09/03/2020 15:18 GMT+7

Giảng viên Hàn Quốc xin lỗi người Việt vụ du khách Hàn chê 'vài mẩu bánh mì'

TS. SE GUN SONG (BÌNH AN chuyển ngữ)
TS. SE GUN SONG (BÌNH AN chuyển ngữ)

TTO - Tiến sĩ Se Gun Song, giảng viên tại Trường đại học Thăng Long ở Hà Nội, gửi Tuổi Trẻ Online bài viết về vụ Đài YTN của Hàn Quốc vừa qua đưa tin một số du khách Hàn Quốc chê khu cách ly Việt Nam nghèo nàn, chỉ cho ăn 'vài mẩu bánh mì'.

Giảng viên Hàn Quốc xin lỗi người Việt vụ du khách Hàn chê vài mẩu bánh mì - Ảnh 1.

Poster được cộng đồng người Hàn Quốc ở Hà Nội tạo ra để khuyến khích người Hàn Quốc ở Hà Nội không phản ứng với tâm lý chống Hàn Quốc - Ảnh: NVCC

Đoạn truyền thông sai lệch ngớ ngẩn này cần phải dừng lại ngay. Nếu bất kỳ người Việt nào cảm thấy bị tổn thương vì những vụ việc đã nảy sinh trong 2 tuần qua, tôi không ngần ngại gửi lời xin lỗi chân thành của mình đến họ, những người bạn Việt Nam của tôi.

Tiến sĩ Se Gun Song, giảng viên tại Trường Đại học Thăng Long

Cách đây vài ngày, tôi nhận được tin nhắn từ một đồng nghiệp người Việt Nam, khuyên tôi "đừng nói bạn là người Hàn Quốc ngay thời điểm này ở Hà Nội". Tôi thì nghĩ chắc cô ấy vừa nghe được một số tin đồn gì đó. Tôi biết ơn vì lời khuyên này nhưng thấy cô ấy đang phản ứng hơi quá mạnh.

Hôm nay, đọc tin tức trên mạng Hàn Quốc tôi thấy có tiêu đề "tâm lý chống người Hàn Quốc đang tăng lên ở Việt Nam". Bài báo đã tường thuật chi tiết về chiến dịch "#Hãy xin lỗi Việt Nam", nhận được sự chú ý to lớn của công chúng ngay lúc này.

Sau đây là những điều mà tôi phải nói ra về vấn đề này ở vị trí là một người Hàn Quốc đang sinh sống ở Hà Nội, yêu quý Việt Nam và con người Việt Nam.

Ở Hàn Quốc, các kênh truyền thông có thể đưa ra những tiếng nói khác nhau. Những năm gần đây, cùng với sự phổ biến ngày một tăng của loại hình tin tức online, sự tập trung của báo chí ngày càng chuyển sang việc thu về những cú "click" (nhấp chuột) vào xem càng nhiều càng tốt.

Điều này dẫn tới "xu hướng gây giật gân" và các sự thật thường bị làm hao mòn, bóp méo trong quá trình đó. Tháng 4 tới đây, Hàn Quốc sẽ có một cuộc bầu cử lớn, do đó đây là một giai đoạn nhạy cảm trên chính trường Hàn Quốc.

Đa số người Hàn Quốc cảm thấy rất khó chịu với sự lây lan rộng khắp nơi của COVID-19 và phản ứng của chính quyền. Và nhiều người thậm chí còn ghen tị với phản ứng nhanh chóng của chính phủ Việt Nam.

Tin tức trên truyền thông Hàn Quốc - mà cụ thể là vụ đối đãi với những du khách Hàn Quốc ở Đà Nẵng làm kích động tâm lý chống người Hàn Quốc sau đó - rõ ràng là nhằm nêu bật tác động tiêu cực từ việc chính phủ Hàn Quốc thất bại trong xử lý hiệu quả COVID-19.

Phóng viên đã muốn miêu tả người Hàn Quốc đang chịu đựng ra sao vì chính phủ Hàn Quốc đã không cách ly người dân thành công. Điều đó hoàn toàn không nhắm tới sự đối xử của người dân Việt Nam với người Hàn Quốc. Tin tức đó cũng chắc chắn không đại diện cho cảm nghĩ của đa số người Hàn Quốc.

Bất chấp nỗ lực xử lý vấn đề một cách giật gân và mặc dù đúng là một số người đã cho thấy cảm xúc cá nhân, nếu nhìn vào phần bình luận của người Hàn Quốc, bạn sẽ thấy đa số bày tỏ ủng hộ và thậm chí khen ngợi cách tiếp cận chủ động của chính phủ Việt Nam trong việc đối phó COVID-19.

Nói chung người Hàn yêu thích người Việt Nam và những tin tức liên quan tới Việt Nam gần đây trở nên phổ biến. Nhà báo tường thuật câu chuyện theo hướng tiêu cực như trên đơn giản là muốn lợi dụng sự quan tâm lớn mạnh về mối quan hệ giữa hai nước.

Điều này - cùng với bình luận của một phụ nữ về món bánh mì - không nên được hiểu là tiếng nói thật sự của người dân Hàn Quốc về vấn đề.

Tôi khá chắn chắn là nếu nhà báo trên đi xa hơn và hỏi món bánh mì có vị ra sao, thì người phụ nữ đó sẽ trả lời: "Không ngờ nó ngon như vậy". Thật không may một số người trẻ ở Việt Nam đã nhắm vào vụ việc này và làm leo thang vấn đề rồi phát triển thành cả một chiến dịch.

Giảng viên Hàn Quốc xin lỗi người Việt vụ du khách Hàn chê vài mẩu bánh mì - Ảnh 3.

Đài YTN của Hàn Quốc bị cư dân mạng Việt Nam cho là đã phát thông tin thiếu khách quan vụ việc cách ly nhóm du khách Hàn Quốc tại Đà Nẵng - Ảnh chụp màn hình

Ngày nay người Hàn Quốc có ý thức về cái cách thế giới nhìn vào họ. Người Hàn Quốc muốn xác nhận vị trí của mình trên trường quốc tế.

Việc một bộ phim của Hàn Quốc - Ký sinh trùng (Parasite) - thắng giải Oscar gần đây đã làm tăng cảm giác tự hào của người Hàn Quốc, nhưng sự tự tin này đã giảm mạnh kể từ sự bùng phát COVID-19 ở Hàn Quốc.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã xây dựng được những điều phi thường. Nhiều người dân từ hai đất nước đã làm việc chăm chỉ để đạt được chỗ đứng hiện tại. Chúng ta cũng rất cần nhau.

Hàn Quốc đang trải qua sự già hóa dân số nhanh chóng và việc dựa vào thế hệ người trẻ, có học thức cao của Việt Nam là rất quan trọng. Đối với Việt Nam - với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngoại thương, Hàn Quốc là một đối tác quan trọng.

Tôi yêu thích gọi Việt Nam là một đất nước "mẹ vợ". Vì ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc, nên chúng tôi gọi Việt Nam là gia đình! Chúng ta có thể tìm thấy tình hữu nghị thật sự trong những lúc khó khăn.

Đoạn truyền thông sai lệch ngớ ngẩn này cần phải dừng lại ngay. Nếu bất kỳ người Việt nào cảm thấy bị tổn thương vì những vụ việc đã nảy sinh trong 2 tuần qua, tôi không ngần ngại gửi lời xin lỗi chân thành của mình đến họ, những người bạn Việt Nam của tôi.

Đưa tin khách Hàn chê khu cách ly Việt Nam: Đài YTN Hàn Quốc ‘lấy làm tiếc’ và ‘sẽ thận trọng Đưa tin khách Hàn chê khu cách ly Việt Nam: Đài YTN Hàn Quốc ‘lấy làm tiếc’ và ‘sẽ thận trọng'

TTO - Sau làn sóng phẫn nộ của dân mạng Việt Nam về việc Đài YTN Hàn Quốc đưa thông tin một số khách Hàn chê khu cách ly Việt Nam nghèo nàn, chỉ cho ăn 'vài mẩu bánh mì’, đài này đã chính thức ra thông báo “lấy làm tiếc” và ‘sẽ thận trọng hơn’.

TS. SE GUN SONG (BÌNH AN chuyển ngữ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên