22/05/2022 10:12 GMT+7

Gia đình đặc biệt của Mật Ong

HUỲNH VY
HUỲNH VY

TTO - Làm thế nào để vợ chồng sau ly hôn vẫn cùng thực hiện tốt vai trò làm cha mẹ? Câu chuyện của gia đình bé Mật Ong có thể gợi mở nhiều điều.

Gia đình đặc biệt của Mật Ong - Ảnh 1.

Bố Ngọc, mẹ Uyên và Mật Ong vẫn sum họp cùng nhau trong những dịp đặc biệt - Ảnh NVCC

Đây là câu chuyện của anh Phạm Tuấn Ngọc (nghệ sĩ nhiếp ảnh, sáng lập Noirfoto Darkroom-Studio) và chị Bùi Hà Uyên (đồng tác giả 2 quyển sách Để con được ốm và Để con được chích), cùng bé Mật Ong (tên thật là Hân Yên) mang đến nhiều góc nhìn về gia đình và nuôi dạy con rất đặc biệt.

Năm Mật Ong 7 tuổi, bố Ngọc và mẹ Uyên chính thức không còn sống chung một nhà. Quyết định chia tay đã có từ trước, nhưng việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng của bố mẹ không đồng nghĩa kết thúc một gia đình, nhất là với hành trình "unschooling" đặc biệt của bé Mật Ong.

Không còn là vợ chồng, vẫn luôn là cha mẹ

* Điều gì giúp anh chị vẫn giữ được mối quan hệ bạn bè sau ly hôn và vẫn tạo được một môi trường gia đình tốt nhất cho con?

- Chị Uyên: Vấn đề tiên quyết để có thể làm bạn với bố của con mình sau khi ly hôn là đừng chia tay vì giận dỗi hay để thỏa cảm giác tự ái, mà chỉ nên chia tay khi cả hai đều hiểu mối quan hệ này nên kết thúc.

Gia đình là gì? Với mình, gia đình là có bố, có mẹ, có con, và mỗi thành viên đều làm tốt vai trò của mình. Bọn mình không sống chung đã 3 năm nay nhưng luôn chia sẻ trách nhiệm làm bố và mẹ của con. Sáng Mật Ong sang bố, chiều tối về ở cùng mẹ, con vẫn có bố mẹ ở bên mọi lúc con cần.

- Anh Ngọc: Điều này đòi hỏi mình phải phân biệt rạch ròi hai mối quan hệ: giữa vợ chồng và giữa bố/mẹ với con. Việc mình và Uyên chia tay chỉ kết thúc mối quan hệ vợ chồng, chứ không ảnh hưởng đến mối quan hệ cùng là bố mẹ của Mật Ong và cùng nuôi dưỡng con.

* Anh chị đã làm thế nào để Mật Ong không bị sốc và có thể chấp nhận việc bố mẹ không còn sống cùng nhau?

- Chị Uyên: Mình dạy con hiểu thế nào là tình cảm yêu đương của hai người xa lạ, thế nào là tình thương của những người chung huyết thống. Mật Ong hiểu mối quan hệ của bố mẹ có thể thay đổi nhưng giữa con và bố mẹ thì không, nên con không sốc hay đau lòng.

Mình cũng dạy con cách sống tự lập và tôn trọng quyết định của người khác. Mật Ong từng có một câu "kinh điển": "Con không muốn bố mẹ chia tay, nhưng bố mẹ lựa chọn rồi thì con chịu thôi!".

- Anh Ngọc: Tất nhiên con có buồn lúc bố mẹ mới chia tay, nhưng mình và Uyên đã giúp con thích nghi dần với sự vắng mặt của bố hoặc mẹ một cách chậm rãi, mỗi ngày một ít, chứ không phải một trong hai đột nhiên biến mất. Điều quan trọng nhất là con hiểu mình không bị bỏ rơi và luôn có đầy đủ yêu thương từ bố lẫn mẹ.

Gia đình đặc biệt của Mật Ong - Ảnh 2.

Mật Ong đặc biệt mê sách, rất thích đọc truyện lịch sử và dân gian - Ảnh: NVCC

Khi con vui, tiến bộ mỗi ngày, biết rằng con ổn

* Vì sao anh chị quyết định cho Mật Ong đi theo hướng "unshooling"?

- Chị Uyên: Mật Ong là cô bé được tôn trọng trong mọi vấn đề ngay từ bé. Khi học mầm non, con gặp vấn đề với cô giáo và không muốn tiếp tục đến trường. Đó là lúc bọn mình quyết định tự chịu trách nhiệm cho việc chăm sóc và giáo dục con.

- Anh Ngọc: Từ đầu, mình và Uyên đều nhận thức cách giáo dục nào cũng có ưu và nhược điểm, bọn mình chỉ chọn cách phù hợp với gia đình nhất. Cả bố và mẹ Mật Ong đều làm việc tự do, có thể sắp xếp thời gian ở nhà cùng con, đưa con đi học các môn con thích...

Cả hai đều cởi mở và sẵn sàng thay đổi tùy theo sự phát triển của con, chứ không vì thấy lạ hay thích khác người mà cố chấp theo một phương án. Nhưng đến hiện tại Mật Ong vẫn ổn, vậy cứ cho con tiếp tục thôi.

* Làm thế nào để anh chị biết con vẫn đang phát triển tốt?

- Anh Ngọc: Với mình, việc giáo dục không nhằm so sánh với người khác, mỗi đứa trẻ có những sở trường và sở đoản riêng. Mình biết con ổn vì Mật Ong có thể giao tiếp tốt tiếng Anh, mê sách và đọc được những quyển sách dày, thích học võ, học vẽ, học đàn, bơi lội...

Nhìn vào cuộc sống hằng ngày của con, mình biết con có vui không, kiến thức con thu thập mỗi ngày có tiến bộ không.

- Chị Uyên: Bọn mình dành thời gian bên con, tìm người giỏi dạy con những gì mình không biết, tạo mọi điều kiện cho con học điều con thích, và con vẫn có rất nhiều bạn bè. Lớn lên cùng con là một quá trình cần học hỏi và phản tỉnh liên tục.

Thuật ngữ "unschooling" được nhà giáo dục John Holt đưa ra vào những năm 1970. Theo đó, người lớn có thể giúp trẻ học hỏi không bằng cách quyết định cho con học gì hay tìm kiếm phương pháp giáo dục sẵn có nào, mà bằng cách tạo điều kiện cho con tiếp cận thế giới càng nhiều càng tốt, chú ý những điều con làm, trả lời các câu hỏi của con và giúp con khám phá những điều con quan tâm nhất.

Mật Ong năm nay 10 tuổi, bé tự chọn các môn muốn học, tự lên thời khóa biểu và tự quản lý chính mình.

Sau ly hôn, khép con tim lại hay tiếp tục Sau ly hôn, khép con tim lại hay tiếp tục 'mở lòng'?

TTO - Khép con tim mình lại hay tiếp tục 'mở lòng' ra để đón nhận một tình yêu mới sau ly hôn? Ấy là điều trăn trở của không ít người.

HUỲNH VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên