Giấc mơ về một cung đường thảo mộc

NGUYỄN THU QUỲNH 10/11/2022 06:09 GMT+7

TTCT - Nếu lấy xuất phát điểm từ Sa Pa, qua một vòng cung các dãy núi, từ Fansipan của Lào Cai đến sống lưng khủng long ở Bình Liêu, cao nguyên đá Đồng Văn, sẽ hình thành "cung đường thảo dược", mà trên đó là những thương hiệu độc đáo từ dược liệu địa phương.

Giấc mơ về một cung đường thảo mộc - Ảnh 1.

Hoa mua trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Những thung lũng và rừng thường xanh Hoàng Liên Sơn mang gần 3.000 loài thực vật, chiếm 2/3 các họ thực vật của Việt Nam, cũng là hợp lưu đa dạng tộc người nhất ở Việt Nam, là cội nguồn để những Lý Láo Lở người Dao đỏ ở Tả Phìn, những Ly Mò Giờ, Sần Thó Xuy, Ly Chí Cà người Hà Nhì đen ở Y Tý mà tôi gặp trong chuyến đi này... đưa những bài thuốc tắm người Dao, những vườn thảo dược trên mây, những nét hoa văn thổ cẩm thành sản phẩm bán chạy. Vừa tiếp tục nối dài tri thức truyền thống, vừa giữ được môi trường sinh thái, họ "hồi sinh quá khứ, đối diện tương lai" (*) trên vùng thâm sơn cùng cốc kỳ ảo nhưng khắc nghiệt và mỗi ngày mỗi sa sút tài nguyên này.

Chìm vào xứ hoa dại

Chuyến đi như một giấc mơ, đi và mơ giữa những triền núi, vút lên hết non cao Tả Phìn, Sa Pa... xuống cánh thấp hơn phía Dền Sáng, Bát Xát, sau những cung đường hẹp, cua gấp khúc tay áo đến nín thở, mở ra một miền bình nguyên thoai thoải, ruộng bậc thang chảy tràn hai bên bờ suối Mường Hum. Đi triền miên giữa một bên vách núi dữ dội, dốc đứng, một bên là núi và trời xanh vời vợi, như tính cách của người miền núi thẳng thắn, dữ dội và khoáng đạt. Đi vào màn đêm, giữa tiếng rì rầm của núi, những bông hoa tim tím ướt sương, đi vào mây phủ quanh năm ở cánh rừng xanh thăm thẳm này.

Tôi như đồng chí giao thông huyện trong truyện Rẻo cao của Nguyên Ngọc bị chậm giao báo Đảng, vì hễ "cứ đến mùa xuân, khi những sườn núi lẫn trong sương mai trắng xóa bắt đầu nở những đóa hoa màu tím nhạt, thì y như rằng hoa tím lại giữ chân đồng chí giao thông huyện ở dọc đường". Rồi lại đi như mơ giữa những dải ruộng bậc thang thơm ngát mùi lúa chín ở các bản Lao Chải, Phìn Hồ, Mò Phú Chải, Y Tý, Bát Xát, mùi rạ mới gặt còn tươi, những chiếc mũ đỏ mà cô gái Dao đội như đốm lửa nhấp nhô trên thửa ruộng mùa gặt, những chiếc váy rực rỡ xòe dưới tán cây trong vườn thảo dược, những nét xanh huyền trên tà áo người Hà Nhì.

Đi giữa đêm đại ngàn, nơi dấu chân những người Hà Nhì, người Dao, người Mông, người trước kẻ sau vượt núi băng rừng đến với vùng đất này từ 5-6 trăm năm trước, mới thấm hiểu những nét hoa văn trên tà áo, trên khăn, trên túi người phụ nữ đang ngồi thêu bên đường. Những mô típ hoa văn - biểu tượng cô đọng nhất của tộc người - được gìn giữ sau những chặng đường thiên di phía bên kia biên giới về phương Nam. Trên áo người đàn ông là những ánh sao lấp lánh chỉ đường trong nền chàm đêm đen thẫm, những ngọn đèn cấp sắc trong lễ trưởng thành mà mỗi người đàn ông Dao bắt buộc phải trải qua. Trên vạt váy dài của người phụ nữ là những lá dương xỉ, những bông hoa li ti trên dãy Hoàng Liên, là cây lúa, là ruộng bậc thang thêu bằng sợi tơ tằm vàng óng đung đưa.

Giữa cái lạnh ướt sương đêm, tôi chạy ùa vào căn nhà trình tường vàng sậm của Mò Giờ. Vợ Mò Giờ nấu cơm trên cái chảo trong căn bếp đỏ lửa. Cả căn nhà nghi ngút khói, khói lam trùm lên dải ngô vàng ruộm treo trên vách đất, lên căn gác phơi sấy đủ hạt kê hạt mạch, thịt và thảo quả, len lách qua mái tranh để hòa vào mây và sương núi.

Chiếc chảo đầy ắp thịt vịt thả dưới ao nơi chân ruộng bậc thang, ớt đỏ sấy khô, thảo quả đỏ vừa độ chín cắn lớp vỏ mềm là vị cay ngọt xông lên mũi, hạt tiêu rừng vị hắc rất lạ. Cuối cùng là rau Pạ Phì chỉ có ở Y Tý ăn tê đầu lưỡi, ai chưa quen mà lỡ ăn nhiều sẽ thấy nôn nao say.

Giấc mơ về một cung đường thảo mộc - Ảnh 2.

Những phụ nữ Hà Nhì đen ở chợ phiên Y Tý.

Cung đường thảo dược

Sáng hôm sau, vẫn giữ nguyên vị men say của những chiếc lá Pạ Phì, tôi tỉnh giấc từ lúc mặt trời chưa rạng, đi theo tiếng chim hót trên cành lê dại ngay đầu hồi nhà, trèo lên núi chờ đợi mây ùa xuống thung lũng.

Có lẽ không đâu nhiều hoa dại như nơi này, ra khỏi nhà là gặp hoa đào đông đang kỳ nở rộ, mấy bông đỗ quyên cuối mùa, bất cẩn là giẫm phải đóa hoa mua rừng tím ngắt hoặc một bông chuông nhỏ tím hồng, một bông hoa bồ công anh xanh biếc trên chiếc thảm thực vật giàu có nhất Việt Nam này. Trong mây còn có cả một vườn thảo dược mà PGS Trần Văn Ơn ở Y Tý mang về trồng, đủ loài kỳ hoa dị thảo, kim ngân Hy Mã Lạp Sơn, quỷ xuy tiêu, thanh anh, thu hải đường Vân Sơn, ngọc trúc, mao lương đất, quan thần hoa, thượng tiễn… từ núi Lảo Thẩn, Kỳ Quan San. Nhiều cây còn chưa có trong danh lục các loài thực vật Việt Nam.

Người dưới xuôi vẫn nghĩ về miền núi theo hai thái cực trái ngược: một bên trầm trồ trước vẻ choáng ngợp, bí ẩn nhiều khi cổ quái; một bên thương hại và có khi coi thường sự nghèo túng, không biết cách làm ăn, giữ những nếp nghĩ lạc hậu đến mốc thếch. Cả hai thái cực đều là của một cái nhìn từ bên ngoài dãy núi non này vào.

Vì đứng từ bên ngoài nhìn vào, làm sao mà biết người trên rẻo cao ngàn năm nay sống hòa hợp nhất với thiên nhiên: chặt lấy cây gỗ đủ dựng nếp nhà nâu, đủ làm hộp trình tường đất ẩn mình vào cánh rừng, bằng những ruộng bậc thang theo đường đồng mức, bằng nghi lễ kính ngưỡng thần rừng thần nước, bằng sự tôn thờ những khu rừng cấm và mạch nước đầu nguồn. Chính là để giữ gìn vẻ đẹp ấy, để không khai thác đến cạn khô và tận diệt, không làm trôi mất nóc nhà của xứ sở, khu hệ động thực vật trong địa hình chia cắt mạnh và dốc đứng này. Giữa miền xuôi miền ngược là khoảng cách mênh mông giữa các ngôn ngữ, các nền văn hóa, biểu tượng, hệ thống tri thức, khiến người miền núi không sao giải thích cho người bên ngoài hiểu được.

May sao, trong số ít người bản địa nơi đây tìm được đường đi giữa những khác biệt, Láo Lở và Mò Giờ mày mò vươn lên bằng tài sản trí tuệ từ quá khứ nghìn năm của tộc người, bằng bản sắc văn hóa và vẻ đẹp vùng cao.

Giấc mơ về một cung đường thảo mộc - Ảnh 3.

Chảo Sử Mẩy - người phụ nữ Dao đỏ rất rành nghề thuốc.

Nhưng con đường mà Lở đi 15 năm cũng gập ghềnh như đường lên núi Lảo Thẩn, đi mãi rồi mới thành đường lớn. Láo Lở cùng mẹ Chảo Sử Mẩy và cô Lý Mẩy Chạn - những người phụ nữ mạnh mẽ, thạo rừng, biết nghề thuốc nhất vùng - cùng 10 "cổ đông" đầu tiên trong Tả Phìn xây ngôi nhà tắm thuốc người Dao đỏ, được PGS Trần Văn Ơn và đồng nghiệp ở Trường đại học Dược Hà Nội hỗ trợ chuyên môn, đánh giá dược chất trong từng vị thuốc, chứng minh dược tính, chỉnh lý công thức. Có lẽ không có mấy doanh nghiệp có cổ đông như Sapanapro của Lở: không có tiền, chỉ góp vốn bằng công, bằng tranh tre, bằng gỗ, dựng nhà rồi lại đổ ba lần mới thành, xây dựng xong còn không biết cách tiếp thị.

Thời gian đầu khó khăn đến tuyệt vọng, đi lên rừng bắt con dúi tìm cái măng còn mua được gạo muối, chứ đeo đuổi những nồi thuốc tắm này biết bao giờ đủ gạo chứ đừng nói tới giàu. Lại còn phải điều chỉnh thuốc vì bài thuốc tắm hơn ba chục vị thuốc có nhiều vị mạnh để giãn bắp chân bắp tay sau cả ngày đeo gùi, leo núi có thể khiến mấy người khách dưới xuôi lên bị ngợp, tắm xong say thuốc nằm lăn quay... Cách làm thô mộc, "hữu xạ tự nhiên hương", kiên trì… lỗ ba bốn năm, rồi khách đi du lịch qua Sa Pa tự mách nhau tới tắm thuốc.

Sau từng ấy năm lăn lộn, ngồi kể tôi nghe, Láo Lở bình tĩnh và mạnh mẽ như con gấu trong rừng, ánh mắt sáng, âm giọng trầm rền bảo giờ đã tự tin đưa sản phẩm đi khắp 100 đại lý cả nước và đang mở rộng thêm nhà máy chế biến thảo dược. 

Trên nền ngôi nhà nhỏ năm xưa chỉ từng người tắm một, chưa đón được khách tới ở, nay Lở đã xây cơ ngơi homestay rộng rãi, đón được cả chục lượt khách ở, lại đang dựng ba căn bungalow gỗ trong rừng. Những chai nước tắm đáp ứng đủ các chuẩn đi vào các bệnh viện tắm cho mẹ và bé, đi vào các siêu thị, vào spa sang trọng. Cơ ngơi ấy là của gần 120 cổ đông, từng người từng người cùng xây dựng khu vườn thuốc cộng đồng dưới chân rừng già.

Ở Y Tý, Mò Giờ, Thó Xuy, Chí Cà còn đang khó khăn nhiều, rụt rè bỡ ngỡ với Y Tý Farmstay nhưng sẽ bước vào con đường mà Láo Lở đã mạnh dạn khai phá, đã có bài học kinh doanh, mô hình của Lở. Y Tý Farmstay sang học hỏi, nhận nhượng quyền sử dụng thương hiệu bài thuốc tắm của Lở, trồng vườn thảo dược trên mây và luôn có thầy Ơn ở phía sau hỗ trợ chuyên môn.

PGS Trần Văn Ơn vẫn nuôi khát vọng xây vườn thảo dược dọc cánh cung Hoàng Liên Sơn này. 15 năm nay, một ba lô và chiếc xe bảy chỗ, anh đi khắp các hang cùng ngõ hẻm Tây Bắc và Đông Bắc để hướng dẫn những người học trò từ núi cao như Lở. 

Nếu lấy xuất phát điểm từ Sa Pa, qua một vòng cung các dãy núi, từ Fansipan của Lào Cai đến sống lưng khủng long ở Bình Liêu, cao nguyên đá Đồng Văn, con đường anh đi đang hình thành "cung đường thảo dược", trên cung đường đó là những thương hiệu độc đáo từ dược liệu địa phương. Anh và những học trò thật thà chất phác của anh, mỗi người đều đang viết tiếp giấc mơ ấy, để trí tuệ cộng đồng không bị mất đi, và cộng đồng người dân ở đây sở hữu chính tài sản của mình, làm chủ vận mệnh của họ bằng các sản vật địa phương.■

Giấc mơ về một cung đường thảo mộc - Ảnh 4.

Ngôi nhà trình tường của Mò Giờ.

(*) Chữ của John Kleinen trong cuốn Làng Việt: đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận