29/08/2012 05:01 GMT+7

Giảm thiểu tai nạn cây đổ đè người

ĐỖ XUÂN CẨM(cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)
ĐỖ XUÂN CẨM(cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)

TT - Hằng năm cứ đến mùa mưa bão, nguy cơ cây đổ gây tai nạn cho người đi đường lại rình rập, đặc biệt ở những tỉnh thành thường xuyên hứng chịu thiên tai. Có nhiều lý do gây ra tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản cần khắc phục là “kỹ thuật trồng và bảo tồn cây”.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, cây tiêu chuẩn đưa trồng trên vỉa hè đường phố phải có chiều cao tối thiểu từ 3m, đường kính thân tại chiều cao tiêu chuẩn phải trên 5cm. Trong thực tế ở nhiều nơi khi đưa cây đi trồng, cây chỉ đạt tiêu chuẩn chiều cao, còn đường kính thân cây thường bé hơn quy định.

Hơn thế nữa, đa số bầu cây lại được đánh quá ngắn (30-50cm) nên đã cắt mất gần hết rễ cọc, chỉ chừa lại đoạn trưởng thành mang sẵn một số rễ bên. Với cây trồng như thế tất yếu sinh ra hai hệ quả: cây yếu vì quá von và cây bám nền đất yếu do mất vĩnh viễn rễ cọc. Từ đó cây lớn dần thiếu cân đối, tán cây ngày càng nặng nề, thân cây không tương xứng, rễ cọc không còn để giữ cây, gặp gió lớn là cây trốc gốc. Cây trốc gốc bao giờ cũng gây hậu quả nghiêm trọng hơn cây gãy cành, xé thân.

Trong quản lý cây xanh đô thị, cơ quan chức năng phải có kế hoạch hoàn chỉnh, từ khâu kỹ thuật vườn ươm đến khâu kỹ thuật cắt tỉa, mé cành định kỳ.

Cơ quan chức năng cần bảo tồn cây xanh đúng nghĩa của nó, phải thường xuyên áp dụng biện pháp lâm sinh như một việc làm thường ngày. Có thế mới bảo tồn được những cây cổ thụ rợp bóng nói riêng và hệ thống cây xanh đô thị nói chung, đồng thời góp phần hạn chế những rủi ro cho người đi đường.

Kỹ thuật vườn ươm bao gồm kỹ thuật chọn lọc cây giống, kỹ thuật gieo ươm, chăm sóc để cây xuất vườn đảm bảo tiêu chuẩn quy định, đặc biệt giữ được bộ rễ cọc của nó. Những loài cây lớn nhanh có thân cành giòn, xốp tuyệt đối không chọn nhân giống. Khi xuất vườn cây giống phải còn đủ rễ cọc. Muốn thế cây giống phải được nuôi dưỡng trong túi bầu và định kỳ thay bầu tương xứng, khoảng cách túi bầu cũng phải tương ứng với kiểu gen của loài cây để cây tỏa cành nhánh tự nhiên, không bị chèn ép, che bóng lẫn nhau gây ra hiện tượng von cây. Lâu nay nhiều vườn ươm cây xanh chưa làm đầy đủ yêu cầu này. Khi trao đổi bàn bạc chúng ta thường nhận được câu trả lời “kinh phí đâu?”. Theo tôi, đó cũng là điều cần tính toán khi làm kế hoạch.

Kỹ thuật cắt tỉa, mé cành định kỳ cho cây xanh cũng là khâu không kém phần quan trọng. Nó không chỉ giúp phòng chống gió bão mà còn tôn tạo, định hình để tăng tính mỹ thuật cho hệ thống cây xanh. Đã có không ít nơi đợi đến trước mùa mưa bão mới ra quân cắt cây, lắm trường hợp cắt rất mạnh tay. Đội cây xanh có cảm giác cành nhánh nào có nguy cơ đe dọa thì thẳng tay cưa cắt, cắt sát thân để phòng hao cho nhiều năm sau đó. Từ đó lắm cây cổ thụ trên vỉa hè có kiểu vòm tán lệch pha, nghiêng hẳn về một phía, nhiều vết cắt lộ ra chơi vơi trông rất phản cảm.

Cũng có trường hợp cây bị “cạo trọc” chỉ để lại thân cây như cột trụ, sau một thời gian đâm cành, nảy lộc tạo thành một cây không cân đối chút nào. Làm như thế chỉ đáp ứng được một vế “phòng ngừa tai nạn” mà đánh mất chức năng cần có của cây là che bóng, tạo cảnh.

ĐỖ XUÂN CẨM(cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên