13/05/2015 09:14 GMT+7

Gặp lại bé gái ba lần tặng hoa Bác Hồ

MAI HOA
MAI HOA

TT - Bé gái năm xưa ấy giờ đây đã là một bác sĩ nghỉ hưu. Những ký ức ngày bé thơ, với bà, vẫn còn lưu lại mãi trong trái tim.

Bà Hồ Thị Kim Sương - Ảnh: Tự Trung
Bà Hồ Thị Kim Sương - Ảnh: Tự Trung

Đó là những năm 1962, 1963, có ba dịp: Quốc khánh 2-9, sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày đón hoàng thân Lào, cô bé Hồ Thị Kim Sương cùng các bạn học sinh Hà Nội được đứng trong đội hình thiếu nhi tặng hoa Bác Hồ.

“Vinh dự lắm, cả gia đình, nhà trường đều tự hào vì con em mình được tham dự ngày lễ trọng đại. Bác tặng lại cho các cháu thiếu nhi một ít kẹo. Tôi mang về chia hết cho các bạn”- bà Sương nhớ lại.

Hơn 50 năm sau, cuộc đời thăng trầm đẩy đưa nhưng những ký ức ngọt ngào đó cứ theo bà đi mãi.

Tốt nghiệp trường y năm 1974, bà Kim Sương làm ở Bệnh viện Việt Đức suốt 10 năm, rồi đi học sau đại học ở Đức sáu năm. Khi trở về bà tiếp tục làm tại Bệnh viện Việt Đức thêm vài năm nữa rồi chuyển vào TP.HCM công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngoài công tác chuyên môn, bà còn viết một số bài về y đức, về các bệnh đăng trên báo Tuổi Trẻ với những trăn trở, như là chuyện bác sĩ phải cười với bệnh nhân, phải tiết kiệm từng giọt máu cho bệnh nhân khi mổ.

Bà nói: “Tôi viết vì xót xa cho bệnh nhân, đôi khi vì sự thiếu hiểu biết của mình hoặc sự vô ý, cẩu thả của bác sĩ mà bệnh tình thêm nặng. Tôi nghĩ khi đã vào bệnh viện rồi thì bệnh nhân và người nhà đều mang tâm lý lo sợ bệnh tật và đau đớn. Họ đã đủ khổ sở rồi nên mình phải đối xử chân tình, mềm mỏng để an ủi họ”.

Bà là người đưa thủ thuật dẫn lưu bàng quang bằng chọc trocar về VN. Hồi đi học bên Đức, bà đã thực hành kỹ thuật này và biết rằng rất có lợi cho bệnh nhân, tránh cho họ được một ca mổ.

Trong khi đó, kỹ thuật trong nước lúc bấy giờ vẫn là mổ chừng 5 - 10cm để thông tiểu, rồi phải tiêm kháng sinh, chích thuốc tránh nhiễm trùng.

Vậy là khi tốt nghiệp về nước, bà xin mấy bộ dụng cụ về rồi làm ca đầu tiên ở Bệnh viện Việt Đức. Sau này cũng chính bà thực hiện ca đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Về sau kỹ thuật này trở nên phổ biến ở VN, giúp người bệnh bớt đau đớn và tốn kém so với trước.

Chúng tôi gặp bà Sương rất nhiều lần trong các chương trình từ thiện xã hội. Bà thường thăm hỏi, giúp đỡ những người chẳng may gặp hoàn cảnh khó khăn.

Như rất nhiều nhà hảo tâm khác, bà không nói nhiều về mình mà chỉ cho biết tâm niệm khi cho đi là trong lòng thấy vui vẻ nhẹ nhàng. Cách đây gần 20 năm bà bị cướp giật, té xuống đường bị chấn thương sọ não.

Ai cũng nghĩ bà sẽ chết, hoặc nếu phẫu thuật thành công cũng phải sống đời thực vật. Nhưng rồi với sự tận tình cứu chữa của y bác sĩ, bà đã vượt qua và chưa đầy một năm sau đã có thể đi làm trở lại.

Bà tin rằng đó là điều may mắn số phận dành cho mình, sự sống là điều đáng quý và một khi còn được sống thì phải sống sao cho thật xứng đáng. 

Trong căn nhà ở P.19 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bà để riêng hai bịch rác vô cơ và hữu cơ. Rác ướt, bà đeo bao tay vào vắt thật khô rồi mới bỏ vào bịch. Bà bảo không muốn nước rác rơi rớt làm cho mấy cô chú công nhân vệ sinh phải cực khổ.

Ngày tết đi ngoài đường thấy chị lao công, bà cũng dừng xe lại mừng tuổi vì thương người công nhân vất vả. Bà hay mua giùm những tờ vé số của người già, trẻ nhỏ, người tàn tật vì cho rằng họ đang cố gắng vượt lên số phận.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên