22/04/2024 15:50 GMT+7

Giảng viên làm máy sấy đa năng, tiết kiệm điện bán ra cả nước

Từ đề tài đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ThS Phan Văn Hiệp, giảng viên khoa kỹ thuật - công nghệ Trường đại học Văn Hiến, đã sáng chế thành công máy sấy đa năng xài năng lượng mặt trời.

Thầy Phan Văn Hiệp (bìa phải) với thành phẩm cá điêu hồng sấy khô - Ảnh: NVCC

Thầy Phan Văn Hiệp (bìa phải) với thành phẩm cá điêu hồng sấy khô - Ảnh: NVCC

Vào năm 2017, thầy Phan Văn Hiệp đã nghiên cứu chế tạo thành công máy sấy cá sặc rằn ứng dụng năng lượng mặt trời cho Hợp tác xã thủy sản Tương Lai (huyện Củ Chi, TP.HCM) theo đơn đặt hàng.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của tài nguyên nông nghiệp và nguồn năng lượng mặt trời, thầy Hiệp bắt đầu nghiên cứu sâu hơn để sáng chế ra máy sấy năng lượng mặt trời có thể sấy hàng trăm loại nông sản, thủy hải sản... khác nhau.

Máy sấy đa năng, tiết kiệm điện

Qua gần 30 lần cải tiến, phiên bản hoàn chỉnh với tên gọi máy sấy năng lượng mặt trời đa năng ITS đã được thương mại hóa. Dòng máy này dài 2,2m, rộng 0,9m và cao 1,3m, có thể sấy trung bình 100kg sản phẩm/mẻ sấy. 

Khi trời có nắng, máy sấy sản phẩm trong 1 giờ chỉ tiêu tốn 0,6 kWh điện. Nếu trời không nắng hoặc ban đêm, máy chỉ tiêu thụ 2,5 kWh điện mỗi giờ sấy.

Hiện tại, máy được thầy Hiệp cung cấp cho các đơn vị khởi nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

"Hiện nay có nhiều dòng máy sấy trên thị trường như sấy gia nhiệt bằng điện, sấy lạnh, sấy thăng hoa, sấy bơm nhiệt, sấy tách ẩm... tiêu tốn nhiều điện. Riêng dòng máy của tôi là máy sấy năng lượng mặt trời, biến nắng mặt trời thành nhiệt năng, máy siêu tiết kiệm điện.

Vỉ sấy xoay tròn nên sản phẩm trên vỉ sấy nhận nhiệt và gió như nhau giúp sản phẩm khô rất đồng đều và khô nhanh. Không khí ngoài trời trước khi qua buồng sấy qua máy tách ẩm, lọc bụi, tách 80% nước trong không khí, thổi vào buồng sấy luồng không khí khô, giúp sản phẩm giữ được dinh dưỡng, màu sắc và hình thể tương đương như công nghệ sấy lạnh.

Máy được lập trình bằng kỹ thuật vi điều khiển, thao tác chạm màn hình trên giao diện, dễ dàng thay đổi thông số sấy. Điều này giúp máy có tính đa năng, sấy được hàng trăm sản phẩm nông nghiệp như thủy hải sản, trái cây, thực phẩm, dược liệu, phụ phẩm nông nghiệp" - ông Hiệp nói.

Thời đại biến đổi khí hậu như hiện nay, máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời chứng tỏ nhiều lợi ích, làm giảm khí thải nhà kính, không sử dụng năng lượng hóa thạch, chỉ sử dụng ít điện, giúp bà con nông dân có thể sản xuất sản phẩm để lâu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
GS Võ Tòng Xuân

Sẵn sàng hỗ trợ sinh viên

Theo ThS Quách Anh Sen - phụ trách Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, thiết bị sấy ITS xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đặt hàng.

"ITS là dự án đã ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào hoạt động sản xuất truyền thống, giúp nâng cao năng suất cho việc sản xuất các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Trong gần 2 năm tiếp nhận dự án, Vườn ươm đã hỗ trợ cho dự án về hoạt động phát triển kinh doanh, đăng ký sở hữu trí tuệ và chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chúng tôi cũng hỗ trợ hoạt động kết nối thương mại hóa thông qua những hội thảo, tọa đàm, triển lãm lớn tại khu vực TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước" - ThS Sen thông tin.

ThS Phan Văn Hiệp cho hay máy sấy ITS là sản phẩm để các sinh viên đầu khóa có thể hình dung quy trình nghiên cứu, sản xuất, vận hành thực tế của máy móc thiết bị.

"Mảng nghiên cứu ứng dụng rất hiếm và thiếu, đòi hỏi người nghiên cứu phải thâm nhập thực tế mới có ý tưởng, đặt ra bài toán giải quyết nhu cầu của thực tiễn.

Để nghiên cứu khoa học ứng dụng thành công, có được sản phẩm thương mại hóa thì thầy cô, các bạn sinh viên phải có nền tảng tri thức chuyên môn, năng động xuống cơ sở để có đề tài đặt hàng, trang thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu phải đủ. Phải có đam mê, đòi hỏi liêm chính rất lớn" - thầy Hiệp bộc bạch.

Sinh viên Triệu Quang Ninh, khoa kỹ thuật - công nghệ Trường đại học Văn Hiến, chia sẻ: "Tôi được thầy cho tìm hiểu về máy sấy, máy đã đầy đủ chức năng, bà con nông dân cần gì thì thầy sẽ thêm chức năng mới vào. Thầy tận tâm với học trò, giúp chúng tôi nhiều trong các đề tài nghiên cứu, sinh viên có thắc mắc thì thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ".

Nhiều giải thưởng

Năm 2018, ThS Phan Văn Hiệp đoạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 25; giải nhất lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15. Cùng năm, thầy Hiệp cũng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống.

Năm 2019, thầy Hiệp đoạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo trong tầm tay của Bộ Khoa học và Công nghệ dành cho bảy tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Năm 2021, thầy nhận giải ba Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 2. Năm 2022, đoạt giải C Giải thưởng Sáng kiến vì cộng đồng toàn quốc lần thứ 4...

Đầu tháng 1-2024, thầy Hiệp được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả với phần mềm điều khiển hoạt động máy sấy năng lượng mặt trời ITS.

Gen Z gây bất ngờ trong sáng tạo chế biến nông sảnGen Z gây bất ngờ trong sáng tạo chế biến nông sản

Sáng 2-12, triển lãm cuộc thi 'Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2023' dành cho sinh viên diễn ra tại Trường đại học Công Thương TP.HCM. Nhiều loại nông sản quen thuộc đã trở thành những thực phẩm hấp dẫn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên