15/01/2022 10:54 GMT+7

Duyên nợ của cô 'tiến sĩ cá nóc'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Gần 10 năm làm việc và học tập tại Nhật chỉ xoay quanh... con cá nóc, dường như giờ mới là lúc TS Vũ Thùy Linh cảm thấy cô đang định hình rõ hơn bao giờ hết con đường sẽ đi và những ai sẽ đồng hành với cô.

Duyên nợ của cô tiến sĩ cá nóc - Ảnh 1.

Tiến sĩ Vũ Thùy Linh - Ảnh: NVCC

Một mình nhưng không đơn độc, những mơ ước thuở ban đầu giờ đã rõ nét trong từng bước tiến của các chương trình hợp tác, ký kết giữa Công ty Mitsui Suisan Japan và nhiều đối tác liên quan việc phát triển thị trường mà về lâu dài là ngành công nghiệp cá nóc ở Việt Nam.

Tôi rất kỳ vọng cô Linh sẽ trở thành cầu nối để phát triển quan hệ hợp tác trong ngành công nghiệp khai thác cá nóc của hai nước Việt - Nhật trong tương lai.

Ông ITO YOSHINARI

Duyên nợ cùng con cá

Linh với tên gọi thân thương "tiến sĩ cá nóc", bởi cô - một tiến sĩ được cấp bằng đầu bếp chế biến cá nóc ở Nhật Bản - là người đại diện cho Công ty Mitsui Suisan Japan ở khu vực phía bắc vùng thủ đô Tokyo, đang giữ vai trò điều phối chính của công ty này trong dự án phát triển thị trường cá nóc tại Việt Nam. Nhưng dường như không chỉ là Linh đã chọn cá nóc, mà có lẽ chính nó đã... chọn cô trước!

Linh được trao một tấm vé cơ hội đầu tiên vào đời giống hệt như "mối tình đầu sét đánh, thật hạnh phúc nhưng cũng đầy lo lắng, hồi hộp".

Ra trường tháng 6-2014, tháng 11-2014, cô qua Nhật làm việc cho Mitsui. Ngày hôm trước tới nhận việc chính thức, hôm sau Linh đã xuống xưởng ngay để học... rửa cá. Đứng liên tục nhiều giờ rửa cá nóc dưới vòi nước lạnh để đảm bảo cá tươi sống và giữ được tối đa hương vị thơm ngon là trải nghiệm không hề màu hồng với cô gái 23 tuổi.

Linh phải trải qua tất cả các phòng ban và các công việc cụ thể của công ty, từ xử lý, sơ chế đến chế biến cá nóc thành phẩm.

"Thực sự cảm giác rất ấn tượng với tôi khi ngắm những con cá đã được làm sạch và trông thật đẹp, thật ngon. Khi được ăn những món ăn rất ngon lúc đó, tôi đã nghĩ đến một ngày nào có thể làm chúng cho bố mẹ và những người thân cùng thưởng thức", Linh nhớ lại.

Nhưng càng làm việc, Linh càng cảm thấy dường như cô muốn làm sâu hơn một cái gì đó về cá nóc. Ý nghĩ thôi thúc mãi, cho tới lúc cô quyết định nói với ông Ito Yoshinari, tổng giám đốc Công ty Mitsui, ý định xin nghỉ việc để lên Tokyo học tiếp.

Mất công sang tận Việt Nam tuyển nhân viên đưa về Nhật, nhân viên làm việc hơn một năm đã xin nghỉ, hẳn nhiên không ông chủ nào vui. Nhưng ông Ito không cản một lời, vì dường như đã đọc được ánh mắt quyết tâm không thể lay chuyển của cô gái.

Lúc quyết định nghỉ làm để học tiếp cao học tại khoa dinh dưỡng và văn hóa ẩm thực quốc tế tại Trường ĐH Jumonji, Linh đã không hứa với bác giám đốc rằng cô sẽ trở lại. Nhưng tự trong lòng, cô đã nghĩ sẽ làm những điều có thể để đền đáp sự tử tế mà những người Nhật này đã dành cho mình.

Với đề tài luận văn thạc sĩ "Sự tiếp nhận của người Việt Nam với cá nóc, so sánh với cá thu và cá song" của Linh khi ấy, dường như trong cuộc ra đi đã có những hứa hẹn của ngày trở về.

Lối riêng đã sắp thành đường

Thế rồi rõ ràng cái "duyên cá nóc" đã không "buông tha" Linh khi ông Ito Yoshinari, cũng là một đầu bếp cá nóc được cấp bằng ở Nhật, đề nghị cô hợp tác với công ty ngay trong thời gian Linh đang học tiến sĩ với luận án nghiên cứu về cá nóc.

Nhờ sự hỗ trợ của Mitsui, Linh làm nghiên cứu "Xác định tính an toàn của các loài cá nóc ở Việt Nam". Cô tới 6 vùng biển ở Việt Nam, thu thập khoảng 500 mẫu nghiên cứu để tìm ra được 2 loài có thể ăn được và có tiềm năng khai thác là cá nóc xanh và cá nóc vàng.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Linh trở lại công ty này làm nhân viên toàn thời gian, tự nhiên và tin cậy "như chưa hề có cuộc chia tay" của 5 năm trước.

"Điều khó khăn nhất với tôi bây giờ là vượt qua những điểm còn khó khăn về chính sách xuất nhập khẩu với sản phẩm cá nóc từ Việt Nam sang Nhật. Còn rất nhiều việc phải làm", Linh chia sẻ. "Chưa kể còn là những khó khăn của cá nhân tôi - một người chuyển từ nghiên cứu sang kinh doanh, còn thiếu hụt một số kiến thức. Bởi vậy tôi còn phải học rất nhiều", cô nói tiếp.

Nhưng thời gian qua mọi thứ đã tốt đẹp hơn đáng kể khi các đối tác tốt đang lần lượt xuất hiện cả ở Nhật lẫn Việt Nam, sẵn sàng đồng hành với Linh trong hành trình cá nóc vì tin tưởng vào tiềm năng của nó.

Mới nhất, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản cuối tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho đại sứ Việt Nam tại Nhật Vũ Hồng Nam và Thương vụ Nhật Bản mà đứng đầu là tham tán thương mại Tạ Đức Minh trực tiếp lên kế hoạch và cùng Công ty Mitsui Suisan Japan kết nối các bộ ngành cũng như đối tác liên quan để khai thác tiềm năng cá nóc Việt.

"Tôi có cảm tưởng như một năm qua tôi đã sống bằng cả 5 năm trước đó, vì mọi thứ đã rõ rệt hơn rất nhiều, không còn miên man như giai đoạn giữa năm 2020 nữa", Linh chia sẻ. Niềm vui mới nhất với Linh là tháng 11-2021 cô đã nhận được huy hiệu đồng Ẩm thực Nhật Bản, một dấu mốc nữa trong sự nghiệp.

Được giúp nhiều hơn vì là phụ nữ

271291925_458903675945612_8313975849747876460_n

Linh tập mổ cá cho kỳ thi lấy bằng đầu bếp washoku - Ảnh: NVCC

Trong kỳ thi lấy bằng đầu bếp chế biến cá nóc hồi tháng 1-2021, Vũ Thùy Linh là người Việt Nam duy nhất trong số hơn 20 thí sinh đợt đó (số còn lại là người Nhật) và cũng là một trong 2 phụ nữ hiếm hoi dự thi.

Chia sẻ về môi trường làm việc tại Nhật, Linh cho biết mặc dù xã hội Nhật vẫn còn những quan niệm bảo thủ về phụ nữ như cho rằng phụ nữ vốn có thân nhiệt cao nên có thể làm ảnh hưởng tới độ tươi ngon của thực phẩm, hay phụ nữ không dễ tập trung cho sự nghiệp vì còn nặng gánh gia đình, song Linh không gặp khó khăn nào do kỳ thị giới.

Ngược lại, khi thấy cô là người nước ngoài, lại là phụ nữ, nhưng đã rất cố gắng, nỗ lực học tập, làm việc ở lĩnh vực vốn phần đông là nam, nhiều người Nhật đã càng quý trọng và muốn giúp cô hơn.

Sau khi đã dốc sức truyền dạy mọi kiến thức thiết yếu nhất giúp Linh vượt qua kỳ thi đầu bếp cá nóc, tổng giám đốc Ito Yoshinari đã vô cùng hạnh phúc bởi chính ông cũng hồi hộp về khả năng của học trò.

Phụ nữ tham gia vào vũ trụ ảo Metaverse - Phụ nữ tham gia vào vũ trụ ảo Metaverse - 'không đơn giản!'

TTO - "Gặp gỡ mọi người trong thực tế ảo rất vui nhưng cũng rất bát nháo, đặc biệt là phụ nữ. Điều này khác xa tầm nhìn của tỉ phú Mark Zuckerberg", nữ nhà báo Parmy Olson nhận định khi cô truy cập vào một nền tảng Metaverse.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên