15/07/2021 11:10 GMT+7

EMA cẩn trọng với trộn vắc xin COVID-19 và tiêm liều bổ sung

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) không đưa ra khuyến cáo rõ ràng nào về việc phối hợp vắc xin hoặc tiêm liều bổ sung, tuy nhiên khuyên các nước cân nhắc tình hình.

EMA cẩn trọng với trộn vắc xin COVID-19 và tiêm liều bổ sung - Ảnh 1.

Người dân tiêm ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm ở London, Anh, ngày 20-6 - Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố ngày 14-7, EMA cho biết cần phải tiêm đủ đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19 gồm 2 liều như Pfizer, AstraZeneca và Moderna, để chống lại biến thể virus corona chủng mới.

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh các nước đang thử nghiệm tiêm liều thứ 2 bằng loại vắc xin khác với liều đầu tiên nhằm tăng cường miễn dịch và giải quyết vấn đề thiếu vắc xin.

Dù không đưa ra khuyến cáo về vấn đề này, nhưng EMA kêu gọi các nước cân nhắc tình hình dịch bệnh.

"Để đáp ứng các nhu cầu và tăng tỉ lệ bao phủ tiêm chủng, các quốc gia có thể điều chỉnh chiến lược của mình... dựa trên tình hình dịch tễ học và sự lây lan của các biến thể cũng như bằng chứng cập nhật về hiệu quả của vắcxin chống lại các biến thể" - EMA cho biết.

Hồi tháng trước, một nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy việc phối hợp tiêm liều 1 bằng vắc xin AstraZeneca và liều 2 bằng vắc xin Pfizer trong vòng 4 tuần sẽ cho hiệu quả bảo vệ cao hơn việc tiêm 2 liều AstraZeneca.

EMA cũng cho rằng còn quá sớm để xác định liệu có cần tiêm bổ sung liều thứ 3 hay không do chưa có đủ dữ liệu từ các chương trình tiêm ngừa cũng như còn nhiều nghiên cứu về hiệu quả vắc xin vẫn đang diễn ra.

"Tuy nhiên trong trường hợp cần tiêm liều bổ sung, EMA và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu ECDC sẵn sàng hợp tác với nhau và các nhóm cố vấn kỹ thuật miễn dịch quốc gia" - EMA thông báo.

Trước châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan y tế Mỹ cũng nói rằng chưa có bằng chứng cho thấy cần phải tiêm liều bổ sung.

Trong khi đó, Israel ngày 14-7 cho biết đang trao đổi với các hãng dược sau khi quyết định tiêm liều vắc xin bổ sung để ngăn làn sóng dịch mới.

"Chúng tôi đang nói chuyện với các công ty dược về vấn đề tiêm bổ sung, liệu liều bổ sung nên giống liều ban đầu hay một liều cập nhật" - Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói.

Biến thể Delta của virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 hiện đang chiếm 90% ca bệnh mới ở Israel. Ông Bennett cho rằng có thể đánh bại biến thể này trong 5 tuần mà không phải phong tỏa nếu người dân tuân thủ việc tiêm ngừa, đeo khẩu trang trong nhà và giãn cách xã hội.

Các nước giàu đừng gom vắc xin nữa! Các nước giàu đừng gom vắc xin nữa!

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa 'nhắn nhủ' các nước giàu: đừng gom vắc xin COVID-19 để tiêm mũi tăng cường, trong khi nhiều nước chưa có vắc xin và cũng chưa có bằng chứng khoa học cho thấy cần tiêm liều bổ sung.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên