22/09/2021 22:31 GMT+7

Nhiều thiệt hại khi giảm huy động nhiệt điện khí

N.AN
N.AN

TTO - Việc giảm huy động nguồn điện khí đã kéo theo việc giảm khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, trong khi đây là nguồn điện có giá thấp hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo.

Nhiều thiệt hại khi giảm huy động nhiệt điện khí - Ảnh 1.

Việc huy động khí cho các nhà máy phát điện giảm khiến các nhà máy điện khí gặp khó khăn - Ảnh: PVN

Thông tin vừa được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu và huy động khí cho phát điện ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ, như tại khu vực Đông Nam Bộ đạt 87,5%, Tây Nam Bộ đạt 72,7%.

Đặc biệt, tình hình trầm trọng hơn trong đợt bùng phát dịch ở nước ta từ cuối tháng 4-2021, với chính sách giãn cách xã hội trên diện rộng, kéo dài, khiến cho nhu cầu khí tiếp tục ở mức thấp, đặc biệt từ tháng 9, tháng 10-2021.

Trong khi đó, các nhà máy điện chiếm tới 80% tổng sản lượng khí, nên việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ làm giảm công suất các nhà máy, lãng phí khối tài sản đã đầu tư xây dựng các cụm công trình khí - điện; kéo theo việc giảm khai thác ở các mỏ dầu khí ngoài khơi.

Theo đánh giá của PVN, thực tế này sẽ gây thiệt hại, do giảm nguồn thu của Nhà nước từ hoạt động khai thác dầu khí, bao gồm các khoản thuế, phí… Giảm huy động khí cho phát điện sẽ làm phát sinh nghĩa vụ trả trước của bên mua khí với các chủ mỏ. Số tiền không nhỏ, làm ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền của bên mua khí.

Chưa kể, tình hình huy động khí cho điện thấp sẽ dẫn đến mức thu ngân sách của các địa phương giảm đáng kể so với năm 2020. Đơn cử, chỉ tính riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến giảm 435 tỉ đồng.

Năm 2022, dự báo việc huy động khí cho điện tiếp tục sụt giảm hơn nhiều so với năm 2021, dự kiến khả năng huy động khí cho phát điện khu vực Đông Nam Bộ không cao hơn 2,8 tỉ m3 và khu vực Tây Nam Bộ có thể xuống thấp đến 755 triệu m3.

Với mức dự báo huy động khí cho năm 2022 như trên thì thu ngân sách của các địa phương sẽ sụt giảm lớn, như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến giảm 1.121 tỉ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn hỏa tốc số 5476/UBND-KT ngày 17-9 gửi Bộ Công thương kiến nghị về việc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường huy động Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2, góp phần phục hồi kinh tế - đời sống xã hội do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp trong thời gian tới.]

Giá điện khí thấp hơn điện mặt trời

So sánh về giá điện, hiện các nhà máy điện mặt trời được huy động theo chính sách ưu tiên. Đơn cử như từ 1-7-2019, điện mặt trời mái nhà được huy động với giá 1.943 đồng/kWh, điện mặt trời mặt đất có giá bán 1.644 đồng/kWh...

Trong khi đó, giá bình quân của cụm các nhà máy điện khí Nhơn Trạch là 1.441 đồng/kWh, các nhà máy điện Cà Mau là 1.319 đồng/kWh, các nhà máy điện Phú Mỹ là 1.175 đồng/kWh.

Hiện giá điện thương phẩm bình quân không thay đổi áp dụng từ 20-3-2019 là 1.864 đồng/kWh.

Đấu thầu tìm nhà đầu tư cho trung tâm điện khí Cà Ná Đấu thầu tìm nhà đầu tư cho trung tâm điện khí Cà Ná

TTO - Trung tâm điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW đã được phê duyệt giai đoạn 1 với công suất 1.500 MW, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai các bước để đấu thầu tìm nhà đầu tư.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên