27/02/2015 10:30 GMT+7

​Giai điệu quê nhà

Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN

TT - 8g thứ hai 13-10-2014. Chúng tôi xếp hành lý lên xe và rời làng Buhl.

Trước một cửa hàng bán sách báo, quảng cáo cho một số báo của Le Point với một đề tài rất... Alsace: Cải cách địa chính, đừng “ép” vùng Alsace - Ảnh: D.T.T.

Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi chỉ đến cùng gia đình Hoàng Nhi trong một ngày đêm. Nghĩa là vào chủ nhật 12-10 chúng tôi sẽ lên tàu đi thủ đô nước Pháp, với tấm vé đường sắt xuyên châu Âu của Eurail, loại 21 ngày.

Nhưng ơn trời, chúng tôi đã không có vé đi ngay. Lúc ở nhà ga Strasbourg, trong khi tôi và Hoàng Nhi đi đón Thảo Nguyên, Vĩnh Thắng vào quầy book vé.

“Với vốn tiếng Pháp ít ỏi của mình cộng với vốn tiếng Anh ít ỏi của cô nhân viên nhà tàu, tình hình là sẽ không có vé đi Paris vào ngày mai” - Vĩnh Thắng thông báo kết quả như thế.

Và Hoàng Nhi sau khi vào ra quầy vé cũng đã xác nhận thực tế đó. Vậy nên có thêm một ngày nữa để ghi nhật ký.

Chiều tối thứ bảy Strasbourg, cả bọn quay về lại căn hộ của Lai. Chúng tôi không gặp được Hà, vợ của Lai, đang mang bầu đứa con đầu lòng. Và em bé lúc chào đời, dù gái hay trai, nhất định sẽ được đặt tên là Trường Sa. Riêng chồng và con Hoàng Nhi đã có mặt đông đủ.

Và bất ngờ hơn, một thứ bất ngờ đến chảy nước mắt: món bún bò đãi khách của Lai đã sẵn sàng. Có ớt sa tế, có nước mắm nguyên, có giá sống, bắp chuối, rau thơm.

Lai cứ luôn miệng tiếc mãi rằng nồi nước lèo đáng lý phải để được qua đêm mới đậm đà, rằng còn thiếu hai thứ không kịp mua là huyết và chả nên vẫn chưa thiệt vừa ý.

Lai đúng là một người ăn bún bò và nấu bún bò chuyên nghiệp. Bạn ấy vốn là đồng hương xứ Gia Lai của Hoàng Nhi.

Nhưng với tôi, sau một ngày lội bộ không ngớt, sau nhiều ngày chán ngán với bánh mì, xúc xích, phô mai, thì tô bún bò này quả là “thơm ngon đến giọt cuối cùng” với những miếng bò bắp, miếng gân giòn không chê vào đâu được.

Nhưng chưa hết, vẫn còn một bữa tiệc tối tại nhà Hoàng Nhi lúc 22g30.

Hoàng Nhi dĩ nhiên là đầu bếp chính. Tôi và Tuấn cùng xuống hầm rượu mang lên hai chai vang trắng. Chị Thanh Hương cắt khoanh xúc xích thành từng lát mỏng. Thảo Nguyên thái hành tây, chẻ hành lá. Thu Hà dọn bàn, xếp chén.

Còn Vĩnh Thắng chơi đùa cùng hai nàng công chúa dễ thương, ngoan hiền và lễ phép, hai đứa con của Tuấn và Nhi: Cát Linh và Thục Lam, tên gọi ở trường là Margot và Maya...

Bữa tiệc khai vị theo kiểu Đông Tây hòa hợp: xúc xích khô của Pháp và món bắp xào của ta, cùng nhau đưa chuyện trong ánh đèn vàng ấm cúng. Món chính là chả cá Lã Vọng với cá ba sa philê, với chánh hiệu bún và mắm tôm, hành trộn thì là.

Suốt bữa tiệc là vang trắng Alsace, Hoàng Nhi cho tôi biết nếu Bordeaux nổi tiếng cả thế giới với rượu vang đỏ thì Alsace xếp đầu bảng về vang trắng, kèm theo những cuộc chuyện trò không dứt.

“Sân khấu về khuya” là chuyện dữ liệu lớn hay dữ liệu nhỏ. Tuấn, người Hà Nội, hiện là một chuyên gia phân tích dữ liệu, duyên may lại gặp chính Vĩnh Thắng, biên tập viên trực tiếp làm sách Dữ liệu lớn - Cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tư duy (Vicktor Mayer - Schoenberger và Kenneth Cukier, bản dịch của Vũ Duy Mẫn, NXB Trẻ, 2014).

Tuấn vốn ít nói, nhưng đến màn này, cảnh này lại vào cuộc sôi nổi trình bày và tranh luận về cái đúng, cái hay cũng như cái bất cập của hệ thống lý thuyết về Dữ liệu lớn: hóa ra xét đến cùng dữ liệu lớn lại phụ thuộc vào dữ liệu nhỏ!

Tiệc tàn lúc 1g30 sáng khi chúng tôi... không còn “dữ liệu” để “phân tích” nữa!

...Ngày chủ nhật có đủ ba bữa ăn ngon: sáng có phở gà xé đúng điệu với bánh phở và tương ớt, trưa có bún chả cá và cơm chiều với canh măng giò heo và cánh gà chiên nước mắm.

Nhưng bữa tiệc đáng nhớ nhất lại là một bữa tiệc... hát ca!

Hoàng Nhi - cô gái Việt hiếu khách ở Strasbourg - Ảnh: D.T.T.

Sau khi rời Wissembourg về và ăn trưa xong, 15g30 Tuấn đánh xe đưa Thảo Nguyên qua bên kia, đến thành phố Karlsruhe (Đức) để cô bạn đón xe buýt về Düsseldorf, rồi đón tàu để về nhà cho kịp ngày học. Những người còn lại dự định sẽ được Hoàng Nhi đưa đi tham quan Baden - Baden của Đức.

Nhưng thật bất ngờ, Hoàng Nhi đã cầm đàn guitar và hát... Và chúng tôi không cầm lòng được nữa! Phải hát thôi!

Tất cả chúng tôi, từ Vĩnh Thắng tuổi trẻ đến chị Thanh Hương sắp sửa về hưu, từ Hoàng Nhi đàn hay hát giỏi đến sếp Thu Hà lần đầu tiên... chơi nhạc sống, đã đồng ca say sưa trong tiếng đàn trật nhịp, nhầm hợp âm của tôi và những ca từ có lúc người nhớ kẻ quên.

Khai vị là Mùa thu cho em: Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ, em có nghe nai vàng hát khúc yêu thương... Chính bài hát tình yêu giữa mùa thu này đã làm bật lên cảm xúc dâng trào khiến chúng tôi không dừng được nữa, làm ngay một mạch những bài hát của một thời tuổi trẻ sôi nổi không thể nào quên.

Chúng tôi hát từ Bài ca Trường Sơn đến Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, từ Lá xanh đến Nhánh lan rừng, từ Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Đêm thành phố đầy sao đến Ngõ vắng xôn xao...

Tiếng hát từ lồng ngực mang theo máu nóng của tuổi thanh xuân bay lên, tan ra, ngấm vào ngôi nhà của bạn tôi nơi xứ lạ khiến chúng tôi như những kẻ lên đồng, hát như chưa bao giờ được hát và sẽ mãi không bao giờ quên.

“Bữa tiệc” này vẫn tiếp tục khi chúng tôi cùng “hát nhép” theo đĩa nhạc Mùa hoa đỏ trong xe hơi của Hoàng Nhi, lúc đưa bạn chúng tôi rời nhà để đến nhà ga Strasbourg.

Những giai điệu của Việt Nam quê hương tôi, Việt Nam trên đường chúng ta đi, Đường ta đi dài theo đất nước, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Xuân chiến khu... theo mãi chúng tôi trên chuyến tàu cao tốc TGV 9576 hướng về Paris mà lòng như vẫn còn ở lại nơi căn nhà của làng Buhl.

Để nhớ mãi cảnh ba cha con nhà họ Vũ đang ra đòn, đang vật nhau trong bộ võ phục nhu đạo và tiếng cười hồn nhiên. Để nhớ mãi căn bếp ấm không bao giờ ngưng ngọn lửa yêu thương cho những bữa ăn đậm đà hương vị quê nhà. Và để nhớ mãi cái sắc đỏ không phai từ áo váy, từ tiếng hát và từ trái tim của bạn tôi: Nguyễn Thị Hoàng Nhi!

10-2014 - 1-2015

Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên