Giấc mơ về một cường quốc văn chương đang trở thành hiện thực

ĐOÀN CẦM THI 12/11/2022 06:29 GMT+7

TTCT - Tôi vẫn muốn chúc mừng Hàn Quốc: giấc mơ về một "cường quốc văn chương" của các bạn đang trở thành hiện thực.

Giấc mơ về một cường quốc văn chương đang trở thành hiện thực - Ảnh 1.

GS Đoàn Cầm Thi phát biểu tại một phiên thảo luận của fesstival.

Tại Asian Literature Festival lần IV (thành phố Gwangju, Hàn Quốc) với tư cách là chuyên gia văn học Việt Nam của Inalco (Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương Paris) và là người sáng lập Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại (NXB Riveneuve Pháp), tôi trình bày về việc xuất bản văn học châu Á, đặc biệt là văn học Hàn (trong tương quan với văn học Việt Nam) ở châu Âu.

Người Hàn vốn thiết thực, dường như băn khoăn muốn biết văn chương của mình được phương Tây đánh giá thế nào. Năm 2019, xứ kim chi đã giành giải Cành cọ vàng cho phim Ký sinh trùng của Bong Joon Ho, liệu giấc mơ về một Nobel văn chương có được coi là không quá viển vông?

Để trả lời câu hỏi này, tôi nhắc tới khái niệm "Nền Cộng hòa văn chương thế giới" mà Pascale Casanova trình bày trong cuốn sách cùng tên (NXB Seuil, 1999), theo đó văn học thế giới là một lãnh địa được cấu trúc bởi những bất bình đẳng, nó chứa đựng các nền văn học "thống trị" và "bị thống trị". 

Theo Casanova, giá trị của một nền văn học được đo lường không phải bằng số lượng độc giả của quốc gia đó mà bởi độc giả nước ngoài, do đó dịch thuật đóng vai trò cốt yếu. Như vậy, trên bình diện quốc tế - mà việc giành giải Nobel là một tiêu chuẩn tạm coi là khả thi, văn học tiếng Trung (hai giải Nobel) kém "uy lực" hơn văn học tiếng Đức (10 giải Nobel) hay tiếng Anh (13 giải Nobel).

Tương tự, về tốc độ phát triển kinh tế, Pháp kém Trung Quốc. Nhưng về văn chương, tương quan này rõ ràng bị đảo ngược vì Pháp là chủ nhân của 17 giải Nobel và tạm thời giữ chân vô địch toàn cầu. Đơn giản vì nếu một tiểu thuyết Trung Quốc có thể có được hàng triệu độc giả tiếng Trung thì nó thường hiếm được đọc ở bên ngoài. Văn học Trung Quốc phong phú và lâu đời, điều đó khó có thể phủ nhận, nhưng quả thực nó ít được giới thiệu ở phương Tây.

Nhận định này dẫn đến một câu hỏi khác: Đâu là những ngôn ngữ "tuyệt chiêu" cho việc dịch văn chương? Anh và Pháp! Trong nhiều trường hợp, Pháp lại có vẻ nặng ký hơn. Ban giám khảo Nobel cũng như nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới đều có một hay nhiều thành viên có khả năng đọc thành thạo tiếng Pháp, với nhiệm vụ theo sát thị trường xuất bản xứ lục lăng, nhằm khám phá những tác phẩm mới.

Trường hợp Cao Hành Kiện, chủ nhân giải Nobel năm 2000, là một ví dụ khá điển hình. Trước đó, rất ít người biết nhà văn lưu vong sống tại Paris này là ai bởi ông viết bằng tiếng Trung. Nhưng khi tiểu thuyết Linh Sơn (in năm 1990 tại Đài Loan) được dịch và in tại Pháp năm 1995, nó đã khiến hội đồng Viện hàn lâm Thụy điển nhìn ra ông.

Việc được dịch sang tiếng Pháp vẫn là "hộ chiếu" cho các tiểu thuyết viết bằng các ngôn ngữ "hiếm" (dựa theo tiêu chí dịch thuật), bao gồm những tiếng như Trung, Nhật, Hàn, Ả Rập, Việt hay Indonesia (dù trên thực tế chúng thuộc về những quốc gia đông dân nhất thế giới).

Theo thống kê của UNESCO, Pháp là nước phương Tây dịch nhiều tác phẩm tiếng Hàn nhất. Trong giai đoạn 1979 - 2012, có 1.055 đầu sách Hàn được dịch ở Pháp, trong khi con số này ở Đức chỉ là 208 và ở Mỹ là 193. Pháp cũng là nước dịch nhiều sách Việt nhất, nhưng các con số thấp hơn rất nhiều: 159 cuốn. Ở Mỹ là 121 cuốn, ở Nga là 121 cuốn, còn ở Đức mới có 29 cuốn.

Theo giới chuyên môn, từ 2012 đến nay, văn học Hàn không ngừng thâm nhập thị trường Pháp. Năm 2016, nó chính thức được vinh danh tại Hội chợ sách Paris. Đâu là bí quyết thành công? Hàn Quốc có những mô hình tuyệt diệu để quảng bá văn chương như Viện Dịch thuật quốc gia và các quỹ phi chính phủ. 

Các tổ chức này ủng hộ bằng nhiều cách (trao giải thưởng cho một số tác phẩm dịch ra ngoại văn, giúp đỡ tài chính cho các dịch giả và các nhà xuất bản nước ngoài) nhưng không can thiệp vào việc lựa chọn, dịch, xuất bản và phát hành, đơn giản vì công việc này phải được thực hiện ở chính nước liên quan.

Dịch văn học, với Hàn Quốc, rõ ràng đã là một chiến lược quốc gia. Văn chương Hàn bắt đầu có dịp "đối đầu" với các nền văn chương khác. Tôi tin rằng trong văn chương nghệ thuật cũng như mọi ngành nghề, cọ xát và cạnh tranh là một trong những lực đẩy có sức mạnh ghê gớm nhất. Không gì kích thích nghệ thuật hơn những sóng gió với bên ngoài. Tương tự, không gì phản sáng tạo hơn sự bình yên ru ngủ.

Đương nhiên, người nghiên cứu văn học Việt như tôi không khỏi ngậm ngùi: mặt bằng văn học Việt quá thấp, dịch thuật còn ủ ê hơn. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Tôi vẫn muốn chúc mừng Hàn Quốc: giấc mơ về một "cường quốc văn chương" của các bạn đang trở thành hiện thực.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận