Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi, PGS.TS PHAN THANH BÌNH - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - có cuộc đối thoại cùng Tuổi Trẻ về câu chuyện gieo mầm cho thế hệ tương lai, bắt đầu từ giáo dục.

M

ôi trường giáo dục năm qua có nhiều chuyện buồn, từ tiêu cực thi cử đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong nhà trường... Cuộc đối thoại bắt đầu từ câu chuyện thể thao mà cũng là giáo dục: bóng đá VN vô địch AFF.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 1.

- Trước hết là từ hình ảnh HLV Park Hang Seo, càng thấy rõ vai trò của người thầy rất quan trọng. Trong đào tạo bóng đá cũng như trong giáo dục, người thầy với ba điểm nổi bật: phải thực sự có chuyên môn, hiểu từng học trò và phải thể hiện văn hóa người thầy. Qua thành tích mà bóng đá VN đạt được trong năm 2018, chúng ta thấy rõ ông Park Hang Seo đúng là bậc thầy về chuyên môn.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 2.

Nhưng chỉ điều đó thôi là chưa đủ. Sau chức vô địch giải Đông Nam Á vừa qua, chúng ta đọc trên mạng thấy rất nhiều người bày tỏ lời cảm ơn tới ông "bầu" Đức và những người say mê bóng đá đã đặt nền tảng cho thành tích hôm nay từ sự đầu tư bài bản cho một thế hệ cầu thủ từ nhiều năm trước, khi các em còn măng non. Chính sự kết hợp giữa người thầy hôm nay với một nền tảng giáo dục - đào tạo bài bản mà chúng ta đã xây dựng được một đội bóng có phong cách, có văn hóa. 

Đó là hình ảnh cầu thủ cõng bạn bị chấn thương ra sân, hay khi mừng chiến thắng ở trận đấu quan trọng người đá chính lại khoác trên mình chiếc áo mang tên cầu thủ không được tung ra sân... Và chúng ta rất cảm động về tình huống khi được một doanh nghiệp trao tặng 100.000 USD sau chiến thắng, ông Park đã dành số tiền đó tặng lại người nghèo và phát triển bóng đá VN.


Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 3.
Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 4.

- Có sự khác biệt giữa nền giáo dục đã tồn tại nhiều năm qua và một nền giáo dục chúng ta đang hướng tới. Lâu nay, có vẻ chúng ta cố gắng đào tạo con người phát triển theo khuôn mẫu hoàn chỉnh, nhưng giáo dục thực sự phải để con người phát triển là chính họ, "anh là anh, tôi là tôi", từng người được giáo dục để hiểu được chính mình, khai thác thế mạnh của mình và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 5.
Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 6.

- Giáo dục đang chuyển đổi với nhiều sức ép. Đầu tiên là sự lựa chọn của từng gia đình. Kế đến, sự phát triển kinh tế đang đặt ra những nhu cầu khác với giáo dục để phù hợp với nó. Nhưng thực tế kinh tế đã đi khá xa theo hướng kinh tế thị trường, còn giáo dục lại đi hơi chậm. Thế mới có chuyện đôi khi trường tư nhanh nhạy, bắt "khớp" với thị trường hơn trường công, người có trình độ vừa phải lại "khớp" với thị trường hơn người học cao.

Bản thân ngành giáo dục có dám bỏ thành tích đi không. Cuối cùng là những tác động từ bên ngoài trong xu thế hội nhập, cái gì hay của thế giới liệu đã phù hợp ngay với điều kiện Việt Nam?

Nhưng nên nhớ là hiện chưa thay đổi chương trình phổ thông mới. Bộ GD-ĐT từng công bố lộ trình đến năm 2019 sẽ triển khai chương trình mới nhưng để chuẩn bị chu đáo hơn, rất có thể đến năm 2020 chương trình mới bắt đầu được. Hiện nay, chúng ta vẫn đang thực hiện chương trình cũ với mục tiêu đi theo "con người hoàn chỉnh".

Còn ở chương trình giáo dục phổ thông tốt như nhiều nước phát triển đang làm và cũng là chương trình mà chúng ta đang cố gắng xây dựng sẽ hướng đến phát huy năng lực, năng khiếu và tố chất của từng đứa trẻ, phát huy tính nhân văn trong mỗi người. Việc đổi mới chương trình không dễ nhưng có thể thấy ngay thời điểm này, dù chương trình mới chưa "ra mắt" nhưng việc dạy - học trong nhà trường cũng đang có những chuyển động, có những bắt nhịp theo tinh thần mới.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 7.

Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", nhưng hiện nay vẫn còn ý kiến khác. Có ý kiến sợ lộn xộn nếu nhiều bộ sách. Cũng có ý kiến tin tưởng nếu mở ra, có sách chất lượng kém thì cũng ắt có bộ sách tốt để người học, trường học lựa chọn, chỉ là chúng ta có dám chấp nhận không. Có nhà khoa học nói mở ra là rất tốt, nhưng cũng băn khoăn như thế có quản lý được hay không...

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 8.

Thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới thế nào chắc chắn sẽ bị/chịu chi phối, tác động của nhiều yếu tố. Đó là nhận thức kinh tế - xã hội có chấp nhận bung ra không, thay đổi thói quen hay không. Đó là tác động kinh tế, chi phí đào tạo sẽ đắt hơn vì chương trình mới phát triển theo cá nhân từng người một, xưa tất cả học giống nhau, còn nay mỗi học sinh sẽ được phát triển theo năng lực riêng mình. Đó là sự đấu tranh của chính bản thân ngành GD-ĐT giữa cái tốt và những cái còn chưa trọn vẹn.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 9.

- Đúng là trong quá trình chuyển đổi, giáo dục chưa hoàn toàn thuyết phục, làm cho xã hội băn khoăn. Giáo dục là một dịch vụ của lòng tin, nhưng nay chính lòng tin của xã hội vào giáo dục đang bị giảm sút. Khi tin ông thầy, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn.

Vậy nên chúng tôi kỳ vọng nhưng cũng rất lo cho chương trình mới. Năm 2019, rồi đến cả 2020 liệu có xong không? Không phải lo không kịp thời gian, mà lo không xong ở khía cạnh xây dựng được một chương trình đúng bản chất, đúng mục tiêu của nền giáo dục đổi mới, hướng đến phát triển năng lực người học.


Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 10.
Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 11.

- Có đi thì có đến. Không làm thì khi nào mới làm, khi nào mới thay đổi? Tất nhiên không thể lấy học sinh ra làm thí nghiệm. Đó là lý do ban đầu lộ trình áp dụng chương trình mới từ năm 2018, nhưng ủy ban giám sát thấy chưa "chín" nên kiến nghị phải lùi lại. Hiện chúng tôi cũng đã yêu cầu bộ công bố lộ trình thực hiện rõ ràng và sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình mới.

Thực ra cái gì thuộc về chân lý rất giản đơn. Sự đổi mới đôi khi nằm ở ngay trong những chương trình đơn giản, nhưng với điều kiện môi trường giáo dục và người thầy đúng nghĩa.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 12.

- Nền giáo dục đang chuyển đổi và bộc lộ những khoảng cách giữa cũ và mới, xưa và nay. Vấn đề là xã hội, nhà trường và chính gia đình có chấp nhận và sẵn sàng thay đổi hay không. Trong bối cảnh còn tranh luận đó, sức thuyết phục của nền giáo dục hiện tại lại chưa đủ để tạo bứt phá.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 13.

Như đã nói, tôi rất kỳ vọng nhưng cũng rất lo về chương trình mới vì nó là cái cơ bản nhất. Trong đó người thầy giữ vai trò quan trọng vì đó là người truyền đạt những tri thức mới, phương pháp tiếp cận mới. Nhưng người thầy đã đủ sức để chấp nhận học trò phát triển theo năng lực? Mỗi em có một suy nghĩ và phát triển theo hướng riêng thì có chấp nhận không, hay lại ép buộc để theo cách của mình đã lập trình sẵn?

Giáo dục ở nước ngoài không phải đã hoàn hảo hết đâu, nhưng điều xuyên suốt là họ tạo được môi trường giáo dục tự chủ. Trong khi chúng ta chủ trương truyền thụ cho học sinh một lượng lớn kiến thức mà trò bắt buộc phải theo thầy, các nước phát triển lại định hướng thầy dạy trò hiểu các em cần gì và sau này chính trò tự tìm hiểu. Đôi khi tôi thấy mình không cần phải thay đổi nhiều chương trình đâu, vấn đề là cách dạy của người thầy.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 14.

Giáo dục là sự phát triển, đập đi làm lại là hỏng. Giáo dục luôn cần sự tiếp nối.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 15.

- Luật giáo dục sửa đổi mở ra nhiều thay đổi. Đầu tiên là tạo môi trường để học sinh phát triển năng lực, tự chủ. Tiếp đến là tinh thần học suốt đời, mọi người được tạo điều kiện để học lúc nào cũng được, liên thông thuận lợi... Đặc biệt, quản lý nhà nước mở đường cho tư thục và công lập cùng phát triển bình đẳng vì sự thịnh vượng chung của đất nước.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 16.

Gần đây có nghiên cứu trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh thành của các giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho kết quả đến 28% sinh viên có nguy cơ bỏ học khi tăng học phí. Điều này một lần nữa cho thấy trách nhiệm của Nhà nước với giáo dục, không phải bao cấp như trước nhưng phải đảm bảo các điều kiện cơ bản để học sinh, sinh viên được học tập. Các trường được bình đẳng và người học cũng cần được bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục.

Tôi muốn phải luật định rõ ràng: phổ cập giáo dục và phổ cập giáo dục bắt buộc. Trong đó phổ cập giáo dục bắt buộc ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước cũng như sự chăm lo của gia đình đến người học. Hiện nay, Việt Nam quy định phổ cập đến lớp 9, nhưng thực tế Nhà nước chưa lo đủ các điều kiện phổ cập đến mức này. Cần rõ ràng Nhà nước lo được đến lớp mấy, giáo dục phổ cập đến lớp mấy. Chứ không thể nói phổ cập đến lớp 9 nhưng không rõ Nhà nước lo đến đâu và gia đình lo đến đâu trong mục tiêu phổ cập này.

Nếu là phổ cập bắt buộc thì xã hội phải được yên tâm là có Nhà nước lo đến nơi đến chốn. Các nước phát triển có thể lo cho học sinh đến lớp học, bậc học cao hơn. Còn với điều kiện cụ thể của Việt Nam nên phổ cập bắt buộc đến lớp 5. Không thể để các em thấy sự bất bình đẳng trong nhà trường, không thể lớp này học phòng máy lạnh, lớp kia học phòng quạt máy. Còn nếu gia đình nào có điều kiện học trường quốc tế thì đó là lựa chọn riêng.

Mức đầu tư của Nhà nước dành cho các lớp học trên giảm dần so với bậc phổ cập bắt buộc, nhưng nhất định không được buông.

Giáo dục gieo mầm tương lai - Ảnh 17.
NGỌC HÀ & LÊ KIÊN
KIỀU NHI & TƯỜNG VY
BẢO SUZU

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên