27/05/2012 04:30 GMT+7

Giấc mơ xanh trên "hòn đảo chiến trận"

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - “Không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa (...). Nhưng Cồn Cỏ không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo”...

ysMKng54.jpgPhóng to
Cảng Cồn Cỏ bình yên - Ảnh: L.Đ.D.

Chỉ mấy câu ngắn gọn như thế trong bút ký Cồn Cỏ ngày thường của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đủ khái quát hết thế đứng của Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Quảng Trị.

Từ “chiến hạm” đến “du thuyền”

Chỉ rộng hơn 2km2, chu vi vừa vặn 6km nhưng những năm chiến tranh Cồn Cỏ là một trong những địa danh khốc liệt nhất. Hiếm có hòn đảo nào ngày chiến tranh lại có nhiều nhà văn tên tuổi cùng sống, cùng chiến đấu với lính đến vậy.

Giờ đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua, đọc lại những quyển sách Họ sống và chiến đấu (Nguyễn Khải), Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Hồ Phương) hay bài thơ Cồn Cỏ của Nguyễn Trọng Oánh... vẫn còn “nghe” mùi khói đạn vương trong từng câu chữ. Các trận địa trên đảo mang tên các địa danh của cả nước như đồi Hải Phòng, khu Hà Nội (quê hương lính đóng tại vị trí đó) nay vẫn giữ nguyên tên gọi.

Từ bờ biển Cửa Tùng, ngày đẹp trời sẽ nhìn thấy Cồn Cỏ hiện ra như một vệt xanh mờ sau sóng nước. Thuyền cập cảng, càng bất ngờ hơn khi cả đảo ngập một màu xanh nõn óng ả, thứ sắc xanh cây lá chỉ có ở những hòn đảo được kiến tạo từ hoạt động của núi lửa giữa biển khơi.

Những cánh rừng xanh với nhiều loại gỗ quý giờ đã kịp hồi sinh, những đàn khỉ được thả ban đầu nay đã sinh sôi con đàn cháu đống. Cồn Cỏ có chất đất badan màu mỡ, quanh đảo là các thềm đá badan phong hóa rất độc đáo.

Mùa hè năm 1992, chuyến điền dã của giáo sư Trần Quốc Vượng và các cộng sự ra Cồn Cỏ đã mang về những thông tin quý giá: Cồn Cỏ đã có những dấu vết của thời đại đá cũ. Và từ những năm đầu Công nguyên, Cồn Cỏ đã có những cư dân Chăm sinh sống, đó cũng là nơi những đoàn thuyền Đại Việt ghé nghỉ ngơi trên những hành trình vượt biển...

Xq6XNba5.jpgPhóng to
Đài tưởng niệm những người hi sinh trên đảo - Ảnh: L.Đ.D.

Nối hai chiều thời gian

Tháng 10-2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Trút chiếc áo chiến trận, hòn đảo quân sự nay đã mang một vị thế khác với chủ trương phát triển kinh tế theo cơ cấu du lịch - dịch vụ - thủy sản - lâm, nông nghiệp. Những cư dân từ đất liền đã ra đảo sinh sống làm ăn, những ngôi nhà ấm tiếng trẻ bi bô mọc lên, lớp mẫu giáo trên đảo được xây dựng mang cái tên rất biển đảo: Trường mầm non Hoa Phong Ba.

Cảng cá và dịch vụ hậu cần ra đời, những con thuyền của ngư dân từ nhiều miền đất nước ghé lại đảo để tiếp dầu, tiếp nước cho những chuyến đánh bắt dài ngày.

Ngay từ khi thành lập, Cồn Cỏ đã thuê chuyên gia Cuba đến lập quy hoạch, biến hòn đảo thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Hòn đảo đặc biệt bởi bước từ bờ biển lên sẽ gặp ngay khu rừng với hệ sinh thái nhiệt đới ba tầng khá hiếm ở các đảo núi lửa VN. Rạn san hô ở đây cũng được nghiên cứu và đánh giá chỉ sau Phú Quốc, Côn Đảo và Hòn Mun. Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã được thành lập nhằm bảo vệ hệ sinh thái san hô này cùng các loài động thực vật quý hiếm.

Những bãi tắm ở Cồn Cỏ vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên thủy và độc đáo. Bãi Nghè đẹp nhờ sự phong hóa của các tầng đá badan thì bãi Hương Giang lại mang vẻ đẹp trắng mịn của đá san hô và bãi đá đen với hàng vạn viên đá tròn đen bóng như những viên ngọc trai đen khổng lồ nằm phía tây bắc đảo.

Còn gì thú vị hơn khi sau một ngày leo đồi đến với những di tích xưa, lang thang trong khu rừng nguyên sinh rợp mát... chiều về lại vùng vẫy trên những bãi tắm hoang sơ. Và đêm đến, những chiếc thuyền câu quanh đảo sau vài chục phút đã đủ cho bạn những nồi cháo cá tươi thơm nức. Riêng con cua đá nổi tiếng trong bài hát Cồn Cỏ có con cua đá nay đang được bảo vệ bởi lệnh cấm bắt cua đá nhằm giữ gìn hệ sinh thái cho Cồn Cỏ.

Với những chứng tích lịch sử một thời trận mạc, những di chỉ văn hóa mới được phát hiện, cộng với đặc thù của một hòn đảo kiến tạo từ hoạt động của núi lửa, Cồn Cỏ sẽ là điểm du lịch hội nhiều yếu tố hấp dẫn du khách, nối quá khứ vào tương lai.

Đầu tháng 4-2012, ban thực hiện dự án du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng phối hợp Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Trị và UBND huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại đảo Cồn Cỏ cho các doanh nghiệp du lịch - lữ hành, các nhà đầu tư để có cơ sở triển khai tour du lịch thăm đảo trong mùa hè này.

Dù chưa có tour ra Cồn Cỏ nhưng bạn vẫn có thể ra đó theo thuyền cá của ngư dân đi từ cửa Tùng hay cửa Việt. Đảo hiện có đủ nhà nghỉ, hệ thống dịch vụ... Và chỉ cần thức một đêm với đảo, bạn sẽ cảm nhận những cảm xúc riêng có ở hòn đảo một thời khét lẹt mùi đạn bom này.

“Chiến hạm không bao giờ chìm” trên vĩ tuyến 17

Khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước, Cồn Cỏ nằm ở vị trí 17O08’15’’ tới 17O10’05’’ vĩ độ bắc, gần như sát rạt bên đường giới tuyến kéo dài từ cửa Tùng ra thêm 15 hải lý về phía biển Đông. Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến, bởi chiếm được hòn đảo án ngữ phía nam vịnh Bắc bộ này, địch sẽ có được bàn đạp “cai quản” một vùng biển rộng lớn, thâm nhập hậu phương miền Bắc.

Nhưng nếu đã đọc các trang sách về Cồn Cỏ những năm tháng bom đạn ấy, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu có dịp trở lại hòn đảo này.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên