01/10/2022 17:54 GMT+7

Gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong 30 tháng, bước đầu xác định nguyên nhân

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay theo báo cáo của 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.

Gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong 30 tháng, bước đầu xác định nguyên nhân - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng - Ảnh: HIỀN NGUYỄN

Chiều 1-10, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, phóng viên Tuổi Trẻ đã đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết đến thời điểm hiện tại các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo chi tiết, cụ thể về số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc thời gian vừa qua chưa?

Trong đó, ngành, địa phương nào có số nhân sự nghỉ nhiều nhất. Qua báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc vừa qua là gì?

Bình quân một năm có 15.800 người nghỉ việc

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay đây là vấn đề dư luận rất quan tâm, đặc biệt sau khi có báo cáo của Bộ Y tế với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về con số hơn 9.300 nhân viên y tế bỏ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang tư, thôi việc trong vòng 1 năm rưỡi từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022. 

Theo ông Thăng, trước vấn đề cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bộ đã báo cáo Thủ tướng, có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương, đề nghị báo cáo lại trong giai đoạn COVID-19 vừa qua. 

Đến nay bộ đã nhận được báo cáo của 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành. Qua đó xác định trong vòng 2 năm rưỡi (từ 2020 đến giữa năm 2022) có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư. Con số này chiếm gần 2% so với tổng số biên chế được giao.

Bình quân một năm có 15.800 người nghỉ việc, chiếm 0,8% tổng số biên chế được giao. Trong đó địa phương chiếm tỉ lệ 82%, còn lại 18% của trung ương. 

Khối công chức hơn 4.000 người, khối viên chức hơn 35.000 người nghỉ việc. Trong đó khối giáo dục hơn 16.000, y tế 12.000 người nghỉ việc. 

Ông nói thêm lĩnh vực giáo dục, y tế với công việc rất áp lực, rồi cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương có thu nhập so với mặt bằng, thu nhập trên địa bàn là có chênh lệch, nên có chuyện chuyển việc, nghỉ việc. 

Nhiều nguyên nhân dẫn tới nghỉ việc

Về nguyên nhân, theo ông Thăng có cả khách quan, chủ quan. Trong đó khách quan là do thị trường kinh tế, lao động của chúng ta để phát triển được lành mạnh thì giữa khu vực công - tư, kể cả xuất khẩu lao động là liên thông.

Cạnh đó với nền kinh tế nhiều thành phần, cả khu vực công, khu vực tư cũng có tương tác, cạnh tranh để cùng phát triển. 

“Qua việc này chúng ta cũng nhìn nhận lại khu vực công, chính sách ra làm sao, khu vực tư chính sách như thế nào để chúng ta hoàn thiện, phát triển”, ông Thăng nêu.

Nguyên nhân khác theo thứ trưởng là chủ trương xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Theo các quy định của Luật viên chức, nghị định của Chính phủ, đặc biệt nghị quyết của trung ương, cũng tạo sự ra vào giữa khối khu vực công với tư, cũng thường xuyên, đặc biệt với hai ngành y tế, giáo dục. 

Còn nguyên nhân chủ quan là chế độ chính sách tiền lương còn rất nhiều khó khăn trong khu vực công, so với nhu cầu cuộc sống vẫn chưa theo kịp. 

Ông nêu rõ Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương thế nào cho phù hợp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Bên cạnh đó, theo ông Thăng, công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đội ngũ chuyên gia chưa làm tốt. 

Trong đó người có kiến thức, chuyên môn, năng lực giỏi, khu vực tư có nhiều chính sách thu hút. Rồi việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trên cơ sở gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ.

"Quá trình này cũng có những cơ quan, đơn vị khối lượng công việc có tăng, đây cũng là sức ép cho anh em, đặc biệt với ngành y tế do tác động bởi dịch COVID-19. 

Rồi môi trường làm việc, điều kiện làm việc một số thời điểm trong khu vực công cũng chưa thực sự hấp dẫn, chưa thực sự tạo ra cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt năng lực của mình", ông Thăng nêu.

Bên cạnh đó theo ông Thăng, còn do công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức của anh em, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức rồi cũng xuất phát từ lý do cá nhân, muốn thử sức, thay đổi công việc giữa khu vực công với tư, rồi thay đổi định hướng, nghề nghiệp…

Nikkei: Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau đại dịch, phấn đấu GDP 8% năm nay Nikkei: Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau đại dịch, phấn đấu GDP 8% năm nay

TTO - Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm liều nhắc lại, hướng tới phấn đấu tăng trưởng 8% trong năm nay.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên