chùa là để cầu xin

Tuổi Trẻ ghi nhận chia sẻ của các phật tử xung quanh câu chuyện đi chùa như thế nào để mái chùa thật sự là ngôi nhà tâm linh cho mọi người nhắc mình tu sửa, tự kiến tạo bình an...

Đến chùa để sửa mình

pham nghia

Việc ý thức và loại trừ mê tín thiết nghĩ đến từ sự chung tay của nhiều chùa mới giúp thay đổi tư duy bám rễ nhiều năm. Theo tôi, đến chùa không nên để cầu xin mà cần tìm học hỏi để sửa mình, rèn luyện, tìm được cho mình lý tưởng sống tốt đẹp. Một số ngôi chùa lớn ở TP.HCM đã tổ chức các khóa tu học, hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa như chùa Giác Ngộ, chùa Hoằng Pháp, pháp viện Minh Đăng Quang, tu viện Khánh An... Điển hình tại chùa Giác Ngộ (quận 10) mỗi tuần tổ chức đều đặn các khóa tu dành cho mọi đối tượng. Những thông điệp sống đẹp được truyền tải một cách sâu sắc qua các khóa tu giúp mọi người sống ý nghĩa hơn, biết sẻ chia yêu thương và hạnh phúc với tha nhân. Tu là dẹp bỏ tham sân si, cống hiến nhiều lợi lạc cho tha nhân, đó mới là gốc rễ của hạnh phúc.

Phật tử, người dẫn chương trình PHẠM NGHĨA (TP.HCM)

Tin vào luật nhân quả

luong dinh khoa

Tôi thường xuyên ghé chùa Địa Tạng Phi Lai (Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam). Thầy trụ trì chùa - đại đức Thích Minh Quang luôn truyền thông tới phật tử những thông điệp về nét văn hóa khi đến chùa một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc, khiến nơi đây trở thành chốn tịnh độ thực sự, mọi người đến chùa ai cũng cảm nhận được sự an lạc cho tâm hồn mình.

Trong các sự kiện như Chợ tết quê đầu năm, Đại lễ Phật đản, Khóa tu mùa hè, Đại lễ Vu lan… các thầy luôn nhắn nhủ rằng: Cuộc sống được chi phối bởi luật nhân quả - nên không thể có chuyện gài vào nải chuối, cài vào tượng Phật tiền dù ít dù nhiều mà lại có được những điều mình mong muốn. Các câu chuyện dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng gửi gắm nhiều thông điệp về luật nhân quả cũng được các thầy kể, giúp mọi người xua tan quan niệm đến chùa là để cầu xin.

Cá nhân tôi mong mỗi người nhận thức được rằng: Phật không nằm ở tượng gỗ, tượng đồng trong chùa.

Chùa, tượng chỉ là nơi để ta nhiếp tâm vào cảnh, vào tượng, gặp gỡ quý thầy để tìm thấy sự an vui và được truyền cảm hứng sống tích cực. Còn Phật có ở trong mỗi chúng ta, ở những hành vi được sửa đổi từng ngày để chính mình tiến bộ, tốt đẹp hơn chính mình của ngày hôm qua, và giúp cộng đồng xung quanh cũng tốt đẹp lên.

Nhà thơ, phật tử LƯƠNG ĐÌNH KHOA (Hà Nội)

L.Đ.L. ghi

Chấn hưng văn hóa đi chùa: Làm sao dẹp nạn trục lợi tâm linh? Chấn hưng văn hóa đi chùa: Làm sao dẹp nạn trục lợi tâm linh?

TTO - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, để dẹp nạn cuồng tín cầu cúng dâng sao giải hạn, vai trò quan trọng nhất thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TẤN KHÔI - HỮU TÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên