30/09/2020 11:12 GMT+7

Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH&CN nhận trách nhiệm để bò tót gầy trơ xương

M.VINH
M.VINH

TTO - Đàn bò tót gầy trơ xương khiến nhiều người thương xót có tổng cộng 11 con. Đây là những con bò tót lai F1, F2 được sinh ra trong quá trình Bộ Khoa học và công nghệ nghiên cứu phát triển đàn bò lai giữa bò tót và bò nhà.

Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH&CN nhận trách nhiệm để bò tót gầy trơ xương - Ảnh 1.

Đàn bò tót lai đang nuôi nhốt tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) - Ảnh: ĐÀM LINH

Câu chuyện về đàn bò tót lai đang nuôi nhốt ở thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) gầy trơ xương đang khiến dư luận xót xa. Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với người quản lý đề tài nghiên cứu nói trên nhằm làm rõ nguyên nhân khiến đàn bò tót gầy trơ xương.

Ông Nguyễn Như Chương - giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng) - thừa nhận đàn bò gầy đi rất nhiều so với thời điểm thực hiện nghiên cứu.

Ông nói: "Chúng tôi nhận trách nhiệm về việc quản lý không đạt hiểu quả, lơi lỏng khiến đàn bò bị gầy đi thấy rõ trong giai đoạn chấm dứt nghiên cứu, chờ bàn giao cho cơ quan khác quản lý theo quy định".

Nhiều người cho rằng những người nghiên cứu đã "vắt chanh bỏ vỏ", ông Chương lý giải: "Sau khi công trình kết thúc (8-2019), ngoài việc nghiệm thu đúng quy trình, chúng tôi thực hiện các thủ tục bàn giao.

UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao lại đàn bò tót F1, F2 cho UBND tỉnh Ninh Thuận quản lý, khai thác, tiếp tục nghiên cứu. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản đồng ý. Tuy nhiên đến nay sau hơn một năm, UBND tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận chưa thực hiện bàn giao.

Trong thời gian chờ đợi, dù không được cấp kinh phí chúng tôi (Trung tâm ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng - PV) đã trích nguồn tiền tiết kiệm hạn hẹp của trung tâm để tiếp tục chăm nuôi đàn bò.

Mỗi tháng chúng tôi thuê người nuôi và mua rơm hết 10 triệu, gồm 200 bó rơm. Cách đây 1 tháng khi nhận được thông tin đàn bò bị gầy đói, chính tôi lái xe chở cám xuống để cho đàn bò được ăn bổ sung".

Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH&CN nhận trách nhiệm để bò tót gầy trơ xương - Ảnh 2.

Đàn bò tót lai F1 thời điểm đang thực hiện nghiên cứu - Ảnh: M.VINH

So sánh về việc chế độ nuôi đàn bò tót trước và sau khi kết thúc nghiên cứu có khác nhau, ông Chương thẳng thắn thừa nhận: "Có khác". Trong giai đoạn nghiên cứu, có kinh phí thuê đồng cỏ để đàn bò tót lai đi lại tự do và ăn uống.

Ngoài ra đàn bò còn được 3 người có chuyên môn thú y và chăn nuôi chăm sóc mọi vấn đề để đảm bảo sức khoẻ. Sau khi kết thúc giai đoạn nghiên cứu, chờ các bên có liên quan bàn giao, đàn bò tót lai được ăn 200 bó cỏ/tháng, không có thức ăn tinh và chỉ khi có dấu hiệu bệnh mới được chăm sóc thú y.

"Trên tính toán, tôi cho rằng thức ăn là đủ nhưng trong quá trình nuôi chúng tôi ở xa, giám sát không chặt nên không rõ có tiêu cực hay không. Mặc khác, do không còn kinh phí thuê đồng cỏ để bò đi ăn và được đi rông nên đàn bò bị ốm yếu", ông Chương cho biết.

Ông nói thêm: "Nếu có sai từ người trực tiếp được thuê nuôi dưỡng đàn bò ở giai đoạn này cũng do chúng tôi quản lý không sát, không tạo được kết nối giữa người được thuê chăm sóc với đơn vị quản lý".

Theo thông tin từ những người nghiên cứu đề tài về bò tót lai, để đảm bảo đàn bò được phát triển khoẻ mạnh, tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo thì cần nuôi theo chuẩn với đầy đủ thức ăn thô, tinh, có thú y chăm sóc và được vận động mỗi ngày. Chế độ này đòi hỏi tốn 50 triệu/tháng.

11 11 'hậu duệ' bò tót rừng ở Ninh Thuận... 'kêu cứu'

TTO - 11 con bò F1 lai giống con bò tót rừng sau khi được tập trung nuôi, bảo tồn nhân giống thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) 6 năm trước nay bị bỏ đói khát, ốm trơ xương.

M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên