22/09/2019 08:35 GMT+7

Gác nhỏ 5m2 ở quận 4 chật chội ước mơ của Lâm Huế Bình

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Những ngày này, cô tân sinh viên Lâm Huế Bình (TP.HCM) chộn rộn niềm vui khi trúng tuyển Trường ĐH Sài Gòn. Dù chỉ mới chuẩn bị được vài triệu đồng tạm ứng trước cho trường, nhưng Bình luôn tin rằng "mọi chuyện sẽ ổn".

Gác nhỏ 5m2 ở quận 4 chật chội ước mơ của Lâm Huế Bình - Ảnh 1.

Huế Bình bên người mẹ đang mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Mong ước của em là học tới nơi tới chốn, có công việc ổn định để sau này lo cho mẹ.

Lâm Huế Bình

Niềm tin ấy xuất phát từ khát khao được bước chân vào cổng trường đại học, học thành tài để làm chỗ dựa chăm lo người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo.

Chỗ ở 5m2

Gác nhỏ thiếu ánh sáng trong căn nhà ở quận 4 (TP.HCM) là nơi trú ngụ của hai mẹ con Lâm Huế Bình (19 tuổi). Muốn lên được căn gác phải leo qua thang gỗ dựng thẳng đứng, nếu không cẩn thận sẽ bị trượt chân cũng như đụng đầu. 

Căn phòng 5m2 vây kín bởi đồ đạc, nồi niêu, gia vị nấu ăn, chỉ chừa đủ chỗ trải tấm nệm cho hai mẹ con ngả lưng mỗi đêm. Chẳng có vật gì giá trị ngoài chiếc tủ đặt di ảnh cha Huế Bình.

Bà Lâm Mỹ Linh (45 tuổi), mẹ Huế Bình, cho biết trần căn phòng trước làm bằng tôn, lại thấp lụp xụp nên ngày nóng chẳng khác gì lò nung, vài năm gần đây mới làm laphông nên "dễ thở" hơn.

Tâm sự với chúng tôi, bà cho biết đây là căn nhà của mẹ đẻ mình: "Mẹ tôi có 5 người con gái, các con lập gia đình về đây sống. Mỗi người chia nhau ở một góc".

Cuộc sống bí bách trong căn gác nhỏ khiến người ta dễ mệt mỏi, nhưng không thể làm nản chí cô gái có gương mặt xinh xắn Huế Bình. Bình bảo cực khổ mấy cũng chịu được, quen ngần ấy năm rồi, song điều em quan tâm nhất chính là việc học. Đó là lý do 12 năm liền Bình đều đạt học sinh giỏi.

Ba mất khi em vừa lên 3 tuổi. Một mình người mẹ nuôi con gái ăn học, trưởng thành. Bà không có việc làm ổn định, hằng ngày đi phụ bán cây kiểng, phụ quán cà phê để kiếm vài chục nghìn đồng.

Năm lớp 7, cuộc sống quá khó khăn, mẹ lâm bệnh nên không kiếm ra tiền, Bình phải nghỉ học giữa chừng tìm việc kiếm sống. Một năm ròng rã trôi qua, bao tủi cực nhưng ước mơ trở lại trường trong cô gái nhỏ chưa bao giờ tắt. Biết hoàn cảnh học trò, thầy cô đã động viên và hỗ trợ Bình.

"Từ lúc quay lại việc học, mình tự dặn bản thân không được bỏ cuộc giữa chừng, dù khó đến đâu cũng phải ráng học lên đại học" - Huế Bình nhớ lại.

Hiện nay, bà Linh đang mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tình ở giai đoạn cuối nên sức khỏe yếu hẳn, bữa làm được bữa không. Một nỗi lo không nói thành lời nhưng luôn thường trực trong đầu cô gái nhỏ này là một ngày nào đó sẽ bơ vơ vì không còn mẹ bên cạnh. Vì vậy ngay lúc này, Bình chỉ biết nỗ lực hết sức để mẹ nhìn thấy sự trưởng thành của mình.

Hành trình nỗ lực

Khi bạn bè cùng trang lứa chỉ lo việc học thì Huế Bình đã bươn chải làm thêm kiếm tiền phụ mẹ. Những năm cấp III, dù bài vở nhiều nhưng Bình vẫn nhận việc làm thêm buổi tối. 

"Mình nhận gia công may đồ về làm buổi tối. Mỗi sản phẩm chỉ được mấy trăm đồng. Một đêm như vậy mình làm được mấy chục ngàn đến 100.000 đồng" - Huế Bình cho biết. 

Có những đêm chong đèn vừa học vừa làm, Bình thức đến 4h sáng. Sáng hôm sau lên lớp mệt nhoài, mắt ríu lại, nên giờ ra chơi hay buổi trưa Bình đều tranh thủ chợp mắt.

Vì gia đình không có điều kiện nên Bình chưa một lần bước chân đến lớp học thêm, hoàn toàn tự học ở nhà. Tâm lý khá lo lắng khi thấy bạn bè đi học thêm, nhưng Bình đành chọn cách nỗ lực gấp 5-10 lần các bạn khác. Em chủ động xin thầy cô các dạng đề về nhà tự giải và cứ làm thật nhiều lần cho nhớ, cho quen.

Để có tiền đóng các khoản ở lớp cũng như mua sách vở, phụ mẹ tiền thuốc, Bình gắng học thật giỏi để nhận học bổng. Đáp lại sự nỗ lực, Bình đã đậu ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Sài Gòn với số điểm 23.

Bà Trương Thị Tuyết - chánh văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết Lâm Huế Bình là tấm gương về tinh thần nỗ lực vượt khó học giỏi. Biết được hoàn cảnh và ý chí của em, thời gian qua hội đã hỗ trợ học bổng cho Bình.

Số tiền ấy đã giúp hai mẹ con vượt qua những lúc ngặt nghèo và tiếp thêm nghị lực để Bình chú tâm học hành, chính thức trở thành tân sinh viên như ngày hôm nay.

Tân sinh viên Hồng Ngọc không hề cô đơn trên hành trình nhân ái Tân sinh viên Hồng Ngọc không hề cô đơn trên hành trình nhân ái

TTO - Trước 2.200 tân sinh viên nhập trường, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội xúc động nêu tấm gương tân sinh viên Hồng Ngọc. Thầy nói: 'Em không hề cô đơn trong hành trình nhân ái'.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên