19/02/2021 09:57 GMT+7

Facebook 'hủy kết bạn' với báo chí Úc

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Mạng xã hội Facebook ngày 17-2 tuyên bố chặn việc chia sẻ/đăng nội dung tin tức của người dùng và của báo chí Úc trên nền tảng của họ, nhằm phản đối dự luật buộc các công ty công nghệ trả tiền cho báo chí.

Facebook hủy kết bạn với báo chí Úc - Ảnh 1.

Hình minh họa với một màn hình điện thoại có biểu tượng Facebook và các tờ báo của Úc trong ảnh chụp ở Canberra ngày 18-2-2021 - Ảnh: REUTERS

"Việc Facebook "hủy kết bạn" với Úc hôm nay, cũng như chặn đứng nguồn thông tin thiết yếu về y tế và các dịch vụ khẩn cấp, cho thấy cả sự ngạo mạn và đáng thất vọng.

Thủ tướng Úc Scott Morrison viết trên trang Facebook cá nhân vào ngày 18-2

Theo lệnh hạn chế của Facebook, người dùng và báo chí ở Úc không thể đăng các đường link tin tức hay xem nội dung tin tức của Úc và tin từ báo chí quốc tế trên Facebook. Người dùng quốc tế không thể đăng và chia sẻ các link tin tức của các báo Úc trên Facebook của mình.

Facebook nghĩ báo chí cần họ

Trong thông cáo ngày 17-2, ông William Easton, giám đốc Facebook tại Úc và New Zealand, cho biết dự luật của Úc buộc Facebook phải đi đến lựa chọn cuối cùng là chặn mọi nội dung tin tức xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội này ở Úc. Vị quan chức của Facebook cũng thừa nhận trong suốt ba năm qua, Facebook đã cố gắng đàm phán với Chính phủ Úc nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nhưng bất thành.

Trong một diễn biến thời sự liên quan, ngày 17-2 Google đã ký thỏa thuận 3 năm với News Corp, tập đoàn sở hữu báo Wall Street Journal của Mỹ và rất nhiều tờ báo lớn hàng đầu khác ở Anh và Úc, để được sử dụng tin tức của Tập đoàn News Corp trên một số nền tảng của Google, trong đó có sản phẩm báo chí mới là Google News Showcase (tạm dịch Giới thiệu tin tức Google).

Lý giải về việc vì sao Facebook đã chọn giải pháp khác Google, ông William Easton nói vì mối quan hệ giữa hai nền tảng này với tin tức "về cơ bản là khác nhau".

"Google Search gắn chặt và không thể tách rời với tin tức và các đơn vị báo chí không tự nguyện cung cấp nội dung cho họ. Trong khi đó, báo chí sẵn lòng muốn đăng tin tức trên Facebook vì điều đó giúp họ có thêm nhiều khách hàng dài hạn, tăng bạn đọc và tăng lợi nhuận quảng cáo", ông William Easton lập luận.

Ông Easton dẫn chứng trong năm ngoái Facebook đã giúp tạo ra 5,1 tỉ lượt kết nối miễn phí tới trang tin tức của các báo Úc, mang lại cho họ lợi nhuận ước tính 407 triệu AUD (315 triệu USD).

Bên cạnh đó, người đứng đầu Facebook tại Úc và New Zealand cũng cho rằng lợi nhuận kinh doanh từ tin tức rất nhỏ với công ty này. Theo ông Easton, tin tức chỉ chiếm chưa tới 4% trong các nội dung người dùng xem trên bảng cấp tin (News Feed) của Facebook.

Úc quyết không nhượng bộ

Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg chỉ trích quyết định của Facebook, cho rằng mạng xã hội này đã tự làm tổn thất uy tín khi cấm người Úc đọc và chia sẻ tin tức trên nền tảng của họ để phản ứng với dự luật mới của chính phủ. Sáng 18-2 ông Frydenberg đã có cuộc thảo luận trực tuyến khoảng 30 phút với nhà sáng lập Facebook, tỉ phú Mark Zuckerberg. Theo Đài ABC (Úc), ông Frydenberg miêu tả đó là cuộc trao đổi "thân tình" và "rất xây dựng".

"Chúng tôi muốn họ ở lại Úc, nhưng chúng tôi cũng muốn họ trả tiền cho nội dung gốc", ông Frydenberg nói và cho biết vẫn còn nhiều khác biệt hai bên cần tiếp tục tìm giải pháp vượt qua.

Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher khẳng định với truyền thông trong nước rằng Chính phủ Úc sẽ vẫn tiếp tục xúc tiến thông qua dự luật. Theo ông Fletcher, cách Facebook chặn tin tức với người dùng Úc đặt ra những câu hỏi về việc liệu người dùng có còn nên tin tưởng vào những gì họ thấy trên nền tảng này nữa hay không.

"Facebook cần suy nghĩ thực sự cẩn trọng về việc chuyện này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với danh tiếng cũng như vị thế của họ", ông Fletcher bình luận với Đài ABC.

Không chỉ Úc, nhiều nước khác cũng quyết liệt yêu cầu Facebook trả tiền cho báo chí. Năm 2019 Nghị viện châu Âu thông qua chỉ thị về bản quyền số, trong đó có điều khoản cho phép các nước thành viên EU có thể dùng cơ chế để buộc các nền tảng công nghệ phải trả tiền báo chí khi sử dụng nội dung của họ. Pháp là thành viên EU đầu tiên thông qua luật này ngay sau đó. Tháng trước Google đã đồng ý trả tiền cho báo chí Pháp sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng.

Đối diện áp lực từ nhiều nước, hai gã khổng lồ Facebook, Google đang trong lộ trình tìm cách tạo ra những tính năng mới để vẫn có thể khai thác được lợi nhuận từ mảng tin tức mà không phải thay đổi hoàn toàn hoạt động kinh doanh của họ. Mùa thu năm ngoái Google tuyên bố sẽ trả báo chí 1 tỉ USD để được sử dụng tin tức "chất lượng cao" trên Google News Showcase. Tương tự, Facebook đã chi nhiều triệu USD cho các đơn vị báo chí đồng ý cung cấp tin tức cho thẻ Facebook News của mạng xã hội này. Facebook News vừa đi vào hoạt động tại Anh tuần trước.

Những động thái này cho thấy các ông lớn công nghệ rốt cuộc cũng đã chịu trả tiền cho tin tức chất lượng, nhưng chỉ trên cơ sở những điều khoản mà họ cảm thấy chấp nhận được.

Dự luật của Úc có gì?

Các nhà lập pháp Úc đã trình dự luật Đàm phán truyền thông buộc các công ty Internet như Google, Facebook phải trả tiền bản quyền cho báo chí khi sử dụng lại tin tức của họ trên các nền tảng của mình.

Theo trang Axios, giới nghị sĩ Úc cho biết nếu Google, Facebook không thể tự thương lượng với các báo về mức chi trả bản quyền, họ sẽ phải trả theo mức quy định của chính quyền Úc nếu không muốn bị phạt nặng.

Dự luật vẫn đang còn chờ được thông qua tại thượng viện. Nếu được phê chuẩn, Úc sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có luật này.

Quan chức Anh chỉ trích Facebook có hành vi Quan chức Anh chỉ trích Facebook có hành vi 'bắt nạt' tại Úc

TTO - Quan chức Anh ngày 18-2 chỉ trích động thái chặn chia sẻ tin tức tại Úc của Facebook là hành vi 'bắt nạt', đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp toàn cầu đẩy mạnh khung pháp lý để quản lý các hãng công nghệ lớn.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên