21/02/2021 11:55 GMT+7

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 5: Nhớ nhung qua làng Trinh Tiết

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Cái tên làng khiến con trai đi qua bùi ngùi, con gái phải bâng khuâng này đã chạm đến điều mà xã hội xưa đặt nặng lên người phụ nữ, sự trong trắng, trinh tiết. Nhưng câu chuyện ở làng Trinh Tiết lại bắt nguồn từ sự tích mang nghĩa sâu xa hơn.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 5: Nhớ nhung qua làng Trinh Tiết - Ảnh 1.

Cổng làng Trinh Tiết khiến nhiều người qua lại đều phải tò mò - Ảnh: TÂM LÊ

Đó là sự thủy chung son sắt, tình nghĩa vợ chồng.

Sao lại Trinh Tiết?

Khách thập phương đi vãn cảnh chùa Hương, trên đường qua xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội sẽ bắt gặp cổng làng đề biển Trinh Tiết. Ngôi làng nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa non yên ả, tháng giêng hai nắng vàng như rót mật.

Những người đọc, nghe tên làng đều có một thắc mắc: Sao lại là Trinh Tiết? rồi đặt ra bao mối hoài nghi. Không lẽ ở thời này còn có ngôi làng mang một cái tên nghe vừa lạ kỳ, vừa mang nặng hủ tục xưa cũ. Quan niệm con gái phải giữ gìn trinh tiết cho tới khi xuất giá tòng phu, ai lỡ lầm ăn "trái cấm" thì coi như mất đi cái "ngàn vàng".

Trinh tiết ở đây là cái màng sinh học của người con gái được các cụ ví như ngàn vàng, để mất thì coi như người con gái đó không còn được trân quý nữa. Có những nơi hủ tục nặng nề đến mức người con gái bị hắt hủi, bị cạo đầu bôi vôi, thậm chí thả rọ trôi sông.

Thời nay, quan niệm trinh tiết không còn nặng nề như trước nên ở đâu đó nhắc đến sẽ coi như một điều lạ. Vậy mà cái từ "nhạy cảm" này lại mang đặt tên cho cả một ngôi làng, truyền đời truyền kiếp người dân trong thôn phải ghi nhớ. Phải mang cái tên thôn gây chú ý này trong thẻ căn cước công dân đi khắp mọi nẻo đường của chuyến du hành cuộc đời.

Để giải mối hoài nghi này, chúng tôi đã có mặt ở làng Trinh Tiết với nhiều bất ngờ về quan niệm của người dân nơi đây.

Với giới trẻ, cái nhìn đã thoáng hơn: "Tụi em không quá quan trọng quan niệm ngày xưa của các cụ, nhưng yêu đương phải thành thật, nghiêm túc. Bà và mẹ em cũng dặn con gái thì cẩn thận hơn thôi..." - Bùi Thị Thủy, sinh viên năm thứ 3 Đại học Thương mại, Hà Nội, cười nói.

Ở gần cổng đền Trinh Tiết, hai người phụ nữ ngoài 40 tuổi bán trái cây "của" nhà trồng được thì quả quyết: "Bây giờ đâu còn được như các cụ thời xưa, có người thế này thế khác, có người chửa trước cưới sau, có đôi cưới chưa được mấy bữa thì ly hôn".

Nhưng khi chúng tôi hỏi là vì sao lại đặt tên làng đặc biệt vậy, cả hai bỗng vui vẻ tự hào: "Tên làng là do vua ban, muốn tìm hiểu thì tốt nhất vào gặp cụ từ trong đình ấy".

Đền Trinh Tiết được một đôi vợ chồng già trông giữ, cụ ông Đào Văn Lộc, cụ bà Lưu Thị Thiêm, cả hai đã bát tuần nhưng vẫn khá minh mẫn. Cách ông bà nói chuyện luôn nhẹ nhàng, ánh mắt, nụ cười vẫn dành cả cho nhau dù cả hai đã trải qua hàng chục năm hôn nhân.

Hai cụ vui vẻ kể cho chúng tôi nghe truyền tích về tên làng, hóa ra cái tên có nhiều ý nghĩa thiêng liêng hơn nghĩa đen về Trinh Tiết.

"Tôi cũng chỉ được nghe các cụ kể lại làng ban đầu có tên là Bối Lang, sau được đổi thành làng Sêu. Tên làng Trinh Tiết là do vua ban khi biết người phụ nữ đức hạnh, tức mẹ của quốc công Nguyễn Quốc Bảo mà chúng tôi đang thờ phụng trong đền này.

Bà có nhan sắc tuyệt trần nhưng chẳng may chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con thành vị tướng tài giữ nước, ai có hỏi xin cưới bà cũng một mực từ chối.

Thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên dòng sông Đáy, nghe được câu chuyện xúc động và cảm mến tấm lòng thủy chung son sắt của người vợ, người mẹ này nên đổi tên làng thành Trinh Tiết" - ông Lộc, hơn 20 năm làm ông từ đình làng, cho biết.

Ngôi đình thờ phụng hai mẹ con quốc công, người con được dân làng phong làm thành hoàng làng. Tháng giêng sẽ khai hội, dân quanh vùng cũng tới dự lễ rất đông vui. Tuy nhiên dịch giã đang bùng phát trở lại, làng thông báo tạm đóng cửa đình, dừng các lễ hội truyền thống sau tết.

Làng Trinh Tiết nằm bên dòng sông Đáy thơ mộng, từ xưa vốn nổi tiếng về trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Con gái của làng vừa siêng năng cần cù, vừa xinh đẹp nết na, lại thủy chung son sắt nên vô cùng đắt giá trong mắt trai làng. "Gái làng Sêu nức tiếng một vùng" - ông Lộc nhìn bà lão bạn đời cười yêu thương.

Con gái trong làng cứ mười bảy, đôi mươi đã dựng vợ gả chồng xong. Mỗi cô gái trước khi về nhà chồng sẽ góp 200 gạch để lát đường làng. Vì thế không chỉ đời sống của người dân đủ đầy mà đường làng, ngõ xóm cũng được mở mang sạch đẹp nhất xã thời bấy giờ.

Cổng làng Trinh Tiết ngày nay có hai câu đối, đã lột tả những điều giá trị ở ngôi làng nhỏ bé này: "Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa còn lưu mãi - Trinh Tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thuở, phải là đây".

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 5: Nhớ nhung qua làng Trinh Tiết - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Vấn (phải) và bà Bùi Thị Dung đã thủ tiết một đời nuôi con, thờ chồng - Ảnh: TÂM LÊ

Thủy chung thời nào cũng tốt

Theo cách nghĩ của các cụ cao niên trong làng thì nguồn gốc, ý nghĩa tên làng sâu rộng hơn nhiều so với nghĩa đen trinh tiết của người con gái. Các cụ cho rằng đức hạnh, sự thủy chung, tình vợ chồng, con cái mới là điều quan trọng và thời nào cũng tốt.

Có những suy nghĩ rất hiện đại: "Có thể có bầu trước khi cưới cũng chẳng sao, đi bước nữa nếu chồng mất sớm cũng không ai trách, nhưng yêu thương phải thật lòng, có trách nhiệm và sống nghĩa tình".

Cụ từ Ứng cũng có chia sẻ đầy cảm thông: "Thời nay sinh con không dễ như các cụ ngày xưa. Nhiều đôi vợ chồng lo lắng, bố mẹ cũng lo sau cưới không sinh đẻ được nên muốn có chửa rồi cưới cũng sao.

Nhưng điều này phải trên cơ sở hai bên mong muốn thực hiện, còn nếu yêu đương để lại hậu quả cho nhau thì không nên". Ông cụ kể tiếc nuối một cặp đôi đang là sinh viên ngành công an, có chửa trước hôn nhân nên bị nhà trường cho nghỉ học.

Ông buồn vì hai bạn trẻ này đều học rất giỏi ở trường làng, tương lai rộng mở vậy mà giờ mỗi người một ngả. Người con gái sinh con một mình, chịu bao cực nhọc, vất vả chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ chín chắn.

Bà Thiêm theo chồng ra trông giữ đình làng, bà mẹ của bốn người con đã yên bề gia thất, "có nếp, có tẻ". Bà cũng chưa bao giờ cấm con gái phải giữ quan niệm ông cha một cách máy móc.

Khi các con đến tuổi cập kê, bà chỉ nhắc nhẹ: "Yêu đương, lấy nhau rồi sống sao cho người ta không chê trách được gì mình. Con gái sống phải trọn vẹn, giữ mình vì dù sao con trai cũng dễ bay bổng".

Thời của bà, phụ nữ rất chịu thương, chịu khó, một lòng thủy chung với chồng con. Có người chồng hi sinh ở chiến trường, tuổi vừa đôi mươi cũng ở vậy nuôi con nhỏ. Một con cũng dứt khoát không đi bước nữa, dù thiên hạ ít cũng 4-5 người con mới gọi là "giàu".

Cách đền Trinh Tiết không xa, nhà bà Lê Thị Vấn và bà Bùi Thị Dung chỉ cách nhau một bức tường mỏng chia hai khoảng sân nhỏ. Vườn bưởi ngọt nhà bà Dung vắt sang nhà bà Vấn trĩu quả, hai người phụ nữ đẹp lão này đã theo chồng về cùng một xóm từ lúc xuân xanh.

Mỗi người vừa sinh hạ được người con đầu thì chồng hai bà cùng nhau ra trận, rồi cùng nhau hi sinh trong chiến trận. Hai người vợ trẻ đẹp không hẹn mà cùng nhau thủ tiết thờ chồng, nuôi con cho tới cuối đời. Bà Vấn khi nhận tin chồng mất mới tròn 20 tuổi, còn bà Dung 23 tuổi, giờ cả hai đều ở tuổi thất thập cổ lai hi.

"Hồi đó, ông ấy hi sinh thì tôi nghĩ coi như mình cũng chết theo về mặt tinh thần rồi, tôi đốt hết thư từ, cả di ảnh của ông ấy, đau lắm. Chúng tôi đến với nhau tự nguyện, bằng tình yêu nên tôi không nghĩ gì đến chuyện đi bước nữa" - bà Vấn ngậm ngùi.

Bà Dung đỡ lời: "Chúng tôi hồi đó đâu có ai nghĩ đi bước nữa, cả làng ngày ấy cũng không ai tái giá".

"Không có quy định nào cấm người trong làng tái hôn lần nữa, mọi điều đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ xưa đến nay như một luật bất thành văn. Nó cứ tự nhiên truyền cho thế hệ mai sau nét đẹp trinh tiết, về đức hạnh, thủy chung vợ chồng" - ông Bùi Văn Thái, trưởng thôn Trinh Tiết, chia sẻ.

_________________________________

Làng Gà Luộc nằm bên bờ sông Lô, cửa ngõ cả một vùng trù phú kéo dài vài chục cây số từ tả ngạn sông Lô. Bến sông xưa trù phú...

Kỳ tới: Luộc gà đi lễ làng Gà Luộc

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 4: Nhất Huế, nhì Sịa Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 4: Nhất Huế, nhì Sịa

TTO - Xứ Huế kinh kỳ một thuở vẫn đang mang trong mình những địa danh độc âm kỳ lạ như Nong, Truồi, Sình, Chuồn, Sịa, Nọ, Nịu, Chuồn, Sam... Và ngay cái tên Huế cũng là một bí ẩn thách thức bao người khám phá.



TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên