16/06/2014 11:24 GMT+7

Giá vàng, dầu thô "trỗi dậy" vì căng thẳng Iraq

C. LUÂN
C. LUÂN

TTO - Ngày 16-6, giá dầu và vàng đã tăng gần mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua, khi bạo lực leo thang ở Iraq làm dấy lên lo ngại nguồn cung dầu bị gián đoạn và đẩy mạnh nhu cầu mua tài sản an toàn.

* Giá vàng trong nước bất động

yiw4wcMY.jpgPhóng to
Khủng hoảng xung đột sắc tộc tại Iraq - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong khối OPEC - đe dọa sẽ giảm nguồn cung dầu thô cho thị trường thế giới - Ảnh: Bloomberg

Đồng thời, trái phiếu chính phủ được xem là thước đo cho rủi ro của thị trường chứng khoán châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần.

Dầu và kim loại quý đồng loạt tăng giá

Giá vàng trong nước bất động

Giá vàng giao ngay tại châu Á sáng 16-6 tăng 4,50 USD lên 1.280 USD/ounce, tương đương 32,70 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá kim loại quý giao dịch tại thị trường Mỹ tăng mạnh do căng thẳng tại Iraq. Trong khi giá vàng giao dịch tại thị trường trong nước vẫn giữ nguyên mốc cũ của tuần trước.

Hiện giá vàng SJC mua vào vẫn ở mức 36,68 triệu đồng, bán ra 36,78 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới giảm xuống còn 4 triệu đồng/lượng. (H.NHƯ)

Lúc 10g30 sáng 16-6 (giờ Tokyo), dầu Brent tăng 0,5% lên 112,97 USD/thùng và dầu WTI tăng 0,5% trong ngày tăng thứ tư liên tiếp.

Vàng tăng lên 1.281,38 USD/ounce sau khi tăng 1,9% hồi tuần trước. Kim loại quý này đã chạm mức giá trong ngày cao nhất - 1.282,43 USD/ounce - kể từ ngày 27-5. Bạc tăng 0,7% lên 19,83 USD sau khi tăng 3,5% hồi tuần trước - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng Hai. Platinum tăng 0,5% lên 1.442,25 USD/ounce.

Palladium tăng 0,95 lên 821,90 USD/ounce sau khi giảm 3,7% trong tuần trước.

Hôm 15-6, quân đội Iraq - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong khối OPEC - đã giết hơn 279 người thuộc phiến quân. Sau 3 năm Mỹ rút quân khỏi Iraq, nước này đang có nguy cơ sa vào một cuộc nội chiến bởi xung đột sắc tộc. Dầu WTI bị đẩy lên 107,33 USD/thùng.

Trong khi đó, căng thẳng tại Ucraina tiếp tục leo thang khi có 49 người thiệt mạng trong 2 ngày cuối tuần vừa qua khi các máy bay chiến đấu ủng hộ Nga đã bắn hạ một chiếc máy bay khác. Nga - quốc gia sản xuất vàng và xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới - có thể sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ucraina trong ngày 16/6, giữa bối cảnh gia tăng căng thẳng ở phía Đông.

"Thị trường đã phản ứng với những chuyển động trong giá dầu, giá vàng và bán cổ phiếu để mua trái phiếu", Toby Lawson - Giám đốc mảng giao dịch cổ phiếu tiền mặt, tùy chọn và tương lai Newedge Group SA tại khu vực châu Á-TBD nhận định. " Điều này rất bình thường khi chúng ta nhìn thấy những cú sốc căng thẳng địa chính trị gây ra cho thị trường. Tác động lên giá dầu sẽ được tối thiểu tại thời điểm này nhưng cuộc khủng hoảng sẽ khôngdừng tại đây".

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm

Chỉ số MSCI Asia Pacific Index giảm 0,2% sau 5 tuần tăng, chỉ số Topix Nhật Bản giảm 0,4% và chỉ số Standard & Poor’s 500 Index tương lai giảm 0,4%.

Chứng khoán ở Trung Đông cũng giảm, với chỉ số DFM General Index của Dubai rớt giá 4,7% xuống gần mức thất nhất kể từ ngày 6/4. Chỉ số Kuwait Stock Exchange Index giảm 1,4% - mức giảm mạnh nhất trong 1 tuần. Đồng thời, chỉ số Abu Dhabi Securities Market General Index cũng giảm 2% xuống dưới mức thấp của 3 tuần qua. Chỉ số chuẩn của Qatar giảm 1,6%.

Hôm nay 16-6, Ấn Độ sẽ công bố dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng giá bán buôn cao hơn trong tháng 5-2014. Theo dự đoán của 32 nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, con số này có thể tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 5,2% hồi tháng 4-2014.

Theo dữ liệu Bloomberg, chỉ số biến động 20 ngày của dầu Brent hôm 12/6 đã tăng trở lại 13% từ mức thấp kỷ lục. Dầu Brent có thể neo ở mức giá trung bình 116 USD/thùng trong quý IV, theo Macquarie Group Ltd. - đơn vị dự đoán giá dầu Brent chính xác nhất trong 3 tháng đầu năm 2014.

Đồng Yen tăng thêm 0,1% lên 101,92 Yen/USD sau khi tăng 0,4% hồi tuần trước, và so với EUR tăng 0,1% lên 138,04 Yen/EUR. Trong phiên giao dịch sáng 16/6, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,3% còn 2,1250 lira/USD, đồng rand của Nam Phi giảm 0,3% còn 10,7145 so với 1 USD.

Rủi ro trái phiếu

Ngày 16-6, chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng Markit iTraxx Asia Index tăng 1 điểm cơ bản, tương đương 0,01%, lên 106 điểm cơ bản, theo Australia & New Zealand Banking Group.

Trái phiếu 10 năm của Chính phủ Mỹ tại New York giảm 1 điểm cơ bản còn 2,59%, sau khi đóng cửa 2,61% hôm 13/6. Trái phiếu cùng mức đáo hạn của Úc giảm 3,74%, tương đương 5 điểm cơ bản.

Dữ liệu 13-6 cho thấy niềm tin tiêu dùng tháng 6/2014 trong nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ của đại học Michigan (Thomson Reuters /University of Michigan preliminary sentiment index) giảm còn 81,2 từ 81,9 hồi tháng 5-2014.

C. LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên