31/07/2018 10:59 GMT+7

Giận nhau nói chuyện bằng... giấy

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - “Vợ tôi giờ đây chỉ nói chuyện với tôi bằng giấy hoặc nhờ con nói giúp” - bạn đọc P.P. chia sẻ. Hay “Anh ấy giờ chỉ giao tiếp với tôi bằng tin nhắn. Tôi phải làm sao đây?...” - người vợ tên Quỳnh kể...

Giận nhau nói chuyện bằng... giấy - Ảnh 1.

Tin nhắn của hai vợ chồng anh L. Nhiều cặp vợ chồng "bất lực" trong giao tiếp trực tiếp - Ảnh: C.X.T.

Cưới nhau 4 năm, vợ chồng chị Thảo Ly (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có đứa con đầu tiên được 2 tuổi, mọi xung đột bắt đầu bùng nổ. 

Nói chuyện bằng... tin nhắn, giấy note

"Chúng tôi không thể nói chuyện được với nhau nữa, chỉ cần mở miệng ra là cãi nhau. Mà khổ nỗi mỗi lần giận là cổ họng tôi lại uất nghẹn, chỉ nói được vài câu lại khóc nấc. 

Chồng tôi thấy vậy, chẳng dỗ dành, hất mặt bỏ đi, có khi còn bồi thêm vài câu như muốn giết người không dao không súng. Càng như vậy tôi càng lì hơn. Càng lúc càng trở nên trầm trọng..." - chị Ly kể.

Theo chị Ly, vì "vướng đứa con" nên vợ chồng vẫn sống chung, vẫn xảy ra xung đột thường xuyên nhưng không bằng lời nói mà qua tin nhắn điện thoại, nhà lúc nào cũng căng thẳng. Cứ vui vẻ với nhau được dăm ba câu sẽ lại xỉa xói nhau và chiến tranh lạnh bắt đầu. 

"Có khi nhắn tin SMS mà không thấy hồi âm, tôi liền chuyển qua nhắn Viber hay Zalo, Facebook để xem chồng đã đọc hay chưa, hoặc giả đọc rồi mà khinh thường tôi không trả lời" - chị Ly nói.

Lâu dần tình cảm vợ chồng chị Ly cũng nhạt đi, không muốn nói chuyện, chia sẻ công việc, kể chuyện bạn bè, các vấn đề gia đình hai bên và cũng ngủ riêng luôn cho thoải mái.

Còn với gia đình chị Mai Lan (Vũng Tàu) chia sẻ, cùng là giáo viên với nhau, sống trong khu phố mà hết chín phần là đồng nghiệp hoặc nhà học sinh kề cận, vợ chồng có mâu thuẫn cũng không dám cãi nhau vì sợ điều tiếng.

Mỗi lần bất đồng quan điểm hoặc thấy bất lực trong giao tiếp, vợ chồng chị đều viết email dài dằng dặc để trách móc, chì chiết nhau. 

"Nhiều khi tức quá không biết làm gì, mình cũng không mang tiếng giáo viên dạy văn mà ăn nói hồ đồ nên chỉ có cách viết mới giải tỏa được. Nhưng mail bà đi qua mail ông đi lại trách móc nhau, cuối cùng cũng là sống trong im lặng như những người câm" - chị Lan nói.

Vợ chồng chị kiệm lời đến độ muốn ai làm gì thì các giấy note cứ vậy dán đầy tủ lạnh theo trình tự có ngày tháng và nội dung "yêu cầu" đối phương tránh nhầm lẫn.

Làm gì để giao tiếp vợ chồng gần gũi hơn?

Chị Lan chia sẻ: "Ban đầu mình thấy im lặng, hoặc viết có trau chuốt hơn sẽ tránh nói những câu chữ hồ đồ thiếu suy nghĩ. Nhưng ngẫm lại mới thấy ‘lời nói gió thoảng mây bay’ còn viết ra rồi cứ như bằng chứng sờ sờ để đem ra chì chiết nhau tiếp, ở lại mãi. 

Nhất là lần chồng chụp lại màn hình những câu chữ đay nghiến có phần lỗ mãng của mình gửi ngược lại cho mình. Từ đó mình suy nghĩ nghiêm túc lối thoát cho những xung đột vợ chồng khi xảy ra".

Một bữa ăn nhỏ chỉ hai vợ chồng, chị chủ động xin lỗi chồng, anh dịu hẳn sự cáu bẳn, không mỉa mai chị như thường ngày. Cùng ôn lại những ngày tháng đã từng yêu nhau trước khi quyết định đến với hôn nhân. Cả hai cùng nói chuyện, lên một kế hoạch mới cho những ngày phía trước. 

Và cuối cùng chọn giải pháp trao đổi trực tiếp với nhau, người giận sẽ có người nguôi, tất cả là vì mục tiêu gia đình.

Theo TS Phạm Thị Thúy, đối thoại trực tiếp với nhau chính là sự giao tiếp tối ưu đối với đời sống vợ chồng. 

Một khi vợ chồng không thể nói chuyện trực tiếp với nhau, cần nghiêm túc coi lại vấn đề khúc mắc mà vợ chồng đang gặp phải. Nên đưa tình trạng quan hệ vợ chồng ở mức nghiêm trọng ra để giải quyết sớm.

Trường hợp việc đối thoại trực tiếp đã diễn ra quá lâu, quá sâu thì cần có "người thứ ba" giúp vợ chồng giải tỏa. Nhưng cơ bản một trong hai vợ chồng thấy sự bất ổn và chủ động tìm kiếm. Người thứ ba ở đây là bạn bè, người thân hoặc chuyên viên tâm lý. 

Chuyên gia sẽ giúp gỡ rối, đồng thời cần có sự hợp tác của cả hai vợ chồng trong quá trình tư vấn mới giải quyết được vấn đề gốc rễ gây nên xung đột sâu sắc và có hướng giải quyết hiệu quả nhất.

Theo TS Phạm Thị Thúy, việc trao đổi thông tin của vợ chồng phải thông qua tin nhắn, email hay viết thư chỉ thể hiện sự trốn tránh cảm xúc của đối phương cũng như của chính bản thân mình.

Còn thực tế, sự ức chế, áp lực không được giải tỏa càng làm tình hình thêm nghiêm trọng hơn.

Có thể, trong lúc quá nóng giận chúng ta ngưng không nói gì để tránh những lời lẽ tồi tệ bị “phun” ra không kiểm soát. Nhưng sau đó vẫn cần phải ngồi lại với nhau nói rõ vấn đề.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên