02/06/2013 04:07 GMT+7

Gặp người Việt ở mũi Hảo Vọng

NAM TRẦN
NAM TRẦN

TT - Sau chuyến khám phá Nam Phi và đặt chân đến mũi Hảo Vọng - nơi giao hòa giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, chúng tôi ra sân bay trở về Việt Nam trong cơn mưa rào bất chợt đổ xuống thành phố Cape Town. Như một thói quen, tôi... hưởng thụ việc xếp hàng làm thủ tục hải quan.

Có hai cậu thanh niên đen nhẻm, quần áo xộc xệch lọt thỏm giữa đoàn du khách thảnh thơi. Trong ánh mắt họ toát lên vẻ rụt rè, lạc lõng. Đến gần cổng kiểm soát, giọng tiếng Việt lạ lẫm vang lên: “Anh cho em hỏi trên này viết thế này thì em phải đi đường nào để lên máy bay?”. Tôi hơi giật mình vì không nghĩ hai người bạn này lại đến từ quê nhà Việt Nam. Chúng tôi sẽ bay chung chuyến từ Cape Town về Singapore và sau đó họ nối chuyến về Hà Nội.

Tôi ngồi cạnh Tuân, cậu bạn tóc dài đến lưng buông xõa trông giống một tay rocker hơn là thủy thủ. 22 tuổi, Tuân trông già và đen, nước da sạm đi vì làm việc trên tàu. Tay bị nẹp cố định và treo trên cổ. Tôi hỏi tại sao lại bị thế này? Câu chuyện trải lòng của chàng thủy thủ quê Nghệ An bắt đầu.

12 tuổi, Tuân nghỉ học theo tàu đi lưới cá, làm mãi không đủ sống vì nhà đông anh em. 18 tuổi, cậu xin nhà cho vốn đăng ký đi xuất khẩu lao động theo dạng thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá. Tuân kể con tàu của cậu là tàu chuyên đánh bắt ngoài khơi xa, một chuyến đi có khi sáu tháng mới vào bờ một lần. Mỗi lần đầy cá sẽ có tàu trung chuyển ra tiếp tế và mang hàng về. Trong một lần dây cáp kéo lưới đang chạy, Tuân bị cuốn vào cuộn dây to làm cả phần cánh tay bị giập. “Thế mà họ không cho em về, phải ba tháng sau mới có tàu ra, thế là thuyền trưởng đẩy cả em và anh Ẩn về luôn. Anh ấy bị thuyền trưởng đánh mới ra nông nỗi này”.

Tuân kể tiếp: “Em làm cho tàu Đài Loan, thuyền trưởng hung hăng lắm, hay đánh thủy thủ khi bực mình, các thuyền viên ai cũng rất tức. Ổng không dám ra ngoài boong một mình đâu vì từng có chuyện thuyền trưởng bị thuyền viên vứt xuống biển”. Tôi rùng mình khi nghe đến đoạn này.

Tôi đổi đề tài: vậy em có hay đi qua mũi Hảo Vọng không? Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Tuân, tôi bảo cái chỗ trước khi em cập cảng Cape Town ấy. “Rồi, em đi nhiều lắm rồi, lần đầu tiên em đi qua, đám thuyền viên bảo đằng kia là Nam Phi mà em cũng đâu có biết tiếng

Việt gọi nó là mũi Hảo Vọng”.

Tuân kể còn đi nhiều nơi lắm, có cả Ấn Độ, Singapore... “Hôm ở Singapore em còn nghĩ chỉ vèo cái là đến nhà mình, hai năm rồi em không về nhà, cũng ít khi gọi điện thoại lắm. Lương chủ tàu trả cho em được hơn 500 usd chuyển thẳng về Việt Nam để trả nợ tiền công ty đưa mình đi vì lúc đó nhà em không đủ tiền” - Tuân kể. “Vậy bây giờ chưa hết hợp đồng đã về thì sao?” - tôi hỏi. Tuân cho biết em bị trả về vì không đủ sức khỏe làm việc, cũng không được bồi thường gì.

Tôi đưa cho cậu vài trăm ngàn đồng để đi xe về quê nhưng Tuân nhất định không lấy. Cậu bảo có rồi, lúc rời tàu được phát một ít tiền Nam Phi đã đổi ra lấy tiền đôla Mỹ, tí đến sân bay Việt Nam đổi tiền Việt là về được. Tuân nhoẻn miệng cười hiền lành, nụ cười đầu tiên với tôi đầy chất dân dã, thân thương.

Chợt nhớ câu chuyện của một anh bạn kể về những thủy thủ xưa kia khi đi qua mũi Hảo Vọng, vào quán bar sẽ có quyền chống một cùi chỏ lên quầy. Ai đi qua mũi Sừng ở Nam Mỹ sẽ có thể thoải mái chống hai tay lên một cách tự hào. Đời thủy thủ xưa sống với những con sóng, chinh phục biết bao vùng đất mới. Anh bạn Tuân của tôi đây cũng đã trải qua rất nhiều điểm đến, nhưng liệu có được thoải mái sống hào sảng và xông pha!

Tôi nhìn Tuân đang đứng sát cửa kính nhìn ra ngoài sân bay, ánh mắt xa xăm và đầy ắp những suy nghĩ. Cape Town vừa ngớt mưa, chút nắng hồng đang ửng lên phía chân trời.

NAM TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên