27/02/2021 11:46 GMT+7

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 11: Dân tình mang tiếng 'tham chơi'

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Kể cả khi xã, huyện thống nhất 'giải oan' cho dân tình khỏi bị mang tiếng 'tham chơi' khi đặt lại địa danh thành Tham Trơi, thì người miệt sông nước này cũng hay bị hỏi: 'Bộ chơi bời dữ thần ông địa hả?'.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 11: Dân tình mang tiếng tham chơi - Ảnh 1.

Chính quyền đã thống nhất địa danh Tham Trơi, nhưng nhiều người vẫn quen gọi Tham Chơi - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Nghe qua là phải "nhíu mày"

Trên một bản tin giao dịch đất đai, chủ đất rao "Bán đất Thăm Chơi... ". Mẩu tin hầu như ít ai nghía mắt tới, bởi tất cả chỉ nghĩ nội dung rao bán này chắc là do bọn trẻ muốn đùa dai. 

Tình trạng này buộc người bán phải đăng tiếp bản tin thứ hai, lần này rõ ràng hơn: "Bán đất tại ấp Thăm Chơi, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau". 

Tận tường đến vậy, nhưng người bán đất cho biết trong số những cuộc gọi thì quá nửa là gọi hỏi... địa danh có thật không. 

"Họ hiếu kỳ về địa danh hơn là quan tâm đến miếng đất mình bán" - người chủ đất chẳng đặng đừng kể lại khi tôi nói trước mình quan tâm đến địa danh hơn là mảnh đất ở miệt xa xôi hẻo lánh.

Từ trung tâm huyện lỵ Trần Văn Thời, ngược về hướng Cà Mau vài cây số, khách bộ hành sẽ gặp cây cầu có tên "Tham Trơi". 

Mặc chữ nghĩa là vậy, nhưng dân bản xứ vẫn cứ hay gọi bằng giọng địa phương là "Tham Chơi", "Thăm Chơi"... Viết như nói, nhiều văn bản, thông tin mua bán vẫn thấy nhiều người dùng từ "Chơi" như một thói quen, thay vì "Trơi" vốn khó hiểu.

Hiếm có nơi nào chỉ riêng tên gọi địa danh mà người ta phải bàn đi tán lại nên gọi sao cho đúng. Bởi địa danh ở đây không còn đơn thuần là chỉ dẫn địa lý, mà nội dung của nó còn khiến người đời liên tưởng đến lối sống người trong xóm.

"Có thời gian đi đâu, mình nói là dân Tham Trơi, người ta lại hỏi "xứ anh người ta chơi bời dữ lắm sao" khi nghe ra Trơi thành Chơi" - ông Năm Thế (Tô Minh Thế) nói khổ nhất là đám thanh niên lớn lên đi tìm hiểu bạn gái, ghé nhà người ta nói mình xứ "Tham Chơi" là sẽ gặp ngay cái nhíu mày.

"Chắc ngày trước mấy ổng ăn chơi sao đó, rồi chết danh tới giờ" - ông Hai Việt (Lê Hồng Việt, 71 tuổi) nói những cụ già biết được gốc tích xứ này đã về với ông bà hết rồi. Giờ những người cỡ "lứa" như ông có lẽ không chứng kiến nhiều. 

"Phải hơn tôi cả chục tuổi mới biết, còn không thì thua". Còn những gì ông biết thực tế là xứ này ít sở làm ăn, huê lợi cũng không có nhiều, nên người xứ đi tứ tán kiếm kế sinh cơ. "Có ăn chơi hay không thì phải hỏi người xưa. Chứ giờ làm tối mặt tối mũi còn không đủ sống, có đâu mà ăn chơi để mang tiếng oan" - ông Việt chia sẻ.

Tham Trơi là con rạch bắt nguồn từ sông Ông Đốc chạy vắt qua một vùng rộng lớn trước kia là rừng rậm, nhiều hoang thú. Một thế hệ tiền nhân đến đây khai phá, lập nên xóm làng. Rất ít có tài liệu nhắc đến vùng đất này. 

Trong quyển Cà Mau xưa, đoạn nói về sông Ông Đốc, tác giả Nghê Văn Lương - Huỳnh Minh có nhắc đến xóm Thăm Trơi "ruộng đất phì nhiêu bao quanh". 

Còn trong Từ điển địa danh Cà Mau, tác giả Nguyễn Văn Quynh mô tả Thăm Trơi là "địa danh thuộc xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, kênh này có chiều dài 9.244m bắt nguồn từ cống Thăm Trơi chảy ra đến kênh Kiểu Mẫu, có một đoạn rất thẳng nên được gọi là kênh Ngây. 

Kênh này được thi công nạo vét vào năm 2000. Bên bờ kênh này, có một xóm dân cư đã hình thành từ thời kỳ đầu khai phá vùng đất Cà Mau, gọi là xóm Thăm Trơi, được ghi lại trong sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức".

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 11: Dân tình mang tiếng tham chơi - Ảnh 2.

Đình Thoại Ngọc Hầu ở xóm Tham Trơi - Ảnh: TIẾN TRÌNH

"Giải oan" khỏi tiếng chơi bời

Những tài liệu nhắc đến xóm Tham Trơi chỉ dừng lại ở việc mô tả, chứ chưa giải thích vì sao có phát tích của địa danh này. 

Ông Trần Lâm Đồng, nguyên chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, cho rằng chính vì có những điều chưa rõ ràng, nên một thời gian dài, địa danh của xóm "ai muốn gọi sao gọi, ai muốn viết sao viết".

Ông Chín Kết, người cao niên có uy tín trong xóm, giải thích ông nghe "ông bà già xưa" nói sở dĩ có tên Tham Chơi vì ngày xưa có ông quan Bộ Tham hay đến vùng này chơi, nên gọi là Tham Chơi. 

Nhưng ông đi đây đó, thỉnh thoảng lại nghe người ta nhắc đến xứ mình với những địa danh lạ như là "Thăm Chơi", thậm chí "Ham Chơi". Ông hỏi từ đâu có những tên đó thì lại được chỉ "nghe mấy ông bà già xưa nói lại".

Nhà sử học Hữu Thành, người có nhiều công trình địa chí ở vùng đất Cà Mau, khi được hỏi về Tham Trơi, đã giải thích rằng là vì ngày trước ở đầu vàm có một người tên Tham, ông này có đặc điểm là hay bày ra những trò mới cho người dân trong xóm tham gia chơi bời nên người ta lấy tên ông đặt cho con rạch trong xóm.

Tuy nhiên, ông Trần Lâm Đồng lại có một giải thích khác. Ông nói, chính ông là người trong cuộc tìm hiểu địa danh để thống nhất tên gọi cho xứ này: "Ngày trước, người dân gọi, viết về địa danh này rất lộn xộn. 

Có khi thì Tham Chơi, có khi lại Thăm Chơi, rồi Thâm Chơi, thậm chí là Ham Chơi... Gọi chơi thì được, nhưng khi viết ra, nhất là trong các văn bản pháp luật phải viết cho đúng. 

Mà người dân làm giấy tờ đem đến xã, họ viết theo hiểu biết hay thói quen của mình, sai hay đúng thì mình phải có căn cứ để chấp thuận hay "bẻ" người ta, phải giải thích cho rõ dân mới chịu. Lúc tôi còn làm chủ tịch xã, đã cùng tuyên giáo huyện tìm hiểu địa danh này cho kỹ, cho thuyết phục để thống nhất tên gọi".

Theo ông Trần Lâm Đồng, ban đầu ông cũng tìm hiểu sự tích có vị quan nào hay xuống vùng này chơi hay không. Nhưng những người lớn tuổi kể lại, ngày trước cũng có quan quyền xuống xứ này vài lần, nhưng họ chỉ đến khảo sát để thu tô, chứ xứ này có gì mà chơi bời.

Một câu chuyện có vẻ thuyết phục hơn là vào thập niên 40 của thế kỷ trước, trong xóm bỗng xuất hiện vợ chồng một người tên Tham. Hỏi ông từ đâu đến thì ông chỉ nói là từ "vùng trên xuống". Vợ chồng ông là những người hiểu biết, bày cho dân trong xóm kỹ thuật trồng trọt, khai phá, làm ăn. 

Lúc này, vùng đất mới cũng có người của nhiều đảng phái đến vận động ảnh hưởng. Ông Tham rất có uy tín trong vùng. Đi đến đâu ông cũng vận động người dân ủng hộ Việt Minh. Những bậc cao niên nói rằng ông ấy sống tại xóm chừng 10 năm thì đi đâu biệt xứ, chẳng còn ai biết tung tích.

Cũng thời điểm đó, ở cuối xóm có một người tên Trơi là người đạo đức, chí thú làm ăn. "Đầu rạch có ông Tham, cuối rạch có ông Trơi. Nên người ta hay gọi rạch ông Tham, ông Trơi. 

Sau này gọi luôn là rạch Tham Trơi" - ông Trần Lâm Đồng kể. Sau khi có cứ liệu này, ông đã trình lên HĐND huyện Trần Văn Thời thông qua để thống nhất tên gọi là ấp Tham Trơi. Vừa rõ ràng, vừa "giải oan" cho dân trong xóm khỏi mang tiếng chơi bời. 

"Mình quy định vậy, nhưng thói quen người ta vẫn cứ gọi Trơi thành Chơi, mà chuyện đó thì sao cấm kỵ được" - ông Lâm Đồng chia sẻ.

Mà cũng thiệt ngộ, ai về đất phương Nam, nghe giọng người Cà Mau rổn rảng nói Tham Trơi hay Tham Chơi cũng đều là... Chơi tuốt luốt.

Ở giữa xóm, người ta thấy có ngôi đền thờ Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Hữu Cảnh, trầm mặt bên ngã ba sông. Nếu cái tên của xóm còn gây nhiều bàn tán, thì ở đoạn ngã ba này, người ta nói cái tên "Bến Mả" là phù hợp nhất. Bởi trước đây là bãi đất trống, dân tứ cố vô thân có lìa trần thì cứ mang đến đây chôn cất.

Ông Năm Thế nói không biết có trùng hợp hay không, mà nhiều người đến mua mảnh đất này để cất nhà ở thì không bao lâu lại bỏ đi vì bị "quấy phá". Nhưng dù sao, đây cũng là một điểm "là lạ" khi xuôi rạch Tham Trơi.

************

Chỉ từ một lời thề nguyện mà gần ngàn năm trai gái ở hai ngôi làng đặc biệt không bao giờ lấy nhau.

>> Kỳ tới: Làng "chị em" ngàn năm không lấy nhau

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 10: Nong lên thì Truồi cũng lên Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 10: Nong lên thì Truồi cũng lên

TTO - Xứ Huế kinh đô một thuở với những tên làng, tên đất mỹ miều, lại có những địa danh rất kỳ lạ, chỉ độc một âm, không rõ nghĩa: Nong, Truồi, Sình, Sịa, Nọ, Nịu, Chuồn, Sam...

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên