11/11/2021 23:18 GMT+7

Giải thưởng Dogma 2021: Nghệ sĩ đương đại 10 năm vẽ mình

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - 'Tôi vẽ gì khi tôi vẽ mình?'. Tròn 10 năm kể từ lần đầu Giải thưởng nghệ thuật đương đại Dogma được khởi xướng, câu hỏi trên vẫn để ngỏ, như một lá thư được cố ý phong kín đang đợi từng lớp nghệ sĩ mới hé lộ.

Giải thưởng Dogma 2021: Nghệ sĩ đương đại 10 năm vẽ mình - Ảnh 1.

Tác phẩm chân dung tự họa với Colombine của họa sĩ Léopold Franckowiak - Ảnh: MAI THỤY

Tối 11-11, giải thưởng lưỡng niên Dogma 2021 đã diễn ra tại Galerie Quynh (118 Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP.HCM). Từ hơn 150 hồ sơ, ban giám khảo đã tuyển chọn 10 tác phẩm xuất sắc để trao giải và trưng bày.

Mỗi tác giả đoạt giải sẽ nhận tiền mặt 50 triệu đồng thay vì như mọi năm chỉ một giải chung cuộc và một giải lưu trú. Sự thay đổi này nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ đã nỗ lực sáng tác trong bối cảnh đại dịch kéo dài thời gian qua. Chương trình triển lãm diễn ra từ nay đến ngày 25-11.

Dogma vốn là một giải thưởng tự họa. Tuy chủ đề mỗi năm thay đổi nhưng tựu trung đều nhằm gợi lên những cá tính, suy nghĩ riêng của nghệ sĩ. Chính vì vậy, nghệ sĩ có thể dùng bất cứ phương tiện nào để phản ánh bản thân và bộc lộ chiều kích tâm hồn.

Chủ đề năm 2021 là "Mặc tưởng", nơi tác giả nhìn vào bên trong mình để đối thoại. Quá trình này còn ý nghĩa gấp bội trong bối cảnh xã hội bị chao lắc dữ dội vì dịch bệnh. Tìm về bản thân trở thành một chiếc phao cứu sinh cấp thiết.

Giải thưởng Dogma 2021: Nghệ sĩ đương đại 10 năm vẽ mình - Ảnh 2.

Đường lên tác phẩm Tòa giải tôi của nghệ sĩ Nguyễn Hải Đăng - Ảnh: MAI THỤY

Giải thưởng Dogma 2021: Nghệ sĩ đương đại 10 năm vẽ mình - Ảnh 3.

Người xem có thể tương tác, chạm trực tiếp vào tác phẩm để trải nghiệm lại quá trình sáng tác của nghệ sĩ - Ảnh: MAI THỤY

Soi rọi vào chính mình chẳng hề đơn giản, hệt như việc ta cố gắng tìm một bài toán mông lung và rồi phải suy ra lời giải cho chúng. Ở góc độ này, Nguyễn Hải Đăng đã khiến người xem phải kinh ngạc. Anh nhặt nhạnh gỗ trong căn nhà thơ ấu của mình để đóng một chiếc bục giải tội trong Công giáo.

Vừa đóng, anh vừa khắc lời xưng tội lên lớp sơn mài. Tác phẩm được đặt trên thềm nghỉ của cầu thang. Khán giả phải đi lên các bậc thềm để đến với tác phẩm. Trong khoảnh khắc chiếc bóng đổ lên bục gỗ, người xem có thể hòa làm một với quá trình xưng tội của Nguyễn Hải Đăng, riêng tư mà chân thật.

Một tự sự đầy tình cảm khác cũng được nghệ sĩ Léopold Franckowiak tường thuật. Là một họa sĩ nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, Léopold đã có những đường giao cắt đặc biệt với chiếc khẩu trang.

"Vốn dĩ tôi đã không thạo tiếng Việt, việc đeo khẩu trang đoạt mất cơ hội cho tôi đọc nét môi và bịt mất tiếng nói. Một mặt khác, vì đại dịch này tác động thực sự nặng nề đối với người Tây phương, cách người Việt nhìn tôi cũng thay đổi hẳn, lộ ra một thái độ ngờ vực mà tôi chưa từng trải qua", ông tâm sự.

Léopold vẽ chân dung mình và vợ trong bộ trang phục và chiếc khẩu trang với kiểu thiết kế hình thoi nhị sắc. Họa tiết này ám chỉ mối liên hệ ngày càng mật thiết giữa mỗi cá nhân trong dịch bệnh. "Từ đây trở đi, mỗi cá nhân sẽ có liên quan đến người khác, dù là qua sự lây truyền, qua kỷ luật, hay qua nỗi sợ hãi", Léopold nói về bức tranh Chân dung tự họa với Colombine.

Giải thưởng Dogma 2021: Nghệ sĩ đương đại 10 năm vẽ mình - Ảnh 4.

Loạt tác phẩm Phi đối xứng của nghệ sĩ người Campuchia Mao Sovanchandy - Ảnh: MAI THỤY

Dịch COVID-19 cũng tác động trực tiếp đến triển lãm. Vì biên giới đóng cửa, một tác phẩm của nghệ sĩ người Campuchia Prak Dalin không được trưng bày tại chương trình. Các tác phẩm của Đào Tùng, Thủy Tiên/Sarah, Jack!, Phạm Nguyễn Anh Tú... đều mở ra những lối dị biệt để khán giả đi vào tâm thức nghệ sĩ.

Chia sẻ về Giải thưởng nghệ thuật đương đại Dogma lần thứ 10, bà Ngô Đình Bảo Châu - đại diện Giải thưởng Dogma - nhận định: "Đây là một năm đầy khó khăn cho nghệ sĩ, họ phải vật lộn với cuộc sống lẫn những biến chuyển trong tâm trí. 10 năm phát triển của Dogma là 10 năm cả giải thưởng và nghệ sĩ tương hỗ, học hỏi lẫn nhau".

Giải thưởng Dogma 2021: Nghệ sĩ đương đại 10 năm vẽ mình - Ảnh 5.

Triển lãm là lối đi vào bên trong suy tư của các nghệ sĩ - Ảnh: MAI THỤY

Giải thưởng Dogma 2021: Nghệ sĩ đương đại 10 năm vẽ mình - Ảnh 6.

Tác phẩm -- -- của nghệ sĩ Đào Tùng - Ảnh: MAI THỤY

Theo bà Bảo Châu, nếu những năm đầu tiên của giải, các nghệ sĩ hầu như chỉ gửi tranh chân dung để dự thi thì đến nay tác phẩm đã có sự đa dạng trong chất liệu, ý tưởng. Chiếc bục xưng tội của Nguyễn Hải Đăng là một cách phác họa nội tâm, và những tấm bản đồ chằng chịt của nghệ sĩ Hà Ninh cũng vậy.

Giải thưởng còn mở ra nhiều con đường cho các tác giả đến nghệ thuật. Ở Dogma lần thứ 9, Phạm Nguyễn Anh Tú, một nghệ sĩ vốn chỉ quen với phim ảnh, đã nhận được giải thưởng. Giờ đây, sau chuyến lưu trú sáng tác, cô quyết định theo học mỹ thuật tại Đức và dấn bước sâu hơn vào con đường nghệ thuật đương đại.

Giải thưởng Dogma và Giải thưởng Dogma và 'Cú ngã' của một nghệ sĩ

TTO - Khi Dogma 2019 trao giải cho Cú ngã của nghệ sĩ Giang Nguyễn, cũng là lúc ý tưởng của tác phẩm này được bộc lộ trọn vẹn, khiến người xem thích thú với chuỗi trình diễn - sắp đặt và nhận ra sự tiếp nối những sai lầm của con người trong tiến hóa.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên